Dịch thuật: Hỉ thần truyền thuyết - Nguyệt Quang Bồ Tát

HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT
NGUYỆT QUANG BỒ TÁT

          Nguyệt thần 月神 còn được gọi là Nguyệt Quang Bồ Tát 月光菩萨, Nguyệt Quang Nương Nương 月光娘娘, Nguyệt Cung Nương Nương月宫娘娘, Thái Âm Tinh Chủ 太阴星主, Nguyệt Cung Thái Âm Thiên Tôn 月宫太阴天尊... là một trong những vị thần tiên lưu truyền rộng rãi nhất trong dân gian Trung Quốc. Sự sùng bái Nguyệt thần tại Trung Quốc có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ việc sùng bái thiên thể trong tín ngưỡng nguyên thuỷ, phản ánh khát vọng và sự yêu thích của người đời đối với ánh sáng mặt trăng.
          Mặt trăng loang lổ, âm u lúc tròn lúc khuyết khiến mọi người cảm thấy có sự thần bí. Trong đêm tối, mặt trăng mang lại ánh sáng, ánh sáng mông lung, lại khiến mọi người tưởng tượng xa vời, nhân đó mà nảy sinh nhiều giai thoại.
          Truyền thuyết Nguyệt thần cổ xưa nhất xuất phát từ bộ Sơn hải kinh 山海经 nguồn gốc của thần thoại Trung Quốc. Thê tử của Đế Tuấn 帝俊 là Thường Hi 常羲 là nữ thần mặt trăng xinh đẹp, bà sinh được 12 cô gái mặt trăng, cư trú ở phía tây hoang dã. Thường Hi thường tắm cho các cô ấy.
          Trong thần thoại về mặt trăng, nhà nhà đều biết câu chuyện “Thường Nga bôn nguyệt” 嫦娥奔月. Trong Hoài Nam Tử - Lãm minh huấn 淮南子 - 览冥训có chép, Thường Nga 嫦娥 là thê tử của Hậu Nghệ 后羿, nhân vì Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời, đắc tội với Thiên Đế, Thiên Đế biếm ông ta xuống nhân gian. Về sau, Hậu Nghệ có được thuốc trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu 西王母, sau khi Thường Nga lén uống linh dược đã bay lên trời. Thường Nga sợ bị thiên tiên chê cười nên đã trốn ở cung trăng, trở thành chủ nhân của mặt trăng. Thường Nga tiến vào cung Quảng Hàn 广寒 thành Nguyệt Thần, xưng là Nguyệt Quang Nương Nương月光娘娘.
          Từ đó về sau, Nguyệt thần được thờ cúng trong dân gian tương đối phổ biến. Trung Quốc xem Thường Nga là Nguyệt thần, đại biểu cho cái đẹp, thiện lương cùng với những tính cách ưu mĩ đủ để đại biểu cho nữ tính.
          Trong truyền thuyết dân gian về mặt trăng có Nguyệt Quang Bồ Tát月光菩萨, quản về việc hôn nhân tốt đẹp và phu thê đoàn viên. Lại có truyền thuyết Nguyệt thần thường hoá thành Nguyệt Hoa 月华, giáng lâm đến nhân gian, người gặp được, chỉ cần đến trước thành tâm bái cầu, lập tức có thể được phúc lộc. Nam nữ thời cổ ở Trung Quốc khi yêu nhau thường thề hẹn dưới trăng, bái cầu Nguyệt thần. Những người yêu nhau mà bị xa cách cũng bái cầu Nguyệt thần gởi gắm tâm tư, cầu xin được đoàn viên. Những người con trai đơn phương tương tư, thành tâm cầu bái Nguyệt Quang Bồ Tát, có thể sẽ được nhân duyên mĩ mãn; nếu nhân duyên có trắc trở, cầu xin Nguyệt Quang Bồ Tát chứng kiến và phân tích, cầu được công bằng. Phong tục bái trăng, bao hàm những tình cảm tốt đẹp, những nguyện vọng tốt đẹp, những truy cầu tốt đẹp.
          Để có được một tình yêu đẹp, việc cầu khấn Nguyệt thần trong một số lớn tác phẩm văn học đâu đâu cũng có. Đại hí kịch gia đời Nguyên Quan Hán Khanh 关汉卿 từng viết vở Bái nguyệt đình 拜月亭. Thôi Oanh Oanh 崔莺莺trong Tây sương kí 西厢记cũng chân thành thổ lộ tâm tình với Nguyệt thần hi vọng gặp được ý trung nhân. Ở hồi thứ 18 trong tác phẩm Tục Kim Bình Mai 续金瓶梅 của Đinh Diệu Kháng 丁耀亢đời Thanh có đôi si nam oán nữ Trịnh Ngọc Khanh 郑玉卿 và Ngân Bình 银瓶 sau khi lén ăn qua trái cấm, mở cửa cùng quỳ bái lạy Nguyệt thần thề rằng:
          Trong hai người nếu có một người phụ bạc sẽ chết dưới muôn ngàn đao kiếm.
          Điều thú vị là, một số nam nữ đơn phương tương tư cũng xin Nguyệt thần phân xử hoặc bày tỏ nỗi lòng.
          Nhiều dân tộc thiểu số ở Trung Quốc cũng thịnh hành phong tục bái nguyệt. Như Miêu tộc 苗族 có hoạt động “khiêu nguyệt” 跳月, nam nữ thanh niên khi “khiêu nguyệt”, tìm kiếm người hợp với mình thổ lộ tình cảm vĩnh kết đồng tâm.
          Thời Minh Thanh, hình tượng Nguyệt thần phát sinh sự biến hoá trọng yếu, lấy đồ cảnh nguyệt cung với Thường Nga mang sắc thái Đạo giáo của thời kì đầu làm chính, diễn biến thành hình tượng thế tục dung hợp đạo Phật với Nguyệt Quang Bồ Tát tồn tại cùng thỏ ngọc giã thuốc. Thời kì này, mọi người thờ cúng hình vẽ Nguyệt Quang Bồ Tát trên giấy, cũng gọi là Nguyệt Quang Mã Nhi 月光马儿, Nguyệt Cung Mã 月宫马. Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇đời Thanh có miêu thuật tỉ mỉ Nguyệt Quang Mã trong Yên Kinh tuế thời kí 燕京岁时记.
          Ngày rằm tháng 8 Trung Thu là sinh nhật của Nguyệt thần, cho nên mỗi khi đến đêm Trung Thu, mọi người đều tế bái Nguyệt thần. Trăng tròn treo trên không, ánh sáng trải khắp mặt đất, nhà nhà đều đặt hương án trong sân, bày ra bánh và trái cây hợp mùa, hoa tươi, thắp lên đèn hương, phụ nữ và trẻ con hướng đến mặt trăng tế bái. Trong dân gian lưu truyền câu: “nam bất bái nguyệt” 男不拜月, cho nên bái nguyệt trở thành việc riêng của phụ nữ, chủ nhà phụ nữ bận rộn việc tế bái.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 06/01/2020

Nguồn
HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT – NGUYỆT QUANG BỒ TÁT
喜神传说 - 月光菩萨
Trong quyển
ĐỒ THUYẾT HỈ VĂN HOÁ
图说喜文化
Tác giả: Ân Vĩ 殷伟, Trình Kiến Cường 程建强
Bắc Kinh: Thanh Hoa đại học xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post