HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT
VÔ ẢNH VÔ TINH
Hỉ thần
喜神, là vị thần cát tường huyễn tưởng trong tín ngưỡng
dân gian Trung Quốc. Nhưng Hỉ thần không giống với các tục thần khác trong dân
gian, không có miếu chuyên thờ. Hỉ thần lúc ban đầu rất trừu tượng, không có
hình tướng cụ thể, so với minh tướng của các thần khác thì trống rỗng, tựa hồ mọi
người khó mà sờ mó được. Về sau, Hỉ thần có tôn dung của mình, nhưng hình dáng
lại không có đặc điểm gì rõ ràng, hoàn toàn là phiên bản của Phúc thần Thiên
quan, đại khái là tác phẩm xuất phát từ việc người đời căn cứ vào sự tưởng tượng
tâm lí xu cát tị hung, truy cầu hỉ lạc của mình mà ra.
Trong
thần thoại thời thượng cổ có một vị cát thần tên Thái Phùng 泰逢, trong Sơn hải
kinh – Trung thứ tam kinh 山海经 - 中次三经có chép, Thái
Phùng hình người đuôi rắn, có thể động thiên địa, nổi mây mưa. Đó là vị thần
linh chủ về việc tốt, đại khái xem như vị thần cát tường sớm nhất của Trung Quốc,
truyền thuyết cho rằng người phàm có hỉ sự, thì có thể thấy được Thái Phùng, có
mối quan hệ nguồn gốc hoặc nhiều hoặc ít với Hỉ thần của đời sau.
Hỉ thần
ra đời lúc nào và ở đâu, hiện nay không thể khảo chứng, chỉ biết Hỉ thần lưu
truyền trong dân gian muộn hơn 3 vị thần Phúc, Lộc, Thọ. Hỉ thần không giống
như 3 vị thần Phúc, Lộc, Thọ từ tinh tú diễn biến mà ra, cùng không có hình thần
để phân biệt, đó là đặc điểm lớn nhất của Hỉ thần.
Hỉ thần
trong truyền thuyết dân gian là một nữ thần, hơn nữa lại có bộ râu dài, nguyên
bản là một cô gái bái Bắc Đẩu tinh quân để tu luyện. Lúc tu chân thành đạo, Bắc
Đẩu tinh quân vì lòng thành của cô hiển hiện hình cô gái trước mặt, hỏi rằng cô
có mong cầu điều gì, cô gái chỉ lấy tay vuốt miệng, cười không đáp. Bắc Đẩu
tinh quân nhầm tưởng cô gái cầu xin bộ râu, bèn ban cho bộ râu dài, đồng thời lấy
hình tượng lúc cô gái cười mà phong là Hỉ thần, chỉ có điều nhân vì có bộ râu
dài, không muốn để cho người phàm nhìn thấy diện mạo chân thực của cô. Từ đó, Hỉ
thần chuyên quản về hỉ khánh, nhưng lại không hiển hiện rõ thần hình.
Hỉ thần
là sự kí thác cuộc sống và tinh thần của người Nội Khâu 内丘 Hà Bắc 河北, vả lại Hỉ thần được
nhân cách hoá là nữ tính, mũi cao mắt lớn, tóc kết búi, ôm đàn tì bà, miệng nở
nụ cười.
Thời
trước mọi người khi ăn tết, bất luận là giàu nghèo, có một quyển sách cần phải
mua, đó là sách lịch. Trong sách lịch từ mồng 1 đến mồng 5 tháng Giêng trong 5
ngày này dưới ô của mỗi ngày, trừ những hàng chữ nhỏ như Hoàng đạo, Hắc đạo,
nên hay không nên tắm gội, nên hay không nên cưới hỏi v.v... còn dùng chữ lớn
in “Hỉ thần chính bắc” hoặc “Hỉ thần tây nam”. Đó là báo cho mọi người biết
ngày hôm đó là ngày nghinh Hỉ thần mỗi năm một lần. Nghinh Hỉ thần tuy thuộc
tín tục, nhưng Hỉ thần hoàn toàn không phải là vị thần linh tưởng tượng không
có cơ sở, mà là dựa theo can chi và bát quái tính toán ra một loại phương vị,
thế là dân gian sáng tạo ra phương vị mà Hỉ thần mỗi ngày cư trú, theo can chi
tính ra ngày giờ, theo bát quái định ra phương vị, xác định Hỉ thần của ngày
nào, giờ nào, ở phương vị nào, để tế tự cầu hỉ.
Hoàng đế
Càn Long 乾隆 đời
Thanh còn trịnh trọng hạ chỉ biên soạn bộ sách Hiệp kỉ biện phương thư 协纪辨方书liên quan đến việc tìm phương vị của Hỉ thần, mục Nghĩa lệ – Hỉ thần 义例 - 喜神 trong
sách có chép việc nhận biết phương vị Hỉ thần:
Hỉ thần vu Giáp Kỉ nhật cư Cấn phương, thị tại
Dần thời, Ất Canh nhật cư Càn (1) phương, thị tại Tuất thời; Bính
Tân nhật cư Khôn phương, thị tại Thân thời; Đinh Nhâm nhật cư Li phương, thị tại
Ngọ thời; Mậu Quý nhật cư Tốn (2) phương, thị tại Thìn thời.
喜神于甲己日居艮方, 是在寅时; 乙庚日居乾 (1) 方, 是在戌时; 丙辛日居坤方, 是在申时; 丁壬日居离方, 是在午时; 戊癸日居巽 (2) 方, 是在辰时.
(Hỉ thần
vào ngày Giáp Kỉ ở phương Cấn, tại giờ Dần; ngày Ất Canh ở phương Càn, tại giờ
Tuất; ngày Bính Tân ở phương Khôn, tại giờ Thân; ngày Đinh Nhâm ở phương Li, tại
giờ Ngọ; ngày Mậu Quý ở phương Tốn, tại giờ Thìn)
Trong Đạo
thư có Lục thập hoa giáp tử Hỉ thần phương, chỉ rõ phương hướng can chi mỗi
ngày Hỉ thần cư trú. Như Giáp Tí, Hỉ thần đông bắc; Kỉ Sửu Hỉ thần tây bắc ...
Có chuyên thư phân biệt rõ phương vị của Hỉ thần này, sẽ biết được ngày nào giờ
nào Hỉ thần ở phương vị nào, lúc nghinh Hỉ thần cũng dựa theo sách tra phương vị
của Hỉ thần, cầu thần càng thêm thuận tiện.
Trong lịch
thư tra rõ phương vị của Hỉ thần, hoàng gia cần cử hành nghi thức, theo phương
vị của Hỉ thần đưa trâu thần ra ngoại ô nghinh Hỉ thần. Trâu phải khoác vải đỏ,
trổi nhạc để tống; vị quan coi về trâu đánh roi phát ra tiếng kêu, gọi đó là
“tiên xuân” 鞭春, và suốt cả ngày vui vẻ. Cách làm đó đại khái là để
mong người và súc vật được hưng vượng, ngũ cốc được mùa. Tại Tô Châu, mỗi năm
trước và sau Lập xuân có hoạt động dân tục nghinh cúng Hỉ thần long trọng. Đến
giờ, quan viên địa phương thống lĩnh sĩ tốt trong quân doanh, một hàng nhân mã
rầm rộ kéo đến thần đàn của miếu Thành Hoàng 城隍,
cử hành long trọng nghi thức nghinh đón và tế tự Hỉ thần. Thái Vân 蔡云đời Thanh trong Ngô
Du 吴歈 có miêu tả việc
nghinh đón và tế tự Hỉ thần:
Giáp đạo du nhân nhược đổ tường
Nhất trận hương phong tiếu thanh khởi
Hoạ lâu hà xứ bất tân trang
南来喜气远迎将
夹道游人若堵墙
一阵香风笑声起
画楼何处不新妆
(Hỉ khí từ phương nam đến, từ xa đã nghinh đón
Hai bên đường, người đi dạo chơi ken chật như bức tường
Một cơn gió thơm thổi đến, tiếng cười rộn lên
Lầu gác hoa lệ nào mà không trang trí lại cho mới và đẹp)
Thời
trước không chỉ bách tính, giới mua bán, kĩ nữ nghinh Hỉ thần, mà các lão gia
làm quan cũng nghinh Hỉ thần để mong điều cát lợi, nghinh Hỉ thần đã trở thành
một hoạt động dân tục lưu hành rất rộng.
Đón năm
mới, ở phương bắc có nghi lễ “song Hỉ thần” 双喜神,
từ sáng sớm ngày mồng 1 tháng Giêng trở đi có trình tự nghinh Hỉ thần, tiếp Tài
thần, dựa theo phương vị của Hỉ thần, do gia trưởng chủ tế thắp hương xuất
nghinh. Thành trấn phương nam thì lưu hành tập tục sáng sớm “tân Chinh” 新正 (mồng
1 tháng Giêng) “đâu Hỉ thần phương” 兜喜神 , tức đi đến phương vị của Hỉ thần tìm vận may của một
năm. Người vùng Khê Khẩu 溪口 Chiết Giang 浙江 sùng thượng Tài thần, Hỉ thần, có cặp đối:
Tài thần thường tiến cần kiệm trạch
Hỉ thần trường bạn thiện lương nhân
财神常进勤俭宅
喜神长伴善良人
(Tài thần thường đến với nhà cần kiệm
Hỉ thần luôn làm bạn với người thiện lương)
Trong Trường Sa tân niên kỉ tục thi 长沙新年纪俗诗
có câu:
Xuất hành đô hướng Hỉ thần phương
Linh đính quan ngoa bôn tẩu mang
出行都向喜神方翎顶官靴奔走忙
(Xuất hành đều theo hướng có Hỉ thần
Quan lại đội nón có gắn đuôi công, mang ủng đi lại bận
rộn)
Hỉ thần
rốt cuộc là như thế nào, hoàn toàn không có hình tượng cố định. Trong tranh tết
dân gian, có Hỉ thần tựa Thiên quan, có Hỉ thần tựa Tài thần. Đời Thanh, tranh
tết dân gian “Hỉ thần môn quan” 喜神门官 ở Bắc Kinh vẽ vị Thiên quan một tay cầm hốt, tay kia
bưng chữ 囍, phía sau có hai đứa bé cầm cờ phan “song hỉ lâm môn”
双喜临门; còn “song hỉ long môn” 双喜临门 thì vẽ hai đứa bé một đứa tay cầm ngọc như ý, tay kia bưng chữ 囍; còn đứa kia tay cầm cành hoa, tay bưng quả Phật thủ.
Cũng có tranh vẽ hai vị Tài thần tay ôm san hô, phía sau mỗi thần có một đồng tử,
đồng tử ôm bảo bình, trong bình nổi lên chữ “song hỉ”. “Hoà Hợp nhị tiên” 和合二仙 cũng
là Hỉ thần dân gian. “Hỉ” được miêu hoạ trong tranh tết dân gian “Phúc Lộc Thọ
hỉ” 福禄寿喜 chính
là tranh mừng tân hôn dán nơi cửa tràn đầy hỉ khánh, tràn đầy không khí cát tường,
trong chữ 喜có khảm hình Hoà Hợp nhị tiên.
Chú của người
dịch
1- Ở đây trong nguyên tác in nhầm là chữ 干
2- Ở đây trong nguyên tác là chữ 撰
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/10/2019
Nguồn
HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT – VÔ HÌNH VÔ TINH
喜神传说 - 无形无星
Trong quyển
ĐỒ THUYẾT HỈ VĂN HOÁ
图说喜文化
Tác giả: Ân Vĩ 殷伟,
Trình Kiến Cường 程建强
Bắc Kinh: Thanh Hoa đại học xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật