TRỘM THẦN ĐÀN VÀ THÁI SƯ, THIẾU SƯ BÔN CHU
Quảng đại
giai cấp bình dân đời Thương, không ít người cùng một tổ tiên với giai cấp chủ
nô, do bởi sự phát triển của kinh tế thương phẩm và sự bóc lột của giai cấp chủ
nô, mà hai cực phân hoá tương đối lớn. Đến cuối triều Thương, không ít bình dân
đã cực nghèo, hoặc do bởi “mang nợ”, “phạm tội” mà trở thành nô lệ. Chỉ có thiểu
số người địa vị dần được nâng cao, trở thành thành viên của giai cấp chủ nô.
Hiện tượng
phân hoá lưỡng cực của giai cấp bình dân triều Thương, cũng được phản ánh trong
khai quật khảo cổ. Năm 1953 và năm 1958 trước sau hai lần đã khai quật 217 mộ
bình dân ở thôn Đại Tư Không 大司空 An Dương 安阳. Những ngôi mộ bình dân này không có quy mô to lớn như
mộ của táng chủ nô, vật tuẫn táng cũng không phong phú, tuẫn nhân 殉人 (người
bị chôn theo) cũng không nhiều như mộ táng quý tộc; nhưng mộ bình dân khác với
một số mộ táng nô lệ thân đầu khác chỗ, tứ chi không toàn vẹn: nhìn chung đều
có táng cụ và những tuỳ táng phẩm nhiều ít khác nhau. Đặc biệt là không ít
trong mộ bình dân đều có xuất hiện bối tệ. Phản ánh sự lưu thông hoá tệ vào thời
đó tương đối phổ biến. Trong 165 mộ bình dân khai quật năm 1953, có tuỳ táng bối
tệ là 83 mộ, trong đó mộ có nhiều nhất đến 23 chiếc, ít nhất là 1 chiếc, mỗi mộ
1 chiếc bối tệ là tương đối nhiều. Trong 51 mộ bình dân khai quật năm 1958,
phát hiện 11 mộ có tuỳ táng bối tệ, số bối tệ tuỳ táng ở mỗi mộ nhiều ít khác
nhau, nhìn chung tuỳ táng 1 chiếc là nhiều, trong mộ có nhiều nhất là tuỳ táng bối
tệ hơn 83 chiếc. Trong hơn 160 mộ khai quật năm 1953, có 5 mộ có nô lệ, nhưng
cũng có 7 mộ không có gì. Đăc biệt thú vị là, trong một mộ bình dân khai quật
năm 1958 tại thôn Đại Tư Không, quan sát từ mộ hình, tuy thuộc về mộ địa chỉ có
quan mà không có “yêu khanh” 腰坑 (1), nhưng
tuỳ táng phẩm lại rất phong phú, không chỉ có bình gốm, quỹ gốm, đậu gốm, hộp gốm
mỗi thứ 1 chiếc mà còn có ngọc khí 2 chiếc, ngọc qua 1 chiếc. Chính ngôi mộ nhỏ
này bối tệ phát hiện 83 chiếc, là mộ táng phát hiện bối tệ nhiều nhất trong hai
lần khai quật. Các nhà khảo cổ căn cứ vào hình chế mộ táng phân tích, chủ nhân
ngôi mộ này có khả năng là bình dân thuộc tầng lớp thấp nhất. Nhưng từ những tuỳ
táng phẩm trong mộ mà phân tích, địa vị của người này dần từng bước thăng lên,
trở thành người giàu có nắm giữ một số lượng lớn bối tệ và tài phú.
Sự phân
hoá dân tự do, khiến mâu thuẫn giai cấp của vương triều Thương càng thêm phức tạp
gay gắt. Bình dân phá sản không có cái ăn cái uống, mà chủ nô thì trân tu mĩ vị, heo dê nguyên con đặt
nơi thần miếu làm vật phẩm dâng cúng. Để có cái ăn sống qua ngày, có bình dân
cùng khổ đã lén vào trong miếu đường thần thánh của chủ nô lấy đi tế phẩm dâng
cúng thần minh hoặc tổ tiên. Có bình dân cùng khổ cướp đi toàn bộ mùa màng trên
đất của chủ nô. Cũng có bình dân túng quá hoá liều, dùng bạo lực doạ đến nỗi chủ
nô bất luận là ở bên ngoài hoặc ở trong nhà đều kinh tâm táng đởm. Sự phá sản
và phản kháng của bình dân cùng với sự đào vong và bạo động của các nô lệ hợp
thành một dòng chảy cực lớn, kích phá cơ sở thống trị của giai cấp chủ nô triều
Thương. Đại quý tộc vương triều Thương là Vi Tử Khải 微子启 cảm thấy hình
thế không hay, đã kinh sợ nói rằng:
- Hiện tại Thương triều trị quốc mà vô nhân,
giống như bị dòng nước lớn đến vô cùng vô tận bao vây, sắp có tai hoạ lút đầu rồi.
Không
chỉ như thế, ngay cả một số quý tộc và chư hầu phương quốc cũng cảm thấy bất
mãn đối với những việc làm trái ngược của Thương Trụ Vương 商纣王. Trụ Vương không chỉ không hề cải hối mà còn nghiêm
trọng hơn trước. Để tăng cường sự thống trị của mình, chế định một loạt những
hình phạt dã man, trấn áp những người dám bày tỏ sự bất mãn. Đặc biệt tàn khốc
là, Trụ Vương đã bôi một lớp dầu lên trụ đồng lớn, phía dưới đốt lửa, bắt những
“tội nhân” xúc phạm hình pháp chân không đi trên trụ đồng, trụ đồng vừa trơn vừa
nóng, “tội nhân” chưa kịp đi mấy bước đã ngã xuống lửa than chết
cháy. Trụ Vương và Đát Kỉ 妲己 bên cạnh nhìn thấy cảnh đó mà vui cười, gọi hình phạt
đó là “bào cách chi pháp” 炮格之法 (cũng có sách gọi là “bào lạc chi hình” 炮烙之刑).
Tây Bá
Xương 西伯昌 (tức
Chu Văn Vương 周文王), Cửu Hầu 九侯, Ngạc hầu 鄂侯 có ảnh
hưởng rất lớn trong các chư hầu phương quốc, được vương triều Thương phong làm
“Tam công” 三公. Thời Trụ Vương, “Tam công” cũng từng người “mắc tội”,
khiến không ít chư hầu cảm thấy tự nguy. Nguyên lai, Cửu Hầu có cô con gái xinh
đẹp bị Trụ Vương nhìn thấy, nào ngờ cô gái xinh đẹp, chính trực đó không chịu bằng
lòng giúp Trụ Vương tầm hoan tác lạc. Trụ Vương không hứng thú liền đại nộ, đã
giết chết cô gái lại còn chuyển cái giận sang phụ thân cô. Cửu Hầu cũng bị chém
đem thịt làm “nhục tương” 肉酱. Ngạc Hầu thấy Cửu
Hầu chết một cách oan uổng, trước mặt Trụ Vương theo lí tranh biện mấy câu,
cũng bị Trụ Vương giết chết. Tây Bá Xương nghe tin hai người bị chết thảm, đau
lòng cất tiếng than, nhưng cách tường có tai, bị tên tâm phúc của Trụ Vương là
Sùng Hầu Hổ 崇侯虎 nghe
được, hắn lập tức báo cáo Trụ Vương. Tây Bá Xương do đó bị giam vào ngục. ...
(còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Yêu khanh 腰坑: một hình thức
trong tập tục mai táng thời cổ ở Trung Quốc.
Phía dưới quan hoặc quách trong hầm mộ (đa phần nơi vùng eo của người mất)
đào một cái hố nhỏ, trong hố có tuẫn cẩu, tuẫn nhân hoặc đặt những vật tuỳ
táng, hố nhỏ đó gọi là “yêu khanh”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/01/2020
Nguồn
TÂY CHU SỬ THOẠI
西周史话
Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信
Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật