TRẢI BAO THỎ
LẶN ÁC TÀ (79)
Thỏ: ở đây tức “ngọc thố” 玉兔 chỉ
mặt trăng. Tương truyền trên cung trăng có con thỏ, toàn thân trắng như ngọc,
nên gọi là “ngọc thố”. Thỏ trắng cầm chày ngọc quỳ giã thuốc, thuốc này uống
vào có thể thành tiên trường sinh bất lão. Lâu dần từ “ngọc thố” trở thành từ
chỉ thay mặt trăng. Thời cổ, các thi nhân văn sĩ khi làm thơ viết từ thường
dùng “ngọc thố” tượng trưng mặt trăng.
Ác: ở đây “kim ô” 金乌 chỉ
mặt trời. Kim ô cũng gọi là “dương ô” 阳烏là thần điểu trong
thần thoại Trung Quốc. Theo truyền thuyết trên mặt trời có con chim ba chân,
nên còn có tên là “tam túc kim ô” 三足金乌, “tam túc ô” 三足乌 hoặc
“kim ô” 金乌. Trong Xuân Thu
nguyên mệnh bao 春秋元命苞 có
nói:
Nhật trung hữu tam túc ô
日中有三足乌
(Trên mặt trời có con quạ ba chân)
Trên mặt
trời có kim ô, trên mặt trăng có ngọc thố, cho nên dùng ô và thố đại biểu cho mặt
trời, mặt trăng.
Trải bao thỏ
lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ,
ai mà viếng thăm
(“Truyện Kiều” 79 – 80)
Ngày vui ngắn
chẳng đầy gang
Trông ra, ác
đã ngậm gương non đoài
(“Truyện Kiều” 425 – 426)
Lần lần thỏ bạc
ác vàng
Xót người
trong hội Đoanh trường đòi cơn
(“Truyện Kiều” 1269 – 1270)
Nỉ non đêm đến
tình dài
Ngoài hiên thỏ
đã non đoài ngậm gương
(“Truyện Kiều” 1369 – 1370)
Ác: Con quạ, dùng để dịch chữ kim ô, tức ác vàng, để chỉ
mặt trời. Sách Hán xưa nói trong mặt trời có con quạ ban chân.
Thỏ: Con thỏ, chỉ mặt trăng. Theo truyền thuyết, trên cung
trăng có con thỏ ngọc.
Thỏ lặn ác
tà: Mặt trăng lặn, mặt trời tà. Tức
là ngày này sang ngày khác.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Ngọc thỏ kim ô
玉兔金烏
(Trong
mặt trăng có con thỏ ngọc, trong mặt trời có con quạ vàng, nghĩa bóng chỉ mặt
trăng mặt trời)
Quảng Nhã: Nhật danh dương ô. Hựu nhật lạc
Tây sơn.
廣雅: 日名陽烏. 又日落西山
(Sách
Quảng nhã: Mặt trời tên là con quạ. Lại có câu: Mặt trời lặn về núi bên Tây)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)
Xét:
- Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn chú thích, câu
425 là:
Ngày vui NGẮM chẳng đầy gang
- Bản “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn
phiên Nôm, câu 425 là:
Ngày vui VẮN chẳng đầy gang
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
- Bản “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, nxb Văn
hoá thông tin, Hà nội – 2000, câu 1369
ghi là:
Nỉ non đêm NGẮN tình dài
- Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn và bản “Từ điển
Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, nxb Văn hoá thông tin, Hà nội – 2000 đều là:
Nỉ non đêm VẮN tình dài
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/01/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật