MrJazsohanisharma

Dịch thuật: Trăm năm trong cõi người ta (1) ("Truyện Kiều")



TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA (1)
          Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上 có ghi:
          Nhân sinh thập niên viết ấu, học; nhị thập viết nhược, quán; tam thập viết tráng, hữu thất; tứ thập viết cường, nhi sĩ; ngũ thập viết ngãi, phục quan chính; lục thập viết kì, chỉ sử; thất thập viết lão, nhi truyền; bát thập cửu thập viết mạo, thất niên nhi điệu; điệu dữ mạo tuy hữu tội, bất gia hình yên. Bách niên vi kì, di.
          人生十歲曰幼, ; 二十曰弱, ; 三十曰壯, 有室; 四十曰強, 而仕; 五十曰艾, 服官政; 六十曰耆, 指使; 七十曰老, 而傳; 八十九十曰耄;七年曰悼悼與耄雖有罪, 不加刑焉. 百年為期, .
          (Nam nhân lúc 10 tuổi là “ấu”, chuyên tâm học tập. 20 tuổi là “nhược”, cử hành lễ “gia quan”, biểu thị thành nhân. 30 tuổi là “tráng”, kết hôn có gia thất. 40 tuổi là “cường”, ra làm quan. 50 tuổi là “ngải”, chủ quản sự vụ hành chính. 60 tuổi là “kì”, chỉ huy sai bảo người khác. 70 tuổi là “lão”, giao công việc cho người khác, giao việc nhà cho con cháu. 80 tuổi, 90 tuổi là “mạo”; lúc 7 tuổi là “điệu”.  Điệu và mạo cho dù có tội cũng không gia hình phạt. 100 tuổi là “kì”, được người khác chăm sóc nuôi dưỡng kĩ lưỡng)
          (Lễ kí dịch giải 禮記譯解: Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải. Trung Hoa thư cục, 2007)
          Trần Hạo 陈浩đời Nguyên giải thích “Bách niên vi kì” là:
          Nhân thọ dĩ bách niên vi kì, cố viết kì.
          人寿以百年为期, 故曰期
          (Con người sống thọ lấy 100 tuổi làm hạn độ, cho nên gọi là “kì”)

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
(“Truyện Kiều” 1 – 2)
Trăm năm: Chỉ trọn một đời người.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Lễ Khúc lễ Lã thị viết: Nhân thọ dĩ bách niên vi kì.
禮曲禮呂氏曰: 人壽以百年為期
          (Thiên Khúc lễ kinh Lễ: Họ Lã nói rằng: người ta sống lâu, lấy trăm tuổi làm hẹn)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)  

Xét: Trong Lễ kí, đoạn này trình bày rõ đời người (nam nhân) từ lúc 10 tuổi đến 100 tuổi, mỗi độ tuổi đều có tên gọi tương ứng. Theo ý riêng, Câu “Trăm năm trong cõi người ta” Nguyễn Du đã mượn ý từ đoạn này.

                                                                                             Huỳnh Chương Hưng 
                                                                                             Quy Nhơn 27/12/2019
Previous Post Next Post