CHẾ ĐỘ TIÊU CẤM ĐỜI HÁN
Ở vào
triều Đại Hán bạn đang vui chơi vui vẻ, hứng trí dâng cao, bạn có muốn vui chơi
thêm một chút nữa không? đại loại như muốn uống một chút rượu, nghe một khúc nhạc,
xem phong cảnh, vui chơi suốt đêm, ban ngày về nhà ngủ bù là cùng. Được thôi.
Xin bạn từ từ, trước tiên chớ có tưởng là tốt đẹp, đây là đâu? bạn có nhớ
không? triều Đại Hán đấy! Đúng vậy, cho nên triều Đại Hán làm sao có thể cho
phép chúng ta chơi suốt đêm, trời bắt đầu tối, bạn phải về nhà, trên đường mà
nhởn nhơ sẽ vi phạm “tiêu cấm lệnh” 宵禁令 (lệnh cấm về ban đêm). Bạn chớ có cho là không sao.
Người vi phạm “tiêu cấm lệnh” 宵禁令 nhẹ thì bị bắt
giam, nặng thì xử theo chính pháp. Cho nên tại triều Đại Hán, bạn nên sớm về
nhà nghỉ ngơi, chớ có vui chơi suốt đêm.
Tiêu cấm lệnh
từ đâu mà ra
Giở
trang sử, chúng ta không khó để phát hiện từ thời Thương Chu đã có tiêu cấm lệnh,
hơn nữa nó kéo dài đến tận thời Tuỳ Đường. Sống vào thời đại đó, nếu bạn muốn hẹn
cùng một hai cô bạn, một vài thằng bạn, tìm một quán ăn hữu tình để ăn tối, uống
chút rượu, tán gẫu, rồi mượn rượu hát ca, thấy đời người hào phóng. Bạn hãy tỉnh
lại đi, trước khi đêm đến quán ăn phải đóng cửa, căn bản bạn không được ăn.
Bạn muốn ăn bên ngoài cũng không được, bạn phải đợi, đợi đến khi nào? ấy là vào
tiết Thượng Nguyên, cũng chính là tết Nguyên Tiêu. Lúc đó bạn có thể ăn ở bên
ngoài, nhưng không phải nơi nào cũng đều có thể, đặc quyền đêm Nguyên Tiêu bỏ
tiêu cấm lệnh chỉ giới hạn ở kinh thành.
Nhưng bạn
chớ có sốt ruột, đến thời Vãn Đường đã thoải mái hơn rồi, tiêu cấm lệnh cũng được
nới lỏng nhiều, quản không nghiêm ngặt mấy. Trước đây quán ăn đóng cửa sớm, ăn
không được bữa tối, đến thời Vãn Đường, không chỉ được ăn tối mà còn có để dạo
chợ đêm, bạn cứ nghĩ giống như chúng ta hiện nay ban đêm dạo bộ vậy, còn có thể
ăn uống thoải mái, bởi quán ăn đóng cửa rất muộn, thậm chí có chủ quán cao hứng
có thể cả đêm không đóng cửa.
Nếu bạn
cảm thấy thời Vãn Đường đã tốt rồi, thế thì tôi nói cho bạn biết, chớ có sớm
đưa ra kết luận, qua 180 năm đến thời Ngũ Đại và thời Tống, tiêu cấm lệnh đã phế
bỏ, chợ đêm nhộn nhịp hơn trước, đô thành Khai Phong 开封thời
Bắc Tống trở thành thành phố không có buổi đêm.
Nhưng,
có đỉnh cao thì cũng có hang sâu, đến thời Nguyên Minh Thanh, tiêu cấm lệnh lại
xuất hiện trở lại, hơn nữa còn hung hãn hơn, nhất là thời Minh Thanh, không chỉ
đóng cổng thành, mà còn tại các ngả đường đều dựng rào cấm, nơi cổng của rào cấm
có trạm xét, đặt ra “tạp phòng” 卡房 đại loại như trạm gác hiện đại, do nha dịch của phủ
quan canh giữ. Rào cấm ban ngày mở ban đêm rào lại. Nhưng theo quy định, chỉ là
bạn phải về sớm, còn việc nghe ca khúc, hát xướng gì đó thì khỏi phải nói.
Tiêu cấm lệnh,
bạn dám không tuân theo?
Ở triều
đại có tiêu cấm lệnh, trời vừa mới sụp tối bạn phải về nhà, không được rề rà
trên đường. Nếu bạn ôm tâm lí kiêu hãnh muốn về muộn 2 phút cũng không có vấn đề
gì, thì tôi nói cho bạn biết, điều đó tuyệt đối không được, không giống như trở
về khu phố nhỏ nhà bạn, về muộn thì có thể gọi bảo an mở cửa. Tại triều Đại Hán
nếu bạn về muộn trên đường bị bắt thì không đơn giản chút nào, đó là phạm tội,
bạn vẫn không phục ư? tội danh là “phạm dạ” 犯夜.
Quả thực có tội danh đó, không tin bạn xem trong Hán thư – Lí Quảng truyện 汉书 - 李广传, trong đó có
chép rằng, có một lần Lí Quảng 李广 dẫn một tuỳ tùng cưỡi ngựa ra ngoài, cùng với bạn uống
rượu ở ngoại ô. Khi về đến Bá Lăng 霸陵, gặp lúc Bá Lăng Uý霸陵尉 uống say, lớn tiếng chỉ trích Lí Lăng, tuỳ tùng của
Lí Quảng đáp rằng:
- Vị này là Lí Tướng quân trước đây.
Bá Lăng Uý nói rằng:
- Có là Tướng quân hiện nay cũng không cho phép ban đêm ra ngoài, huống hồ
là Tướng quân trước đây.
Bảo Lí
Quảng đợi ở đình Bá Lăng. Thông qua câu chuyện đó, có thể thấy tiêu cấm thời
Hán rất nghiêm khắc.
Cho nên
chớ có xem thường tiêu cấm lệnh, ở niên đại đó nó đã được ghi vào pháp luật.
Pháp luật gọi tiêu cấm lệnh là “dạ cấm” 夜禁,
đồng thời đưa ra những quy định tỉ mỉ: Canh 1 đánh 3 tiếng trống đêm, cấm chỉ
xuất hành; bạn muốn ra ngoài phải đợi đến canh 5, sau 3 tiếng chuông sớm vang
lên mới được. Canh 2 canh 3 canh 4 còn dạo ở trên đường sẽ bị đánh 40 roi, nếu
dạo trên đường ở kinh thành sẽ bị đánh 50 roi. Chúng ta tính thử:
Canh 1 thời cổ là từ 7 giờ đến
9 giờ tối (giờ Tuất)
Từ 9 giờ đến 11 giờ tối là
canh 2 (giờ Hợi)
Ban đêm từ 11giờ đến 1 giờ
sáng hôm sau là canh 3 (giờ Tí)
Sáng sớm từ 1giờ đến 3 giờ là
canh 4 (giờ Sửu)
Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng là
canh 5 (giờ Dần)
Cũng
chính là nói, hơn 7 giờ tối là không thể ra ngoài rồi, huống hồ là 9 giờ tối trở
đi còn dạo trên đường, sẽ bị trừng phạt. Đương nhiên bách tính nếu có việc gấp
thì cũng có thể phá lệ, ví dụ như đau ốm, sinh đẻ, tang táng thì có thể thông
hành trong lúc cấm.
Chế độ
ban đêm quản rất chặt, thế thì có thể dạo chợ đêm không? Ở chợ đêm chẳng phải
là đồ rất rẻ, và còn có nhiều món ăn nhẹ nữa sao? Điều đó cũng không vi phạm
pháp luật, sao lại không được?
Bạn trước
tiên bình tĩnh nghe tôi nói. Quả thực rất là ái ngại, vào triều Hán vẫn chưa có
“dạ thị” 夜市 (chợ
đêm). Tại sao vậy? Bởi vì từ canh đầu tiên đã có chế độ tiêu cấm rồi. Quốc gia
hoặc địa phương đều có quy định nghiêm nhặt, trời sụp tối thì rửa ráy đi ngủ
thôi, bạn muốn ra khỏi nhà đi dạo rất có khả năng bị chụp cho cái mũ “phi gian
tức đạo” 非奸即盗, một khi bị bắt sẽ là các loại trừng phạt. Bạn thử
nghĩ xem, ai dám rủ một nhóm người bày hàng chợ đêm trên phố? Nhân đó, nếu bạn
bất chợt hỏi một người đi đường: “Chợ đêm náo nhiệt nhất thành Trường An là ở nơi đâu?” nhất định là người nọ sẽ
ngơ ngác, không biết bạn hỏi gì, bởi từ đó là một từ rất xa lạ.
Được
thôi! Chúng ta không dạo chợ đêm, nhưng thanh lâu kia rất tưng bừng náo nhiệt,
không thể là ban ngày làm ăn, nhưng ban đêm có tiêu cấm, rốt cuộc là sao có thể
làm ăn?
Bạn quả
thật là lo lắng cho người xưa. Có thể nói, triều Hán thi hành “quan kĩ” 官妓 (1), mấy bà trùm nghỉ hưu muốn giăng mấy cô gái ra để câu
một ít tiền của đám thanh niên cũng rất là khó khăn, chí ít kiếm không ra giấy
phép, đương nhiên cũng không dám làm ăn quang minh chính đại.
“Thượng
hữu chính sách, hạ hữu đối sách” 上有政策, 下有对策, có người dám lén kinh doanh, thì nhất định có người
hạ cố dám bước vào chỗ nguy hiểm, việc đó không phải là việc để chúng ta lo.
Nhìn từ
hướng lớn, 7 giờ tối không thể ra khỏi cửa , quả thực là có chút không vui. Cho
nên nhất định là không phải ai ai cũng tuân thủ quy tắc. Đã quy định rằng ban
đêm không thể dạo trên đường, thế thì vui chơi tại nhà mình, chỉ cần không ra
khỏi nhà là được. Thời cổ, người có cuộc sống tương đối thú vị thường mời bạn
bè đến nhà uống rượu vui chơi, đã muộn thì ở lại ngủ qua đêm, suốt cả đêm không
ra khỏi cửa là OK rồi. Mấy người dạo chơi nơi kĩ viện, quán rượu, họ đến trước
thời gian quy định tiêu cấm, cả đêm không về nhà, sáng sớm hôm sau mới về.
Thời đại
có tiêu cấm, nếu bạn muốn thưởng thức phong cảnh ban đêm, chỉ vào những ngày lễ
tết mới có thể. Ví dụ thời Minh Thành Tổ 明成祖 trong lịch sử,
mỗi khi đến tết Nguyên Tiêu 元宵, trong thành Bắc
Kinh giăng đèn kết hoa, chợ đèn bán các loại hoa đăng, lại còn có tập tục các
cô gái kết bạn dạo chơi cầu xin tránh hoạ tai. Cũng chính là nói, chỉ có vào những
ngày đặc biệt, bạn mới có thể không kiêng kị mà làm một chuyến “Dạ du thần” 夜游神 (2) .....
(còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Quan kĩ 官妓: tức kĩ nữ cung
phụng cho quan viên vào thời cổ. Thời Đường Tống, yến hội nơi quan trường có
quan kĩ hầu, thời Minh quan kĩ lệ thuộc vào Giáo phường ti 教坊司, không hầu quan lại nữa. Đầu đời Thanh phế bỏ chế độ
này.
2- Dạ du thần夜游神: trong tín ngưỡng
dân gian Trung Quốc, có Nhật du thần 日游神 và Dạ du thần 夜游神, hợp xưng là “Nhật Dạ du thần” 日夜游神, nguyên vốn là hung thần du đãng tứ xứ, về sau diễn
hoá thành bộ hạ của các vị thần như Đông Nhạc Đại Đế 东岳大帝, Diêm La Vương 阎罗王, Thành Hoàng gia 城隍爷.... chia nhau ra giám sát việc thiện ác của con người
chốn nhân gian.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/12/2019
Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI HÁN
活在大汉
Tác giả: Kì Mạc Hân 祁莫昕
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật