Dịch thuật: Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (70) ("Truyện Kiều")


THÌ ĐÃ TRÂM GÃY BÌNH RƠI BAO GIỜ (70)
          Bạch Cư Dị 白居易 thời Đường có bài tự sự thi trường thiên Tỉnh để dẫn ngân bình 井底引银瓶. Đây là một trong những bài thơ của Bạch Cư Dị được lưu truyền rộng rãi. Trong xã hội phong kiến, dâm bôn được cho là một hành động bạo gan của việc tự do luyến ái mà tập tục không dung, dư luận cũng không đồng ý. Nhà thơ không phủ định lễ giáo phong kiến, nhưng lại thể hiện sự đồng tình đối với bi kịch tình yêu của cô gái thời Đường nhân vì tự do luyến ái mà chịu sự bức hại của luân lí tông pháp phong kiến. Thi nhân sáng tác bài thơ này khuyên cô gái nên tuân thủ tập tục, tránh sự bức hại của luân lí tông pháp. Trong bài thơ có đoạn:
Tỉnh để dẫn ngân bình
Ngân bình dục thướng ti thằng tuyệt
Thạch thượng ma ngọc trâm
Ngọc trâm dục thành trung ương chiết
Bình trầm trâm chiết tri nại hà
Tự thiếp kim triêu dữ quân biệt
...........................
井底引银瓶
银瓶欲上丝绳绝
石上磨玉簪
玉簪欲成中央折
瓶沉簪折知奈何
似妾今朝与君别
......................
Từ dưới giếng kéo lên chiếc bình bạc
Bình sắp lên được thì dây bị đứt
Trên đá mài cây trâm ngọc
Trâm sắp thành thì nửa chừng bị gãy
Bình chìm trâm gãy biết làm sao đây
Giống như sáng nay thiếp cùng chàng li biệt
.........................

Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đã trâm gãy bình rơi bao giờ
(“Truyện Kiều” 69 – 70)
Trâm gãy bình rơi: Cái trâm bị gãy, cái bình hoa rơi vỡ, chỉ người đàn bà đẹp chết. Thơ Bạch Cư Dị có câu: “Bình trầm trâm chiết tri nại hà” nghĩa là bình chìm trâm gãy, biết làm sao được. Thơ Đường lại có câu: “Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn. Bình trầm hoa chiết dĩ đa thì”, nghĩa là một mảnh thuyền tình đã đến bờ, bình chìm hoa gãy đã lâu rồi. Nguyễn Du có vẻ như không dịch hai câu ấy.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Cố Huống thi: Thạch thượng ma ngọc châm, ngọc châm vị thành Trung ương chiết, tỉnh thượng vãn ngân bình, ngân bình vị thượng ty thằng tuyệt.
          顧况詩: 石上磨玉簪玉簪未成中央折井上挽銀瓶銀瓶未上絲繩絕
          (Thơ Cố Huống: mài châm ngọc trên đá, châm ngọc chửa thành nửa chừng gãy, kéo bình bạc trên giếng, bình bạc chửa lên dây tơ đứt).
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Câu 70 trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã lấy ý từ đoạn thơ này.
          - Bản “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, nxb Văn hoá thông tin, Hà nội – 2000, ghi là:
          “Cái trâm bị gãy, cái bình hoa bị rơi vỡ, tỷ dụ người đàn bà đẹp chết. Thơ Đường có câu: “Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn. Bình trầm hoa chiết dĩ đa thì”, nghĩa là một mảnh thuyền tình đã đến bờ, bình chìm hoa gãy đã lâu rồi. Nguyễn Du đổi hình tượng “bình chìm hoa gãy” thành trâm gãy bình rơi”. 
- Theo “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, thì câu 69 này là:
Thuyền tình vừa ghé ĐẾN nơi
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
- Trong “Kim Vân Kiều đính giải” Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO, trước tác năm 1986. (Thứ nam Đàm Trung Pháp hiệu đính năm 2018) , khi chú câu 69 cũng ghi rằng:
Lấy ý từ Đường thi:
Nhất phiến tình chu sơ đáo ngạn
Bình trầm hoa chiết dĩ đa thời
一片情舟初到岸
瓶沈花折已多時
(Một chiếc thuyền tình mới tới bờ
Bình chìm hoa gãy đã lâu rồi)
          - Bài “Tỉnh để dẫn ngân bình” tác giả là Bạch Cư Dị, bản của Bùi Khánh Diễn ghi là của Cố Huống.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 10/01/2020
Previous Post Next Post