Dịch thuật: Từ khi nào chữ Hán viết theo hàng ngang

TỪ KHI NÀO CHỮ HÁN VIẾT THEO HÀNG NGANG

          Như mọi người đều biết, phương thức viết của người xưa ở Trung Quốc khác xa với người hiện đại. Người hiện đại viết theo hàng ngang từ trái sang phải; người xưa lại viết theo hàng dọc từ phải sang trái. Vì lẽ gì dẫn đến việc người xưa có tập quán viết như vậy, lại vì nguyên nhân gì khiến người hiện đại thay đổi tập quán này?
          Từ lúc “kết thằng” 结绳 (thắt nút dây) ghi chép sự việc, chất môi giới mà tổ tiên người Trung Quốc viết luôn phát sinh biến hoá. Từ mai rùa xương thú, đồ đồng, trúc giản, tơ lụa rồi đến hiện tại là giấy đang thông hành. Trước triều Hán chưa có giấy, chủ yếu dùng trúc giản 竹简 (thẻ tre) làm công cụ để viết (tơ lụa tương đối đắt), nhưng trúc giản hẹp và dài, chữ Hán lại là chữ khối vuông, phạm vi viết của bút lông so với bút máy, bút bi hiện đại cần phải lớn. Để tiện viết, người xưa đã dùng phương thức viết theo hàng dọc,  sau đó đem từng thẻ kết lại với nhau, đó chính là “giản thư” 简书.
          Sau khi Thái Luân 蔡伦 thời Đông Hán cải tiến kĩ thuật làm giấy, do bởi mọi người đã quen viết dọc, cho nên tập quán đó vẫn được bảo lưu. Mãi đến hậu kì triều Thanh, Tây học dần tiến về phương đông, yêu cầu cải cách văn tự ngày càng cao, trong đó bao gồm cải cách qua tập quán cách viết theo hàng dọc từ phải sang trái. Quyển Âm vận kí hiệu 音韵记号 của Lưu Thế Ân 刘世恩 cuối đời Thanh chính là sách sắp chữ theo hàng ngang.
          Sau khi tân Trung Quốc thành lập, một số học giả như Quách Mạt Nhược 郭沫若, Trần Gia Canh 陈嘉庚trước sau đề xuất với nhà nước kiến nghị “hoành hàng” 横行 (viết theo hàng ngang), ảnh hưởng đến giới học thuật đương thời. Quang Minh nhật báo 光明日报 xuất bản ngày 1 tháng 1 năm 1955 đi đầu áp dụng phương thức sắp chữ theo hàng ngang từ trái sang phải; đến tháng 11 năm 1955, 17 toà soạn báo cấp trung ương trong cả nước đã có 13 toà soạn áp dụng phương thức theo hàng ngang; ngày 1 tháng 1 năm 1956, Nhân Dân nhật báo 人民日报  cũng đổi sang hàng ngang, và toàn quốc đã hưởng ứng.
          Chữ Hán “hoành hàng” 横行 không phải là kết quả cầu mới, cầu khác lạ của mọi người, mà là mang tính tất nhiên nhất định, Đầu tiên, các phương tiện truyền thông và tập san đương thời trên thế giới đều dùng phương thức sắp chữ hàng ngang, cần phải đi vào quỹ đạo đồng thời theo bước tiến của thời đại. Thứ hai, chữ Hán “hoành hàng” có lợi cho việc đọc. Theo sự nghiên của khoa học cho thấy: thị vực nhìn theo hàng ngang của mắt người cao hơn theo hàng dọc. Nhìn theo hàng ngang dễ đọc, có thể ở một mức độ nhất định sẽ giảm đi sự mệt mỏi của thị giác. Thứ ba, tiện cho công thức các chủng loại số lí hoá cùng với cách viết các địa danh, nhân danh nước ngoài.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 05/01/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post