Dịch thuật: Trương Khiên đi sứ Tây vực

TRƯƠNG KHIÊN ĐI SỨ TÂY VỰC

          Trương Khiên 张骞 là nhà lữ hành, nhà ngoại giao, nhà thám hiểm nổi tiếng vào thời cổ của Trung Quốc. Đối với việc mở “ti trù chi lộ” 丝绸之路 (con đường tơ lụa), ông đã có cống hiến rất lớn. Trương Khiên đã mở cánh cửa của triều Hán thông đến Tây vực, đem nho, lựu, hồ đào từ Tây vực đưa về trung nguyên, làm phong phú thêm đời sống ẩm thực của người Trung Quốc.

          Những năm đầu thời Hán Vũ Đế 汉武帝, có một số người Hung Nô đến đầu hàng triều Hán. Từ những cuộc trò chuyện với họ mà Hán Vũ Đế biết được chút ít về tình hình Tây vực (nay là Tân Cương 新疆 và vùng phía tây Tân Cương). Họ nói có nước Nguyệt Chi 月氏 bị Hung Nô đánh bại, bỏ chạy về phía tây, định cư tại vùng Tây vực. Họ căm thù Hung Nô, muốn báo thù nhưng không có ai giúp.
          Hán Vũ Đế nghĩ rằng, Nguyệt Chi đã ở phía tây của Hung Nô, triều Hán như muốn liên hiệp cùng Nguyệt Chi, cắt đứt mối liên hệ của Hung Nô với các nước ở Tây vực, điều đó chẳng phải giống như cắt đứt cánh tay phải của Hung Nô sao? Thế là, Hán Vũ Đế hạ một đạo chiếu thư, trưng cầu người có tài năng đến liên lạc với nước Ngưyệt Chi. Đương thời, không ai biết nước Nguyệt Chi ở đâu, cũng không biết là cách xa bao nhiêu. Có một Lang trung 郎中(chức quan thời Tây Hán) tên Trương Khiên trẻ tuổi, cảm thấy đó là việc có ý nghĩa, nên đáp ứng trưng cầu đầu tiên. Sau đó, một số dũng sĩ cũng lần lượt đến. Có một người tộc Hung Nô ở Trường An 长安tên là Đường Ấp Phủ 堂邑父, cũng muốn theo cùng Trương Khiên đi tìm nước Nguyệt Chi.
          Năm 138 trước công nguyên, Hán Vũ Đế phái Trương Khiên  dẫn hơn 100 người xuất phát đi tìm. Nhưng muốn đến nước Nguyệt Chi, nhất định phải đi qua địa giới mà Hung Nô chiếm lĩnh. Bất hạnh, nhóm Trương Khiên bị bắt. Qua mấy năm, Trương Khiên và Đường Ấp Phủ nhân lúc Hung Nô không phòng bị đã lập tức cưỡi lên hai con tuấn mã chạy thoát khỏi địa giới Hung Nô. Không tìm được nước Nguyệt Chi nhưng lại tiến vào một nước khác có tên là Đại Uyển 大宛(nay là Trung Á 中亚).
          Đại Uyển bên cạnh Hung Nô, người nơi đó biết tiếng Hung Nô, cho nên nói chuyện với nhau rất thuận lợi. Họ đi bái kiến Đại Uyển Vương, Đại Uyển Vương sớm đã nghe nói triều Hán là một nước lớn giàu có cường thịnh, lần này nghe nói có sứ giả của triều Hán đến nên đã nhanh chóng tiếp đón, đồng thời phái người hộ tống họ đến Khang Cư 康居 (khoảng giữa vùng hồ Ba Nhĩ Khách Thập 巴尔喀什 (1) với Hàm hải 咸海 (2) ngày nay), rồi từ Khang Cư đến Nguyệt Chi. Quốc vương Đại Nguyệt Chi nghe nói có Trương Khiên, cảm thấy không hứng thú, nhưng vì Trương Khiên là sứ giả của triều Hán, nên cũng tiếp Trương Khiên theo nghi lễ. Trương Khiên và Đường Ấp Phủ ở lại Đại Nguyệt Chi hơn một năm, có đến Đại Hạ 大夏 một chuyến, nhìn thấy rất nhiều thứ mà trước giờ chưa thấy qua. Nhưng họ không thể thuyết phục Đại Nguyệt Chi cùng đối phó Hung Nô, đánh quay về. Khi đi qua địa giới Hung Nô, lại bị bắt giữ lại một thời gian, may mà Hung Nô phát sinh nội loạn, mới đào thoát được về đến Trường An. Trương Khiên đã ở bên ngoài 13 năm mới về lại triều Hán. Hán Vũ Đế cho rằng ông đã lập đại công, bèn phong làm Thái trung đại phu 太中大夫.
          Trương Khiên báo cáo chi tiết tình hình các nước Tây vực cho Hán Vũ Đế, nói rằng:
          - Thần tại Đại hạ nhìn thấy gậy trúc ở Cung sơn 邛山 (nay là tỉnh Tứ Xuyên ) và vải mịn của đất Thục. Người nơi đó nói rằng những thứ đó là do thương nhân từ Thiên Trúc 天竺đem đến.
          Ông cho rằng, những thứ đã từ Thiên Trúc có thể mua về đất Thục, nhất định cách đất Thục không xa. Hán Vũ Đế lại phái Trương Khiên làm sứ giả, mang theo lễ vật từ đất Thục xuất phát đi kết giao với Thiên Trúc. Nhưng không tìm được, Trương Khiên không biết làm cách nào, đành trở về Trường An, Hán Vũ Đế cho rằng tuy không tìm được Thiên Trúc, nhưng đã kết giao với Điền Việt 滇越, một nước chưa từng liên hệ, như vậy cũng hài lòng rồi.
          Đến khi Vệ Thanh 卫青, Hoắc Khứ Bệnh 霍去病tiêu diệt chủ lực binh Hung Nô, Hung Nô tháo chạy về đại sa mạc phía bắc, Hán Vũ Đế nhân cơ hội đó lại phái Trương Khiên đi thông sứ Tây vực. Năm 119 trước công nguyên, Trương Khiên và mấy phó thủ cầm cờ tiết của triều Hán, dẫn theo 300 dũng sĩ, mỗi người 2 ngựa, lại còn mang theo lễ vật hơn 1 vạn trâu dê và vàng, tiền tệ, tơ lụa, vải v.v... để kết giao với Tây vực. Sau khi Trương Khiên đến Ô Tôn 乌孙 kiến nghị hai nước kết làm thân thích, cùng đối phó Hung Nô. Do bởi đương thời Ô Tôn đang phát sinh nội loạn, cho nên sự kiện đó cuối cùng chưa quyết định được.
          Trương Khiên sợ bở lỡ cơ hội, bèn phân phát lễ vật mang theo cho các phó thủ để di liên lạc với các nước Đại Uyển, Đại Nguyệt Chi, Vu Điền ... Qua mấy ngày, phó thủ của Trương Khiên vẫn chưa trở về, Trương Khiên đành phải về Trường An dưới sự hộ tống của sứ giả Ô Tôn, Hán Vũ Đế vô cùng vui mừng, về sau hai nước kiến lập quan hệ hữu hảo.
          Qua 1 năm sau, Trương Khiên bệnh và qua đời. Các phó thủ mà Trương Khiên phái đến các nước Tây Vực cũng lần lượt trở về Trường An. Địa phương mà các phó thủ đi qua tính chung tổng cộng được 36 nước.
          Từ đó về sau, Hán Vũ Đế mỗi năm đều phái sứ tiết đi thăm các nước Tây vực, triều Hán và các nước Tây vực đều kiến lập quan hệ hữu hảo. Sứ tiết mà Tây vực phái đến và thương nhân cũng qua lại không dứt. Tơ lụa và các vật phẩm làm từ tơ lụa của Trung Quốc thông qua Tây vực vận chuyển đến Tây Á, rồi lại chuyển đến Âu Châu, về sau mọi người gọi con đường đó là “ti trù chi lộ” 丝绸之路 (con đường tơ lụa).

Phụ lục
          Năm 123 trước công nguyên, đại tướng triều Hán là Vệ Thanh 卫青hai lần kháng kích Hung Nô. Hán Vũ Đế nhậm mệnh Trương Khiên làm Hiệu uý của quân Hán, theo Vệ Thanh kháng kích Hung Nô ở mạc bắc. Quân Hán hành
Quân đến sa mạc mênh mông, khắp nơi đều là cát và thảo nguyên, rất khó phân biệt phương hướng. Đối với đặc điểm hành quân của Hung Nô, Trương Khiên rất rõ, đối với việc hành quân và tác chiến trên sa mạc, cũng có kinh nghiệm phong phú. Cho nên, trong chiến tranh với Hung Nô, Trương Khiên đã làm hướng đạo cho quân đội, bố trí đóng trại an toàn, bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh. Khi Hán Vũ Đế luận công ban thưởng, đã phong Trương Khiên là “Bác Vọng Hầu” 博望侯. “Bác Vọng” 博望 là sự khẳng định kiến thức rộng lớn, nghe nhiều nhỡ kĩ của Trương Khiên.

Chú của người dịch
1- Hồ Ba Nhĩ Khách Thập 巴尔喀什: tức hồ Balkhash.
2- Hàm hải 咸海: tức biển Aral.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 19/11/2019

Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG KHIÊN XUẤT SỨ TÂY VỰC
张骞出使西域
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 2)
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Previous Post Next Post