Dịch thuật: Ban trúc điểm điểm Tương Phi lệ


BAN TRÚC ĐIỂM ĐIỂM TƯƠNG PHI LỆ

          Ban trúc 斑竹 cũng gọi là Tương Phi trúc 湘妃竹 là đặc sản của Hồ Nam 湖南. Trúc mọc vươn lên xanh tốt dị thường, trên thân có những đốm vằn sắc tím pha chút đen. Trúc sinh trưởng ở Quân sơn 君山, người địa phương gọi là “kì quái trúc” 奇怪竹, do bởi nếu đem ban trúc trồng ở nơi khác, thì năm sau những đốm vằn trên thân sẽ biến mất không còn dấu vết, nhưng quái lạ là nếu đem về trồng lại ở Quân sơn thì cách năm sẽ có lại đầy những đốm vằn.
          Bài Tương trúc từ 湘竹词 của Thi Kiên Ngô 施肩吾đời Đường đã hình dung ban trúc như sau:
Vạn cổ Tương giang trúc
Vô cùng nại oán hà
Niên niên trường xuân duẫn
Chỉ thị lệ ngân đa
萬古湘妃竹
無窮奈怨何
年年長春筍
只是淚痕多
(Muôn đời trúc sông Tương
 Sao mà nhiều oán hận
 Năm năm trổ ra măng xuân
Luôn có nhiều ngấn lệ)
          Thân của ban trúc có thể làm thành vật phẩm trang sức, làm cán bút, nó không chỉ là loại trúc có giá trị thực dụng mà còn là loại trúc làm cảnh trân quý, những đốm vằn nhã lệ của nó lại có màu sắc thần thoại.
          Cao Biền 高駢, thi nhân thời Đường từng viết Tương phố khúc 湘浦曲:
Ngu Đế nam tuần cạnh bất hoàn
Nhị phi u oán thuỷ vân gian
Đương thời thuỳ lệ tri đa thiểu
Trực đáo như kim trúc thả ban
虞帝南巡競不還
二妃幽怨水雲間
當時垂淚知多少
直到如今竹且斑
(Ngu Thuấn đi tuần phương nam cuối cùng không trở về
Chốn nước mây, hai bà phi đau buồn ai oán
Lúc bấy giờ không biết đã tuôn bao nhiêu nước mắt
Mà đến nay trúc hãy còn lưu dấu vết)
Bài thơ đã miêu hoạ hay nhất nguyên nhân của ban trúc.
          Theo truyền thuyết, vào thời thượng cổ khi Nghiêu Đế 堯帝 tại vị, lúc về già Nghiêu Đế luôn muốn tìm một người hiền minh để kế thừa ngôi vị, thế là có đại thần tiến cử ông Thuấn . Qua nhiều lần khảo nghiệm, Nghiêu Đế cho rằng ông Thuấn đức tài kiêm bị, hiền minh chính trực, xử sự công chính, rất được lòng dân, liền đem vương vị nhường cho, đồng thời đem hai cô con gái là Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英 gã cho ông ta, Nga Hoàng làm chánh hậu, Nữ Anh làm phi. Ông Thuấn không phụ lòng kì vọng của Nghiêu Đế, ra sức mưu lợi cho dân, mệnh cho Đại Vũ 大禹 trị thuỷ, giải quyết nỗi khổ về nạn hồng thuỷ mà nhân dân trường ki gặp phải, làm cho cuộc sống của nhân dân ổn định phú túc. Được sự giúp sức của Nga Hoàng và Nữ Anh, ông càng làm được nhiều việc tốt cho bách tính. Mấy năm sau, trên núi Cửu Nghi 九嶷 có 9 con ác long ở trong 9 động, thường ra vào Tương giang 湘江 vui đùa, khiến cho nước lớn dâng tràn, tràn đến ruộng đồng, huỷ hoại mùa màng nhà cửa trong thôn, bách tính kêu khổ liên thiên, dân oán bốn phía nổi dậy. Thuấn Đế biết ác long nguy hại, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ muốn đến phương nam giúp dân trừ hại, tiêu diệt ác long. Đối với quyết tâm đi tuần phương nam trừ ác long của Thuấn Đế, Nga Hoàng và Nữ Anh tuy lòng không nỡ, nhưng nghĩ đến việc trừ hại cho dân đã cố nén nỗi bất an trong lòng và nỗi khổ biệt li, gắng gượng làm vui tiễn Thuấn Đế lên đường.
          Sau khi Thuấn Đế rời đi, Nga Hoàng và Nữ Anh ngày ngày trông tin tốt Thuấn Đế đã hàng phục ác long truyền về. Hai bà ngày đêm cầu đảo, hi vọng Thuấn Đế sớm trở về. Nhưng, xuân qua thu đến, ngày lại nối ngày, năm lại liền năm, Thuấn Đế vẫn bặt vô âm tín. Hai bà lo lắng, đau khổ mà không biết phải làm sao.
Do bởi Thuấn Đế đã lâu không về, thế là hai bà bàn với nhau, tại nhà khô héo đợi chờ chẳng bằng đi tìm. Nhân đó Nga Hoàng và Nữ Anh quyết định không sợ hiểm nguy, xuống phương nam đến Tương giang tìm chông. Trên đường vượt núi băng sông, trải qua biết bao gian khổ, cuối cùng cũng đến được núi Cửu Nghi.
          Hai bà men theo dòng nước lên đỉnh núi, rồi thuận theo nước khe xuống đến hang núi, tìm khắp các thôn ở núi Cửu Nghi, đi khắp các đường nhỏ ở núi Cửu Nghi, trong lòng hi vọng tìm được. Ngày nọ, hai bà đến một nơi gọi là Tam Phong Thạch 三峰石, phong cảnh nơi đây thanh u, ba khối đá lớn đứng sừng sững, bốn phía trúc xanh vây quanh, có một nấm mộ cao lớn được đắp bằng những hạt trân châu. Hai bà vô cùng kinh ngạc, bèn hỏi thăm thôn dân gần đó, thôn dân rơi nước mắt nói rằng:
          - Đó là mộ của Thuấn Đế, ông ta không từ lao khổ từ phương bắc xa xôi đến đây, giúp chúng tôi diệt trừ 9 con ác long, khiến chúng tôi được an cư lạc nghiệp. Nhưng vì tận tâm tận lực, cuối cùng vì quá mệt mà ông ấy qua đời ở nơi đây.
          Hoá ra, sau khi Thuấn Đế bệnh và qua đời, để tưởng nhớ ơn đức của Thuấn Đế, bách tính nơi đó đã lập mộ kỉ niệm. Đức trạch của Thuấn Đế còn khiến bầy hạc tiên trên núi Cửu Nghi cảm động, bầy hạc ngày đêm không ngừng từ biển nam ngậm những hạt trân châu lấp lánh, đắp vun lên phần mộ của Thuấn Đế, chẳng bao lâu thành một ngôi mộ trân châu. Ba khối đá lớn này là do Thuấn Đế dùng 3 chiếc răng bừa tiêu diệt ác long cắm xuống đất biến thành. Biết được sự thực, hai bà đau buồn tuyệt vọng, ôm lấy trúc mà khóc, khóc liền 9 ngày 9 đêm, khóc đến nỗi hai mắt sưng lên, khô cả nước mắt, khan cả họng, cuối cùng khóc đến nỗi thành huyết lệ. Nhân vì không chịu được nỗi đau mất chồng, hai bà đã nhảy xuống sông tự tận, về sau trở thành thần sông Tương. Tương truyền Nga Hoàng làm Tương Quân 湘君, Nữ Anh làm Tương phu nhân 湘夫人.
          Cũng theo truyền thuyết, nước mắt của hai bà rưới lên thân trúc, hình thành những ngấn lệ chùi không mất, có sắc tía, có sắc trắng như tuyết, lại có cả sắc đỏ, loại trúc đó gọi là “ban trúc” 斑竹, cũng gọi là “Tương Phi trúc” 湘妃竹, “lệ trúc” 淚竹, “Tương giang trúc” 湘江竹, “Tương trúc” 湘竹.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 12/02/2010

Nguồn
Previous Post Next Post