VÌ
SAO MỌI NGƯỜI GỌI BIỆN HOÀ LÀ “BẤT ĐẢO ÔNG”
Biện Hoà 卞和 là người nước Sở thời Xuân Thu.
Có một lần Biện Hoà đi đến Kinh sơn 荆山, phát hiện một con phụng hoàng cứ lượn vòng trên một hòn đá
không chịu rời đi. Hòn đá này bề ngoài không có gì đặc biệt, nhưng Biện Hoà tin
rằng đó là một hòn ngọc thô, bên trong nhất định ẩn tàng mĩ ngọc, thế là ông
đem hòn đá ấy dâng lên cho Sở Lệ Vương 楚厉王. Sở Lệ Vương nhìn thấy chỉ là một
hòn đá, nghe theo lời gièm, cho rằng Biện Hoà phạm tội khi quân, bèn sai chặt
chân trái của Biện Hoà, đồng thời đuổi đi. Sau khi Sở Vũ Vương 楚武王 kế vị, Biện Hoà lại đem hòn đá
đó dâng lên Sở Vũ Vương, đồng thời nói rõ quá trình phát hiện. Sở Vũ Vương cũng
hôn dung như Sở Lệ Vương, không nhận ra ngọc ẩn tàng bên trong, khép Biện Hoà tội
khi quân, nên sai người chặt chân phải của Biện Hoà. Đợi đến khi Sở Văn Vương 楚文王 kế vị, Biện Hoà nghĩ tới hai lần
dâng ngọc đều không được Sở Vương nhận ra, ngược lại còn khép vào tội khi quân,
phải chịu sự trừng phạt bị chặt mất đôi chân. Nghĩ đến đó, Biện Hoà đau buồn vô
hạn, thế là ôm ngọc khóc mãi không thôi, khóc đến nỗi đôi mắt rỏ huyết bị mù. Sở
Văn Vương sau khi nghe tin, liền phái người triệu đến, hỏi rõ nguyên do, Biện
Hoà thuật lại quá trình phát hiện bảo thạch và sự việc gặp phải khi dâng ngọc.
Sở Vương nghe qua liền sai người bổ viên đá để kiểm nghiệm, bên trong đá quả
nhiên ẩn tàng một khối mĩ ngọc trong suốt, lung linh. Sở Văn Vương lộ vẻ vui mừng,
trọng thưởng cho Biện Hoà, đồng thời thương cảm cho ông hai lần dâng ngọc đều
không được nhận biết, mà còn bị hình phạt chặt chân, nhưng vẫn kiên quyết giữ vững
chân lí, không sợ bị hại, kiên trì việc dâng ngọc, cuối cùng được thành công, Sở
Văn Vương tán thán rằng:
- Khanh
quả thật là một vị hiền ông xô không ngã!
Từ đó về sau, mọi người bèn xưng tụng
Biện Hoà là “bất đảo ông” 不倒翁.
Hòn ngọc mà Biện Hoà phát hiện về sau
được gia công thành ngọc bích, gọi là “Hoà thị bích” 和氏璧. Có lẽ mọi người cũng cảm thấy
kì lạ, Biện Hoà tính Biện 卞 sao không gọi là “Biện thị bích” 卞氏璧, mà lại gọi là “Hoà thị bích”? Đó
là do bởi vào thời thượng cổ, tính và thị có sự khu biệt, nữ chỉ có tính mà
không có thị, nam xưng thị là tiêu chí cho một loại đẳng cấp. Đến thời Chiến Quốc,
tính và thị hợp nhất. Biện Hoà sống vào thời Xuân Thu, lúc bấy giờ tính và thị
vẫn còn sự phân biệt. Cho nên, tên gọi Biện Hoà thực tế chỉ tính là Biện 卞 mà thị là Hoà 和, cho nên gọi là “Hoà thị” 和氏. Đó chính là nguồn gốc của viên
ngọc bích được gọi là “Hoà thị bích”.
Căn cứ vào lai lịch xưng hiệu “bất đảo
ông”, chúng ta có thể biết, đó là từ dùng để tán dương những người kiên trì
chân lí, không sợ gian nan nguy hiểm, có nghị lực mạnh mẽ, là một từ mang ý
nghĩa khen ngợi. Nhưng sau này ý nghĩa của từ “bất đảo ông” đã thay đổi, trở
thành từ hình dung những người không kiên trì chân lí, đông đến thì ngả về
đông, tây đến thì ngả về tây mà không có chủ kiến, hoàn toàn trở thành từ mang
ý nghĩa chê bai. Xét kĩ nguyên nhân, có khả năng bắt nguồn từ món đồ chơi “bất
đảo ông” 不倒翁
(con lật đật). Món
đồ chơi này phần trên thì nhỏ, phần dưới thì lớn, tạo hình lúc ban đầu là hình
dạng một ông lão chọc cho người ta vui, ông lão này luôn lúc lắc, đứng không vững,
nhưng lắc cỡ nào cũng không ngã. Thế là người ta căn cứ vào đặc điểm này, gọi
những người không kiên trì chân lí, lập trường không vững vàng là “bất đảo
ông”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/9/2019
Nguồn
TRUNG
QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn
Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật