Chu Á Phu周亚夫 người
huyện Bái 沛 (nay là huyện Bái 沛tỉnh
Giang Tô 江苏), là con của Tể tướng Chu Bột
周勃 thời
Hán Văn Đế 汉文帝. Sau khi
Chu Bột qua đời, người con trưởng là Chu Thắng 周胜 tập tước Giáng Hầu 绛侯, Chu Á Phu nhậm chức Hà Nội
thú 河内守. Theo truyền thuyết, một
ngày nọ có một bà lão đến xem tướng cho Chu Á Phu, dự ngôn rằng:
- Ông
3 năm nữa sẽ phong Hầu, 8 năm sau bái Tướng, nắm giữ quốc chính, vị cao cực phẩm.
Nhưng, 9 năm sau sẽ chết đói.
Chu Á Phu nghe qua liền cười lớn, nói
rằng:
- Huynh
trưởng của tôi thừa tập tước Hầu của phụ thân, cho dù huynh trưởng tôi qua đời,
còn có cháu tôi tập tước, làm sao mà tôi sẽ được phong Hầu? Hơn nữa, ngày sau
tôi là Liệt hầu phú quý, sao lại chết đói được? Bà xem qua tướng tôi là người
như thế sao?
Bà lão chỉ nếp nhăn bên góc miệng của
Chu Á Phu, nói một cách khẳng định:
- Nếp
nhăn góc miệng chạy hướng vào miệng, đó là tướng chết đói.
Ba năm sau, huynh trưởng của Chu Á Phu
là Chu Thắng vì mắc tội mà bị phế bỏ tước Hầu, Văn Đế mệnh cho tiến cử người hiền
năng trong số những người con của Chu Bột để tập tước vị. Mấy anh em tiến cử
Chu Á Phu, ông được phong Hầu.
Năm 158 trước công nguyên, Hung Nô cử
binh xâm phạm Thượng Quận 上郡,
Vân Trung 云中, cảnh bảo
liên tiếp truyền về. Văn Đế phái tướng lĩnh đem binh đồn trú các nơi, lại nhậm
mệnh Chu Á Phu làm Tướng quân, trấn giữ Tề Liễu 细柳 (nay là phía tây nam thành
phố Hàm Dương 咸阳tỉnh Thiểm
Tây 陕西), phòng ngự Hung Nô tiến xuống
phía nam. Khi Văn Đế đích thân đến các nơi trú quân để uý lạo, các quân doanh
mà Văn Đế đến đều có thể vô thẳng ra thẳng, không hề trở ngại, chỉ có khi đến
quân doanh của Chu Á Phu, tuỳ tùng của Văn Đế đến trước, thấy binh sĩ ai nấy đều
thân mặc khôi giáp, tay cầm binh khí sắc nhọn, cung tên giương ra chuẩn bị sẵn
sàng, không để cho tuỳ tùng vào doanh trại. Đám tuỳ tùng lớn tiếng nói rằng:
- Thiên
tử sắp đến!
Quân môn Đô uý đáp rằng:
- Trong
quân chỉ có lệnh của Tướng quân, không có chiếu của thiên tử.
Văn Đế cưỡi ngựa đến trước doanh môn,
quân sĩ cũng không cho vào. Văn Đế đành phái sứ thần cầm cờ tiết hướng đến Chu
Á Phu tuyên bố chiếu lệnh, nói rằng thiên tử đích thân đến uý lạo. Lúc bầy giờ
Chu Á Phu mới lệnh cho mở cổng để đoàn người của Văn Đế vào. Binh lính giữ cổng
lại lớn tiếng nói rằng:
- Tướng
quân có lệnh, trong quân doanh không được cưỡi ngựa chạy.
Văn Đế dành theo lệnh cầm dây cương từ
từ mà vào. Vào đến trung doanh, Chu Á Phu vái chào, nói rằng:
- Thần
thân mặc giáp trụ, không thể hành đại lễ. Xin cho phép thần lấy quân lễ kiến
giá.
Văn Đế thấy Chu Á Quân trị quân nghiêm
chỉnh như thế, cũng nảy sinh lòng kính trọng, đứng trước quân đáp lễ. Khi ra
doanh trại, nhân viên tuỳ tùng đều cảm thấy kinh sợ trước kỉ luật nghiêm túc của
quân doanh, Văn Đế khen rằng:
- Đó
mới đúng là Tướng quân chân chính. So ra, quân kỉ của các quân doanh khác rõ
ràng là lỏng lẻo, như là trò giỡn chơi, các chủ tướng cũng rất dễ gặp sự tập
kích bất ngờ, bị quân địch bắt đi. Còn như Chu Á Phu, ai dám xâm phạm.
Văn Đế bèn bái Chu Á Phu làm Trung uý.
Trước lúc Văn Đế qua đời đã dặn dò
thái tử:
- Từ
nay về sau nếu có sự việc nguy cấp, có thể trao cho Chu
Á Phu chức Thống soái.
Sau khi Cảnh Đế 景帝 lên ngôi, liền thăng ông
làm Xa kị tướng quân.
Năm 154 trước công nguyên, Cảnh Đế tiếp
nhận kiến nghị của Triều Thố 晁错 tước bỏ các phiên.
Ngô Vương Lưu Tị 刘濞, Sở Vương
Lưu Mậu 刘戊 cả
thảy 7 phiên vương lấy danh nghĩa “thanh quân trắc” 清君侧 (1) yêu cầu giết
Triều Thố, đã cử binh phản loạn, sử xưng là “Ngô Sở thất quốc chi loạn” 吴楚七国之乱. Cảnh Đế vội theo di
chúc của Văn Đế, bái Chu Á Phu làm Thái uý, đem binh dẹp phản loạn.Chu Á Phu dẫn
binh đến Lam Điền 蓝田, ra Vũ
Quan 武关, thẳng đến Lạc Dương 洛阳, kiên thủ Xương ấp 昌邑, đồng thời phái một đội quân
cắt đường lương thực của địch, khiến quân địch do vì tuyệt lương mà phải tháo
lui. Chu Á Phu thừa thắng truy kích, khiến 7 vị vương có người tự sát, có người
bị giết. Chỉ có 3 tháng mà đã bình định được cuộc phản loạn đại quy mô.
Năm 150 trước công nguyên, Chu Á Phu
được bái làm Thừa tướng. Lúc ban đầu, Cảnh Đế đối với ông vô cùng kính trọng,
sau nhân vì phản đối Cảnh Đế phế truất thái tử Lưu Vinh 刘荣, cải lập Lưu Triệt 刘彻 làm thái tử, Cảnh Đế bất
mãn, dần xa lánh ông.
Chẳng bao lâu, Đậu thái hậu 窦太后muốn phong người anh của
hoàng hậu là Vương Tín 王信 tước Hầu.
Khi Cảnh Đế hỏi ý kiến của của Chu Á Phu, Chu Á Phu bày tỏ không tán thành, nói
rằng:
- Cao
hoàng đế từng ước định với thần hạ rằng: “Nếu không phải là họ Lưu thì không
phong Vương, nếu không có công thì phong Hầu. Ai vi phạm ước định này, thiên hạ
sẽ cùng công kích”. Tín Vương tuy là anh của hoàng hậu, nhưng ông ta không có
công. Phong ông ta tước Hầu là đi ngược lại ước định.
Cảnh Đế bèn cự tuyệt lời thỉnh cầu của
thái hậu.
Năm 147 trước công nguyên, nhóm Hung
Nô vương Từ Lư 徐庐 5 người hàng Hán, Cảnh Đế không nghe theo lời ngăn cản của
Chu Á Phu, phong 5 người này tước Hầu. Chu Á Phu trong lúc nóng giận, xưng bệnh
từ chức Tướng, khiến Cảnh Đế đối với ông càng thêm bất mãn. Một lần nọ, Cảnh Đế
thiết yến tiệc chiêu đãi Chu Á Phu, trong bữa tiệc chỉ có một miếng thịt lớn,
không có thịt đã xắt nhỏ, cũng không có đũa. Chu Á Phu trong lòng không vui,
nói với người hầu là cần đũa. Cảnh Đế cười hỏi rằng:
- Xem
ra khanh không vừa lòng rồi chăng?
Chu Á Phu vội lấy mũ xuống tạ tội. Cảnh
Đế nghiêm sắc mặt nói rằng:
- Đứng
dậy đi!
Chu Á Phu liền đứng dậy bước ra. Cảnh
Đế đưa mắt nhìn theo, nói rằng:
- Người
này trong lòng bất mãn, từ nay về sau khó mà làm thần hạ của thiếu chủ.
Năm 143 trước công nguyên, con của Chu
Á Phu khi chuẩn bị hậu sự cho ông, đã mua một số giáp thuẫn. Có người vu cáo
anh ta mưu phản, Chu Á Phu liên luỵ bị bắt. Khi lính đến bắt, ông không chịu nhục
muốn tự sát, nhưng được người nhà khuyên ngăn. Sau khi bị giam trong ngục, ngục
lại trách vấn ông tại
Sao
lại mưu phản, ông kháng biện nói rằng:
- Đồ
tôi mua là táng khí, sao lại nói là mưu phản?
Ngục lại cưỡng từ đoạt lí bảo rằng:
- Cho
dù ông không chuẩn bị mưu phản lúc sinh tiền, thì cũng muốn sau khi chết mưu phản
dưới địa ngục.
Chu Á Phu tự biết khó mà thoát được
cái chết, bèn tuyệt thực trong ngục, 5 ngày sau thổ huyết mà chết.
Chú của người dịch
1- Thanh quân trắc清君侧: tức thanh trừ gian thần
tiểu nhân thân tín bên cạnh hoàng đế.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/10/2019
Nguyên tác Trung văn
周亚夫
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật