Dịch thuật: Nguồn gốc tiết Trùng dương

NGUỒN GỐC TIẾT TRÙNG DƯƠNG

 

Dao tri huynh đệ đăng cao xứ

Biến sáp thù du thiểu nhất nhân

遥知兄弟登高处

遍插茱萸少一人

(Nghe nói ở quê nhà anh em đă lên cao mừng tiết Trùng dương

Ai nấy đều cài cành thù du nhưng thiếu một người)

          “Lên cao cài cành thù du” mà trong bài thơ Đường này nói đến chính là một trong những tập tục của tiết Trùng Dương 重阳 - ngày lễ tết truyền thống của Trung Quốc. Trong Dịch kinh 易经, đem số 6 ấn định làm số “âm”, đem số 9 ấn định làm số “dương”. Nhân vì tiết Trùng Dương vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, cho nên nhân đó mà có tên “Trùng dương” 重阳. Trùng dương cùng với Trừ tịch 除夕, Thanh minh 清明, Trung nguyên 中元 gọi chung là “Trung Quốc tứ đại tế tổ tiết nhật” 中国四大祭祖节日. Tiết Trùng dương là thời gian tốt đẹp để thưởng thức mùa thu, tháng 9 âm lịch đã là giữa mùa thu, nhiều người Trung Quốc muốn lên cao nhìn ra xa, ngắm lá đỏ bên sườn núi, thưởng thức hoa cúc và uống rượu hoa cúc để được nguyện vọng tốt đẹp thảnh thơi vui vẻ, miễn tai hoạ trừ bệnh tật.

          Thời Tiên Tần, tiết Trùng dương đã hình thành, nhưng lúc mới bắt đầu chủ yếu do thành viên hoàng thất chúc mừng, không lưu hành trong bách tính bình dân. Theo truyền thuyết, vào đời Hán, Lữ hậu 吕后 hại chết Thích phu nhân 戚夫人 -  phi tử mà Lưu Bang 刘邦yêu quý, cung nữ Giả thị 贾氏 thường ngày bên cạnh Thích phu nhân bị đuổi ra khỏi cung, mới đưa tiết Trùng dương đến với dân gian. Sau khi Giả thị được gả chồng, đã kể cho người nhà của mình và hàng xóm biết vào ngày mồng 9 tháng 9 trong hoàng cung đều đăng cao tế tổ, cài cành thù du, uống rượu hoa cúc, cầu cho gia đình được phúc thuận, sống thọ. Phong tục tiết Trùng dương bèn nhân đó mà lưu truyền trong dân gian.

          Từ xa xưa, Trung Quốc là một đất nước coi trọng đạo hiếu, nhân đó vào ngày này nhiều người Trung Quốc đã gọi tiết Trùng dương là “Kính lão tiết” 敬老节. Hàng năm vào tiết Trùng dương, mọi người đêu trở về nhà đoàn tụ với người già, để cầu mong cha mẹ cùng các bậc trưởng bối được bình an trường thọ.

          Về tiết Trùng dương, còn có một truyền thuyết khác. Tương truyền vào thời Đông Hán, trong sông Nhữ có một ôn thần, cứ vào ngày 9 tháng 9 là đến bên bờ sông tác quái. Chỉ cần ôn thần xuất hiện là bách tính gặp phải nỗi khổ về bệnh tật, tử thương vô số, dường như mỗi ngày đều có người vì ôn thần mà bỏ mạng. Mọi người tuy kêu thấu trời nhưng vô kế khả thi, đành phải nén giận, chịu cảnh bị ôn thần quậy phá. Có một người trẻ tuổi tên Hoàn Cảnh 桓景, do bởi ôn thần mà cha mẹ lần lượt qua đời, bản thân anh cũng chiến đấu với bệnh ma suýt mất mạng. Sau khi khỏi bệnh, Hoàn Cảnh quyết định đi xa cầu học, tìm diệu kế đánh bại ôn thần, trừ hại cho dân, báo thù cho cha mẹ. Thế là Hoàn Cảnh từ biệt vợ con, bắt đầu trường đồ bạt thiệp, tầm tiên học nghệ. Trên đường đi, Hoàn Cảnh trải qua thiên sơn vạn khổ, không ngừng cầu sư vấn đạo, cuối cùng nghe nói ở phương đông xa xôi có một ngọn núi tiên cổ xưa, trên núi có một vị trưởng lão có thể hô phong hoán vũ, pháp lực vô biên. Thế là Hoàn Cảnh không nề gian nan hiểm trở, theo sự hướng dẫn của một con hạc tiên xinh đẹp, tìm đến vị trưởng lão.

          Do bởi vị trưởng lão đã nhiều năm không quan tâm thế sự, lúc đầu không  muốn đem pháp lực thần kì truyền cho Hoàn Cảnh, nhưng ông đã cảm động trước tấm lòng và nghị lực của Hoàn Cảnh nên đã ban cho Hoàn Cảnh một thanh bảo kiếm trừ ma, lại dạy một số tiên thuật trảm diệt ôn thần. Gặp lúc mồng 9 tháng 9 âm lịch, vị trưởng lão nói với Hoàn Cảnh:

          - Ôn thần lại sắp xuất hiện, hiện tại pháp lực của con đã đủ để đánh bại nó, hãy nhanh chóng đi dùng tiên thuật của con tiêu diệt ôn thần bảo vệ bách tính.

          Hoàn Cảnh rơi nước mắt quỳ tạ trưởng lão, rồi cưỡi hạc tiên về lại quê nhà. Theo lời chỉ bảo của trưởng lão, sáng sớm ngày mồng 9 tháng 9 Hoàn Cảnh dẫn mọi người đến một nơi cao trong thôn, phát cho mỗi người một cành thù du, một bình rượu cúc. Chẳng bao lâu, chỉ thấy phía chân trời xuất hiện một màu đỏ sậm, sông Nhữ sóng đen bắt đầu cuộn dâng, ôn thần từ trong sông xuất hiện ra, đột nhiên nó ngửi được mùi thơm của thu du và hoa cúc bèn dừng bước. Thừa lúc ôn thần do dự không tiến lên, Hoàn Cảnh rút kiếm, miệng ngầm niệm thần chú, trong phút chốc sắc mặt ôn thần biến đổi, định bỏ chạy. Hoàn Cảnh thừa thắng truy kích, đâm chết ôn thần. Bách tính hoan hô vang trời. Từ đó cứ vào ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, mọi người đều lên cao cài cành thù du, uống rượu hoa cúc, để kỉ niệm ngày thắng lợi diệt trừ được ôn thần, đồng thời cầu mong sang năm mới được phúc lộc khang kiện.

          Tiết Trùng dương ngày nay nhiều địa phương lấy “ăn bánh Trung dương” thay cho “lên cao”, nhưng tập tục tiết Trùng dương về nhà đoàn tụ vẫn không thay đổi. Nhân vì tiết Trung Dương vào mùa thu, “cửu cửu” 九九 (số 9) trong tiếng Hán lại đồng âm với “cửu cửu” 久久 (lâu dài), mọi người khi cầu mong tiêu tai trừ bệnh đồng thời cũng hi vọng “hoa hảo nguyệt viên nhân trường cửu” 花好月圆人长久 (hoa đẹp trăng tròn người trường thọ).

 

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 08/10/2019

 

Nguồn


 

Previous Post Next Post