Dịch thuật: Mai cốt cách, tuyết tinh thần (17) ("Truyện Kiều")



MAI CỐT CÁCH, TUYẾT TINH THẦN (17)
          Lô Mai Pha卢梅坡 thời Nam Tống có 2 bài thơ về mai và tuyết. Bài thơ nói lên mối quan hệ giữa mai, tuyết và thơ, cả ba đều có nét đặc sắc riêng kết hợp lại không thể thiếu một, tạo nên một cảnh xuân tươi đẹp.

TUYẾT MAI NHỊ THỦ

Kì nhất

Mai tuyết tranh xuân vị khẳng hàng

Tao nhân các bút phí bình chương

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch

Tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương

Kì nhị

Hữu mai vô tuyết bất tinh thần

Hữu tuyết vô thi tục liễu nhân

Nhật mộ thi thành thiên hựu tuyết

Dữ mai tịnh tác thập phân xuân

雪梅二首

其一

梅雪争春未肯降

骚人阁笔费评章

梅须逊雪三分白

雪却输梅一段香

其二

有梅无雪不精神

有雪无诗俗了人

日暮诗成天又雪

与梅并作十分春

                                  (卢梅坡)

HAI BÀI THƠ VỀ TUYẾT VÀ MAI

Bài 1

Mai và tuyết tự cho mình chiếm được sắc xuân, không ai chịu thua ai

Khiến thi nhân cũng phải gác bút khó viết nên lời bình phẩm

Hoa mai nhường cho tuyết ba phần trắng

Bông tuyết lại thua mai một mùi hương

Bài 2

Chỉ có mai mà không có tuyết xem ra không có khí chất tinh thần

Đã có tuyết rồi mà lại không có thơ thấy con người trở nên thô tục

Ngày mùa đông lúc xế chiều làm xong thơ lại thêm trời đổ tuyết

Với mai, cả ba cùng nhau tạo nên cảnh xuân vô cùng tươi đẹp.

 

Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

(“Truyện Kiều” 17 – 18)
Mai cốt cách: Vóc dáng mảnh dẻ, thanh nhã như cây mai. Cây mai còn được xem là biểu trưng của người quân tử, có đạo đức trong sáng. Do đó nó chỉ cả tư cách con người vững chắc, trong sáng.
Tuyết tinh thần: Tinh thần trong trắng như tuyết, chỉ lòng trong trắng.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Đường thi: Hữu mai vô tuyết bất tinh thần, hữu tuyết vô mai tục liễu nhân.
          唐詩: 有梅無雪不精神有雪無梅俗了人
          (Thơ Đường: Có hoa mai mà không có tuyết điểm thì trông không được tinh thần cốt cách, có tuyết điểm mà không có hoa thì trông tục)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

 

Xét: Theo ý riêng, để nói về nét đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều, ở câu 17 và câu 18 trong “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã mượn ý từ 2 bài thơ “Tuyết mai nhị thủ” của Lô Mai Pha.

          Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ở câu thứ 2 là chữ “mai” , không phải chữ “thi” (Hữu tuyết vô mai tục liễu nhân)

 

                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                        Quy Nhơn 31/12/2019

Previous Post Next Post