Dịch thuật: Bí ẩn việc Chu Công soán vị

BÍ ẨN VIỆC CHU CÔNG SOÁN VỊ

          Thương Trụ Vương 商纣王 tự đốt Lộc Đài 鹿台 khói chưa kịp tan thì Chu Vũ Vương 周武王 đã dẫn đại quân tiến vào Thương đô, chính thức hướng đến Ân dân tuyên bố Ân triều diệt vong, Chu triều thay thế. Hộ vệ bên trái bên phải Vũ Vương là hai vị tướng quân cầm cây việt lớn việt nhỏ. Cầm việt lớn chính là Chu Công 周公, người có tác dụng then chốt trong việc củng cố và phát triển sự thống trị của vương triều Chu
          Chu Công tính Cơ , danh Đán , con thứ 4 của Chu Văn Vương Cơ Xương 周文王姬昌, em cùng mẹ với Chu Vũ Vương. Ông phò tá Vũ Vương diệt Ân Trụ, kiến lập công lao hãn mã cho vương triều Chu. Trong lịch sử, đối với việc ông có hay không soán vị xưng vương luôn là đề tài tranh luận không thôi.
          Sau khi Chu Vũ Vương qua đời, thái tử Tụng   kế vị đó là Thành Vương 成王. Thành Vương chỉ mới hơn 10 tuổi, hãy còn nhỏ, khó mà ứng phó với cục diện chính trị phức tạp, Chu Công đương nhiên gánh nhiệm vụ trọng đại nắm giữ vận mệnh đất nước, vấn đề là ông ta có hay không việc soán vị làm vương (vi Vương 为王), hay là phò tá Thành Vương làm “nhiếp chính” 摄政 mà thôi, hai thuyết này mỗi thuyết đều có căn cứ.
          Có nhiều căn cứ về thuyết “vi Vương”. Trong Tuân Tử - Nho hiệu 荀子  - 儒效 Hoài Nam Tử - Tỉ luận 淮南子 - 汜论 đều nói: Chu Công
Lí thiên tử chi tịch
履天子之籍
(Lên ngôi vị thiên tử, kế thừa đế nghiệp)
          Trong Thượng thư – Đại truyện 尚书 - 大传 càng nói rõ hơn:
Chu Công thân cư vị, thính thiên hạ vi chính.
周公身居位, 听天下为政
(Chu Công thân ở ngôi vị, nghe thiên hạ mà cai trị)
          Theo sự khảo chứng gần đây, Vương xưng Văn Vương  trong Thượng thư  - Đại cáo 尚书 -大诰 là “Ninh khảo” 宁考. Gọi là “khảo” là cách gọi đối với phụ thân đã mất. Thành Vương chỉ là cháu của Văn Vương, người mà có thể xưng Văn Vương là “khảo” rõ ràng chỉ có thể là Chu Công. Nhìn từ đó, Chu Công đương thời xác thực là xưng Vương.
          Căn cứ về thuyết “nhiếp chính” cũng không ít. Trong Tả truyện – Định Công tứ niên 左传 - 定公四年 có ghi, sau khi Thành Vương kế vị: 
Chu Công bang trợ vương thất quản lí thiên hạ
周公帮助王室管理天下
(Chu Công giúp vương thất quản lí thiên hạ)
          Trong Sử kí – Chu bản kỉ 史记 - 周本纪 cũng có ghi, nhân Thành Vương niên thiếu:
Chu Công ..... nãi nhiếp hành chính, đương quốc.
周公 ..... 乃摄行政, 当国
(Chu Công ..... bèn nhiếp chính, đảm đương việc nước)
          Trong Mạnh Tử - Vạn Chương 孟子 - 万章càng rõ hơn:
Chu Công bất hữu thiên hạ
周公不有天下
(Chu Công không có được thiên hạ)
Chu Công tâm tính minh xác, bản thân không muốn chiếm hữu thiên hạ.
          Chu Công tại sao không xưng Vương? Có ý kiến cho rằng, quốc gia mới kiến lập, Thành Vương hãy còn nhỏ, khó mà ứng phó với cục diện chính trị phức tạp. Trong Thượng thư  - Đại cáo 尚书 -大诰 nói rằng:
Hữu đại (1) gian vu tây thổ, tây thổ nhân dã bất tĩnh.
有大 (1) 艰于西土, 西土人也不静
(Tây thổ có nạn tai lớn, người tây thổ cũng không bình tĩnh)
          Cái chết của Vũ Vương khiến cho đất nước rơi vào khủng hoảng. Việc cấp bách lúc bấy giờ là cần có một người có năng lực, có uy vọng đứng ra nắm giữ cuộc thế, chiếc gánh này đương nhiên rơi trên vai của Chu Công. Chu Công từng nói với Thái Công Vọng 太公望 và Thiệu Công Thích 召公奭:
          - Tôi sở dĩ không tránh né hình thế khó khăn mà xưng Vương, là lo thiên hạ phản lại triều Chu, nếu không như thế, tôi không có mặt mũi nào hồi báo với Thái Vương 太王, Vương Quý 王季, Văn Vương 文王. Tam Vương lo lắng lao khổ cho thiên hạ đã rất lâu rồi, mà nay mới có được thành tựu. Vũ Vương rời bỏ chúng ta quá sớm, Thành Vương lại còn nhỏ như thế, tôi vì để cho triều Chu có được thành tựu  mới làm như thế.
          Từ đó có thể thấy, Chu Công hành sử vương quyền là giúp thay cho Thành Vương. Không ngờ việc làm đó dẫn đến sự đố kị của Quản Thúc 管叔, Thái Thúc 蔡叔 (em ruột của Vũ Vương), họ rêu rao khắp nơi, nói rằng Chu Công muốn soán đoạt vương vị. Thế là họ câu kết với Ân quân Vũ Canh 武庚phát động phản loạn phản Chu. Trong thời cuộc vô cùng nghiêm trọng, Chu Công thuyết phục Thành Vương, và đại thần Thiệu Công 召公, kiên quyết tổ chức quân đội, tiến hành đông chinh. Đầu tiên trấn áp cuộc phản loạn của Quản, Thái. Quản Thúc bị bức nên tự sát, Thái Thúc bị đày ra biên cương giam cầm. Còn Vũ Canh thì lúc tháo chạy bị đông quân bắt được xử tử. Sau khi Chu Công đông chinh, vương triều Tây Chu xuất hiện cục diện thống nhất, phồn vinh xương thịnh mà trước đó chưa từng có.
          Sau khi Chu Công xưng Vương 7 năm, Thành Vương đã trưởng thành, Chu Công bèn đem vương vị giao lại cho Thành Vương, tự mình thoái cư làm thứ dân. Xem ra Chu Công là bậc quân tử khi đất nước gặp nguy nan đã đứng ra gánh vác trách nhiệm trọng đại, khi đất nước chuyển nguy thành an bước đi trên con đường phát triển thuận đã dứt khoát nhường vương vị.
          Chúng tôi cho rằng, Chu Công xưng Vương, nắm thực quyền là có thực, còn thuyết soán vị khó mà thành lập.

Chú của người dịch
1- Trong nguyên tác ở đây in nhầm là chữ (thiên), không phải chữ (đại). Tôi theo một số tư liệu trên mạng và quyển “Kinh thư” do Trần Lê Sáng và Phạm Kỳ Nam dịch chú sửa lại là chữ .

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 26/02/2020

Nguyên tác Trung văn
CHU CÔNG SOÁN VỊ CHI MÊ
 周公篡位之谜
Tác giả: Lưu Kiến Đại 刘建岱
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post