HAI KIỀU E LỆ
NÉP VÀO DƯỚI HOA (146)
Vương
Gia 王嘉 thời
Tấn trong Thập di kí 拾遗记 quyển 3 ghi rằng:
Việt hựu hữu mĩ nữ nhị nhân, nhất danh Di
Quang, nhị danh Tu Minh (tức Tây Thi, Trịnh Đán chi biệt danh), dĩ cống vu Ngô.
Ngô xử dĩ tiêu hoa chi phòng ...... Nhị nhân đương hiên tịnh toạ, lí kính tịnh
trang vu châu hoảng chi nội.
Thiết khuy giả mạc bất động tâm kinh
phách, vị chi thần nhân. Ngô Vương yêu hoặc vong chính, cập Việt binh nhập quốc,
nãi bão nhị nữ dĩ đào Ngô uyển. Việt quân loạn nhập, kiến nhị nữ tại thụ hạ,
giai ngôn thần nữ, vọng nhi bất cảm xâm.
越又有美女二人, 一名夷光, 二名修明 (即西施, 郑旦之别名) 以贡于吴. 吴处以椒华之房. ........ 二人当轩并坐, 理镜靓妆于珠幌之内.
窃窥者莫不动心惊魄, 谓之神人. 吴王妖惑忘政, 及越兵入国, 乃抱二女以逃吴苑. 越军乱入, 见二女在树下, 皆言神女, 望而不敢侵.
(Nước Việt lại có hai mĩ nữ, một
người tên là Di Quang, người kia tên là Tu Minh (tức biệt danh của Tây Thi và
Trịnh Đán) đem cống cho nước Ngô. Ngô Vương cho ở nơi tiêu phòng ..... Hai nàng
ngồi dưới hiên, soi gương trang điểm sau màn ngọc.
Những
người nhìn lén không ai là không kinh tâm động phách, cho là thần nhân. Ngô
Vương say mê sắc đẹp quên cả triều chính, đến khi quân Việt vào nước Ngô, Ngô
Vương bèn dìu hai người chạy trốn nơi vườn hoa. Quân Triệu loạn nhập, thấy hai
nàng dưới gốc cây, đều nói là thần nữ, chỉ
từ xa mà nhìn chứ không dám đến gần.)
Chàng Vương
quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ
nép vào dưới hoa
(“Truyện Kiều” 145 –
146)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh)
do Bùi Khánh Diễn chú thích, khi chú câu 146, ghi rằng:
Thập di kí: Tây Thi, Trịnh Đán kiến Việt
quân nhập uyển tị vu thụ hạ.
拾遺記: 西施, 鄭旦見越軍入苑避于樹下
(Sách
Thập di chép: nàng Tây Thi, Trịnh Đán thấy quân Việt vào vườn, lánh núp ở dưới
cây.)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: Câu 146 Nguyễn Du mượn ý trong Thập di kí khi nói về Tây Thi và Trịnh Đán để chỉ Thuý Kiều và Thuý
Vân.
Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh)
do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 146 là:
Hai Kiều e lệ NÚP vào dưới hoa
Theo “Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn
phiên Nôm, thì câu 146 này là:
Hai kiều e MẶT nép vào dưới hoa
(Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/01/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật