Dịch thuật: Thiếu Khang trung hưng

THIẾU KHANG TRUNG HƯNG (1)

          Ông Khải nhờ vào uy vọng của phụ thân là ông Vũ , kiến lập nên triều Hạ (2), quốc gia đầu tiên theo chế độ nô lệ của Trung Quốc. Ông Khải qua đời, con là Thái Khang 太康 kế vị. Thái Khang trưởng thành trong hoàn cảnh sống thoải mái ở cung đình, không biết đến sự gian nan sáng nghiệp của tổ phụ, chỉ thấy phụ thân hưởng thụ xa xỉ hào hoa, cho nên sau khi làm Hạ Vương, ngày ngày chỉ biết săn bắn vui chơi, không ngó ngàng đến quốc sự. Chính trị của đất nước hủ bại, các phương diện kiến thiết cũng đình đốn, chế độ kỉ luật lỏng lẻo, vì thế mà tiếng oan than đầy đường, dân không thể sống nổi. Trong tình hình đó, chư hầu các nơi đều có tính toán. Trong đó có quốc quân của nước Hữu Cùng 有穷 tên Nghệ 羿, dũng mãnh hơn người, tay dài như tay vượn rất giỏi bắn tên. Ông ta nhìn thấy Thái Khang hồ đồ hôn dung, liền ngầm sắp xếp. Ngày nọ, nhân lúc Thái Khang đi săn, đã khởi binh chiếm lĩnh quốc đô, đồng thời phái binh trấn giữ bên bờ Hoàng hà, chặn đường về của Thái Khang. Từ đó, Thái Khang có nước mà không thể về, phải lưu lạc bên ngoài cho đến lúc mất.
          Nghệ sau khi nắm giữ chính quyền, tự ỷ lại võ nghệ cao cường, không ai dám địch, thế là cũng giống như Thái Khang, không ngó đến chính sự, chìm đắm trong việc săn bắn vui chơi. Một số đại thần chính trực trung nghĩa vốn có của ông ta, nếu không bị cách chức thì cũng bị điều đi nơi khác, từng người từng người dần rời xa. Lúc bấy giờ có một người tên Hàn Trác 寒浞 lại là sủng tín của ông ta. Hàn Trác vốn là con em nước Hàn , rất giỏi khoác lác nịnh bợ a dua. Y vốn làm việc bên cạnh Minh Bá 明伯, vị quốc quân nước Hàn. Minh Bá biết Hàn Trác là hạng người không chính phái nên đã đuổi ra khỏi nước. Hàn Trác đến với Nghệ, thi triển thủ đoạn của mình nhắm vào chỗ ham thích của Nghệ. Rất nhanh chóng Hàn Trác trở thành tâm phúc và là trợ thủ đắc lực của Nghệ. Hàn Trác sau khi đắc thế, dã tâm nhanh chóng bành trướng. Một lần nọ, nhân lúc Nghệ ra ngoài săn bắn uống rượu say, Hàn Trác giết chết Nghệ, đồng thời lấy thịt nấu chín đưa cho con của Nghệ ăn. Con của Nghệ đương nhiên không nỡ ăn thịt phụ thân mình, đã tìm cách chạy trốn, chạy đến thành môn Cùng Thạch 穷石, khi ra khỏi thành, bị người của  Hàn Trác đuổi theo giết chết. Hàn Trác đoạt lấy chính quyền, đồng thời chiếm lấy thê thất và tài sản của Nghệ.
          Hàn Trác dựa vào quỷ kế đa đoan của mình, thủ đoạn âm hiểm cay độc tăng cường thống trị, y không biết đến nỗi thống khổ của nhân dân, chỉ một lòng hướng ra bên ngoài khuếch trương. Hàn Trác có hai người con, một người tên Kiêu , người kia tên Ế , cả hai đều dũng mãnh không biết sợ, đa mưu thiện chiến, là hung thủ đắc lực của Hàn Trác. Trong việc khuếch trương, Hàn Trác sợ nhất là sự tồn tại con của Trọng Khang 仲康 là Hạ Hậu Tương 夏后相 (3). Y cho rằng đó là gốc của hoạ. Đương thời, Tương ở nhờ ở chỗ quốc quân Châm Quán 斟灌, nước chư hầu cùng họ, đồng thời cũng được sự ủng hộ của quốc quân Châm Tầm 斟寻, thế là Hàn Trác sai hai người con đem binh đi diệt hai nước chư hầu này, giết chết Tương. Để củng cố chính quyền, Hàn Trác đã phong Kiêu ở đất Quá (nay là huyện Dịch Sơn Đông 山东) làm chư hầu, phong Ế ở đất Qua (nay là phụ cận huyện Kỉ Hà Nam 河南) làm chư hầu, kiến lập hai nước vệ tinh, ba cha con hình thành thế kỉ giốc 掎角 (*).
          Lúc Hạ Hậu Tương bị vây khốn, thê tử của Tương là Hậu Mân 后缗 từ lỗ khoét ở chân tường bò ra ngoài. Trải qua một phen trắc trở, Hậu Mân thoát được chạy về đến nhà mẹ ở nước Hữu Nhưng 有仍. Quốc quân Hữu Nhưng giấu Hậu Mân. Lúc bấy giờ bà đang có mang, chẳng bao lâu sinh được một người con trai, đặt tên là Thiếu Khang 少康 .... (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Bài này căn cứ vào tư liệu ở Sử kí – Hạ bản kỉ 史记 - 夏本纪, Sử kí – Ngô Thái Bá thế gia 史记 - 吴太伯世家 có liên quan mà viết thành. Ngoài ra, tham khảo thêm Trung Quốc sử cảo 中国史稿 do Quách Mạt Nhược 郭沫若 chủ biên.
2- Một thuyết khác, vị quốc quân đầu tiên của triều Hạ là Vũ .
3- Sau khi Thái Khang 太康 mất nước, em Thái Khang là Trọng Khang 仲康 tức vị. Thái Khang và Trọng Khang nối nhau mất trong lúc lưu vong. Sau, con của Trọng Khang là Tương chạy đến Đế Khâu 帝丘 (nay là Bộc Dương 濮阳 Nam 河南) tức vị.

Chú của người dịch
*- Thế kỉ giốc: cũng đọc là “ỷ giốc”. Kỉ (ỷ) tức nắm chân kéo lại; “giốc” (giác) tức nắm sừng ghì lại. Dùng để ví hai mặt phối hợp giáp công quân địch, hoặc một bộ phận binh lực tách ra để lôi kéo khống chế quân địch.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 02/11/2019

Nguyên tác Trung văn
THIẾU KHANG TRUNG HƯNG
少康中兴
 Trong quyển
SỬ KÍ CỐ SỰ TINH TUÝ
史记故事精粹
Biên soạn: Hoán Quan Sinh 浣官生, Hoán Quyên 浣涓
Bắc Kinh lí công đại học xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post