Dịch thuật: Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa (226) ("Truyện Kiều")


MÀU HOA LÊ HÃY DẦM DỀ GIỌT MƯA (226)
          Trường hận ca 長恨歌 của Bạch Cư Dị 白居易thời Đường là bài thơ tự sự trường thiên, thuật lại bi kịch ái tình giữa Đường Minh Hoàng 唐明皇 và Dương Quý Phi 楊貴妃. Nhà thơ mượn nhân vật lịch sử và truyền thuyết sáng tạo nên câu chuyện cảm động lòng người, đồng thời thông qua hình tượng nghệ thuật, tái hiện cuộc sống hiện thực chân thật. Bài thơ có ảnh hưởng sâu rộng đối với các tác phẩm văn học sau này.
          Khi miêu tả Dương Quý Phi khóc, Bạch Cư Dị đã viết:
Ngọc dung tịch mịch lệ lan can
Lê hoa nhất chi xuân đới vũ
玉容寂寞淚闌干
梨花一枝春帶雨
(Trên khuôn mặt u buồn, đầm đìa nước mắt
Như cành hoa lê đọng giọt mưa xuân)

Cớ sao trằn trọc canh khuya
Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?
(“Truyện Kiều” 225 – 226)
Màu hoa lê đã (? – ND) dầm dề giọt mưa: Hình dung người đàn bà đẹp khoẻ. Gốc ở trong bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị: “Ngọc dung tịch mịch lộ lan can, Lê hoa nhất chi xuân đới vũ”. Nghĩa là “Mặt ngọc lặng lẽ lệ chứa chan, Một cành hoa lê mang mưa xuân”.
          (Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
          Ở phần văn bản là “Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa ”; ở phần chú giải là “Màu hoa lê đã dầm dề giọt mưa”
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Trường hận ca: Lê hoa nhất chi xuân đới vũ.
          長恨歌: 梨花一枝春帶雨
          (Bài Trường hận ca: Cành hoa lê dầm dìa mưa xuân)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Câu 226 trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn ý từ 2 câu: “Ngọc dung tịch mịch lệ lan can, Lê hoa nhất chi xuân đới vũ” trong bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị.
Trong “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, bản năm 1989, ở phần văn bản là “Màu hoa lê HÃY dầm dề giọt mưa”; ở phần chú giải là “Màu hoa lê ĐÃ dầm dề giọt mưa”.
          Bản năm 2000, ở phần chú giải là “Màu hoa lê ĐÃ ĐẦM ĐÌA giọt mưa
Bản “Kim Vân Kiều” do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 226 là:
Màu hoa lê hãy dầm DÌA giọt mưa
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 225 này là:
Cớ CHI trằn trọc canh khuya
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 11/02/2020
Previous Post Next Post