Dịch thuật: Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi (258) ("Truyện Kiều")


LÀM CHI ĐEM THÓI KHUYNH THÀNH TRÊU NGƯƠI (258)
          Khuynh thành:  thành ngữ  “khuynh thành khuynh quốc” 倾城倾国, hình dung phụ nữ cực kì xinh đẹp.
          Bài Chiêm ngưỡng瞻卬  ở phần Đại nhã 大雅  trong Kinh Thi, châm biếm U Vương 幽王 vì say mê Bao Tự 褒姒 và tin dùng hoạn quan mà khiến đất nước suy sụp. Bài thơ có câu:
Triết phu thành thành
Triết phụ khuynh thành
哲夫成城
哲婦傾城
(Đàn ông thông minh mưu trí thì dựng nên thành trì
Đàn bà thông minh mưu trí thì làm nghiêng đổ thành trì)

          Thời Tây Hán, nhạc quan cung đình Lí Diên Niên 李延年 có bài thơ:
Bắc phương hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập
Nhất cố khuynh nhân thành
Tái cố khuynh nhân quốc
Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc
Giai nhân nan tái đắc
北方有佳人
绝世而独立
一顾倾人城
再顾倾人国
宁不知倾城与倾国
佳人难再得
(Phương bắc có một giai nhân
Dung mạo xinh đẹp tựa hồ trên đời không có người thứ hai
Lần đầu đưa mắt nhìn người giữ thành thì thành thất thủ
Đưa mắt nhìn quân vương lần nữa thì đất nước ngả nghiêng
Tuy biết là nghiêng thành nghiêng nước
Nhưng với giai nhân khó mà có cơ hội gặp lại được)
          Theo Hán thư – Ngoại thích truyện 汉书 - 外戚传, có một lần trong buổi yến tiệc ở cung đình, Lí Diên Niên李延年 khi dâng điệu múa đã hát bài thơ này. Hán Vũ Đế汉武帝nghe qua không ngăn được cảm thán: Trên đời làm gì có người nào đẹp như thế? Chị của Hán Vũ Đế là Bình Dương công chúa 平阳公主 tiến cử em gái của Lí Diên Niên. Hán Vũ Đế cho triệu kiến, quả nhiên nàng cực kì xinh đẹp. Từ đó, em gái của Lí Diên Niên trở thành Lí phu nhân 李夫人sủng ái của Hán Vũ Đế.

Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi?
(“Truyện Kiều” 257 – 358)
Lạ cho cái sóng khuynh thành
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi
(“Truyện Kiều” 1301 – 1302)

Khuynh thành: Làm nghiêng thành, chỉ người đàn bà đẹp nhất nước. Lý Diên Niên trong Hán thư nói: Phương Bắc có người đẹp nhất đời mà đứng một mình. Một cười làm nghiêng cái thành người ta, hai cười làm nghiêng nước người.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 21/02/2020
Previous Post Next Post