Dịch thuật: Truyền thuyết người khổng lồ không đầu Hình Thiên

TRUYỀN THUYẾT NGƯỜI KHỔNG LỒ KHÔNG ĐẦU HÌNH THIÊN

          Hình Thiên 刑天 mà trong Sơn hải kinh 山海经 ghi chép là người khổng lồ không đầu, cũng là một trong “thượng cổ thập đại ma thần” 上古十大魔神 (1). Con người ai cũng có đầu, thế thì đầu của Hình Thiên đi đâu?
          Theo truyền thuyết, Hình Thiên là đại tướng bên cạnh Viêm Đế 炎帝, thân hình tao lớn, sức mạnh vô song. Sau khi Viêm Đế bị Hoàng Đế 黄帝 đánh bại, Hình Thiên nhiều lần khuyên Viêm Đế tu chỉnh trống cờ, ra sức khôi phục lại, nhưng gặp phải sự cự tuyệt của Viêm Đế. Hình Thiên bản tính nóng nảy đã vô cùng bất mãn, bèn một mình đi tìm Hoàng Đế báo thù.
          Hình Thiên tay phải cầm rìu, tay trái cầm khiên, đi đến cung điện của Hoàng Đế. Nghe nói Hình Thiên đến báo thù, Hoàng Đế đại nộ, lập tức rút bảo kiếm đấu với Hình Thiên. Hai người đánh nhau kịch liệt, không biết đã trải qua thời gian bao lâu, cũng không biết đã đánh bao nhiêu hiệp, cho đến lúc đến gần núi Thường Dương 常阳, vẫn còn chưa phân thắng bại. Núi Thường Dương thuộc nước của Viêm Đế, Hình Thiên không muốn bị đánh bại ở nơi này, bèn dùng hết sức kịch chiến với Hoàng Đế.
          Hoàng Đế từng kinh qua sa trường, kinh nghiệm già dặn. Nhân lúc Hình Thiên không đề phòng, Hoàng Đế vung kiếm chém cổ Hình Thiên. Hình Thiên đỡ không kịp, đầu bị rơi ra. Đầu của Hình Thiên rơi xuống, thuận theo sườn núi lăn xuống đến chân núi. Hình Thiên đầu bị chém quỳ xuống tìm lại đầu. Hình Thiên sờ soạng chung quanh cũng không tìm thấy. Do bởi mất đi đôi mắt, Hình Thiên không thấy đầu của mình ở đâu nên ở lại dưới chân núi Thường Dương.
          Hoàng Đế sợ Hình Thiên tìm được đầu khôi phục nguyên hình sẽ giao chiến với mình, bèn cầm bảo kiếm bổ núi Thường Dương. Một tiếng nổ vang lên, núi Thường Dương bị tách làm hai, đầu của Hình Thiên lăn vào sơn cốc. Sau đó, hai khối núi liền khép lại làm một, chôn đầu của Hình Thiên trong đó.
          Hình Thiên cảm thấy chung quanh thay đổi, biết Hoàng Đế đã chôn đầu của mình trong lòng núi, nhưng Hình Thiên vẫn không nản chí, lại đứng dậy, tay phải vẫn cầm rìu, tay trái cầm khiên, vung rìu loạn xạ trong không trung. Hình Thiên bị rơi vào tối tăm rất tức giận, bèn lấy hai đầu vú của mình làm mắt, lấy rốn làm miệng, tiếp tục đấu với Hoàng Đế. Hoàng Đế thấy Hình Thiên dũng mãnh như thế, trong lòng nảy sinh kính sợ, bèn không chiến đấu nữa.
          Hình Thiên tuy thất bại, nhưng tinh thần không chịu thoả hiệp của Hình Thiên luôn khích lệ người đời sau. Đại thi nhân Đào Uyên Minh 陶渊明 triều Tấn đã làm thơ ca tụng tinh thần của Hình Thiên, lời thơ rằng:
Hình Thiên vũ can thích
Mãnh chí cố thường tại
刑天舞干戚
猛志固常在
(Hình Thiên tuy thất bại nhưng vẫn múa giáo khiên
Tinh thần cương nghị trước sau luôn tồn tại)

Chú của người dịch
1- Thượng cổ thập đại ma thần 上古十大魔神:
- Ma thần Xi Vưu 魔神蚩尤
- Chiến thần Hình Thiên 战神刑天
- Tinh thần Khoa Phủ 星神夸父
- Thuỷ thần Cung Công 水神共工
- Phong bá Phi Liêm 风伯飞廉
- Vũ sư Bình Ế 雨师屏翳
- Minh thần Thần Đồ 冥神神荼
- Minh thần Uất Luỹ 冥神郁垒
- Ma tinh Hậu Khanh 魔星后卿
- Độn thần Ngân Linh Tử 遁神银灵子
Có tư liệu đưa Thần Đồ và Uất Luỹ vào làm một, gọi là “U minh song thần” 幽冥双神, và thêm Thần nữ Hạn Bạt 神女旱魃.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 01/10/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post