Dịch thuật: Trung thu tiết (kì 3)

TRUNG THU TIẾT
(kì 3)

Những biệt xưng của Trung thu tiết
          Căn cứ theo lịch pháp Trung Quốc, tháng 8 âm lịch là giữa mùa thu, là tháng thứ 2 của mùa thu, gọi là “Trọng thu” 仲秋, còn ngày 15 tháng 8 lại là giữa “Trọng thu”, cho nên gọi là “Trung thu” 中秋.
          Trung thu tiết có nhiều biệt xưng:
          - Nhân vì thời kì của tiết là tại 15 tháng 8, cho nên gọi là “Bát nguyệt tiết” 八月节, “Bát nguyệt bán” 八月半.
          - Nhân vì hoạt động chủ yếu trong Trung thu tiết đều vây quay mặt trăng mà tiến hành, cho nên lại tục gọi là “Nguyệt tiết” 月节, “Nguyệt tịch”月夕.
          - Trung thu tiết trăng tròn đầy tượng trưng cho đoàn viên, nhân đó mà gọi là “Đoàn viên tiết” 团圆节.
          - Tại triều Đường, Trung thu tiết còn được gọi là “Đoan chính nguyệt” 端正月.
          Những ghi chép về Đoàn viên tiết thấy sớm nhất vào đời Minh. Trong Tây hồ du lãm chí dư西湖游览志余 có nói:
         Bát nguyệt thập ngũ vị Trung thu, dân gian dĩ nguyệt bính tương tống, thủ đoàn viên chi ý.
          八月十五谓中秋, 民间以月饼相送, 取团圆之意
          (Ngày 15 tháng 8 gọi là Trung thu, trong dân gian dùng bánh có dạng hình tròn như mặt trăng tặng cho nhau, lấy ý nghĩa là đoàn viên. Trong Đế kinh cảnh vật lược 帝京景物略 cũng có nói:
          Bát nguyệt thập ngũ tế nguyệt, kì bính tất viên, phân qua tất nha thác, biện khắc như liên hoa. ..... Kì hữu phụ quy ninh giả, thị nhật tất phản phu gia, viết Đoàn viên tiết dã.
          八月十五祭月, 其饼必圆, 分瓜必牙错, 瓣刻如莲花. ..... 其有妇归宁者, 是日必返夫家, 曰团圆节也.
          (Ngày 15 tháng 5 cúng trăng, bánh phải có dạng hình tròn, bổ dưa phải so le có hình cánh sen. ..... Nếu phụ nữ đã xuất giá thì về lại nhà mẹ đẻ để thăm, nhưng nội ngày đó phải trở lại nhà chồng, gọi Đoàn viên tiết)

Truyền thuyết thần thoại Trung thu tiết
Thường Nga bôn nguyệt
          Thời viễn cổ, trên trời xuất hiện 10 mặt trời, nóng đến nỗi mùa màng cây cỏ chết khô, dân không tài nào sống được. Một vị anh hùng tên Hậu Nghệ 后羿, có sức mạnh vô cùng, vì thương cảm bách tính nên kéo cung bắn rơi 9 mặt trời, đồng thời nghiêm lệnh cho một mặt trời cuối cùng phải đúng giờ mà mọc lặn, tạo phúc cho dân. Vợ của Hậu Nghệ tên Thường Nga 嫦娥, Hậu Nghệ ngoài việc truyền dạy nghề săn bắn ra, suốt ngày ở bên cạnh vợ. Không ít chí sĩ mộ danh tiếng đến xin học nghề. Bàng Mông 蓬蒙 (1) tâm thuật bất chính cũng trộn lẫn vào trong số đó.
          Ngày nọ, Hậu Nghệ đến Côn Luân 昆仑 thăm bạn cầu đạo, xin được một gói thuốc bất tử của Vương Mẫu 王母. Theo truyền thuyết, người nào uống thuốc này vào thì có thể ngay lập tức bay lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nở bỏ vợ, tạm thời đem thuốc bất tử giao cho vợ cất giữ. Thường Nga giấu gói thuốc  trong hộp bách bảo để nơi bàn trang điểm. Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn đồ đệ ra ngoài đi săn, Bàng Mông quỷ quyệt giả vờ bệnh không đi, Chẳng bao lâu sau, khi đợi Hậu Nghệ dẫn đồ đệ đi, Bàng Mông cầm kiếm xông vào hậu viện, uy hiếp Thường Nga giao thuốc bất tử. Thường Nga biết mình không phải là đối thủ của Bàng Mông, trong lúc nguy cấp, Thường Nga xoay người mở hộp bách bảo, lấy gói thuốc bất tử nuốt đi. Sau khi nuốt, thân thể Thường Nga liền rời khỏi mặt đất, bay hướng về cửa sổ rồi bay thẳng lên trời. Do bởi Thường Nga nhớ chồng nên đã đáp xuống mặt trăng cách nhân gian gần nhất hoá thành tiên.
          Chiều tối, Hậu Nghệ về lại nhà, các thị nữ khóc lóc kể lại sự tình phát sinh lúc ban ngày, Hậu Nghệ vừa kinh sợ vừa giận, cầm kiếm đi giết chết tên ác đồ. Bàng Mông sớm đã chạy thoát, Hậu Nghệ giận đến mức vò đầu giậm chân, đau khổ vô cùng, ngẩng nhìn lên trời đêm gọi Thường Nga. Lúc bấy giờ Hậu Nghệ phát hiện, trăng đêm nay vô cùng sáng, có một chiếc bóng cực giống Thường Nga đang lay động. Hậu Nghệ nhớ đến vợ, bèn sai người đến hậu hoa viên nơi mà Thường Nga rất thích, bày hương án, đặt những hoa quả bánh mứt mà thường ngày Thường Nga thích ăn, vọng tế Thường Nga nơi cung trăng. Bách tính sau khi biết tin Thường Nga bay lên mặt trăng hoá thành tiên, cũng tấp nập  bày hương án dưới trăng, hướng đến Thường Nga cầu xin bình an cát tường. từ đó, phong tục bái nguyệt vào Trung thu tiết lan truyền trong dân gian. 
                                                                                                (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Bàng Mông蓬蒙:
          蓬蒙 (bính âm là páng méng) cũng được viết là 逢门, 蠭门, người giỏi bắn tên đời Hạ.
          Chúng ta tra tự điển đều dùng theo “Hán ngữ” hiện đại, nhưng nếu tra theo từ điển Hán ngữ cổ sẽ phát hiện chữ ngoài bính âm féng (âm Hán Việt là “phùng” - ND) ra, còn có mục:
          páng: tính. Cổ hữu 逢蒙. (là một họ. Thời cổ có Bàng Mông.)
 Xem Mạnh Tử - Li Lâu hạ 孟子 - 离娄下.
Có thể thấy, 逢蒙 là chính xác, nhưng tính và tính cùng một gốc, thực tế cũng là cùng một tính, có lúc dùng thông nhau. Thậm chí trong các sách cổ tồn tại đồng thời hai cách viết, nên không thể cho là viết sai.
          Trong Mạnh Tử - Li Lâu hạ 孟子 - 离娄下  ghi rằng:
          Bàng Mông học xạ vu Nghệ, tận Nghệ chi đạo, tư thiên hạ duy Nghệ dũ kĩ, ư thị sát Nghệ.
          逢蒙學射於羿, 盡羿之道, 思天下唯有羿愈己, 於是殺羿
          (Bàng Mông học bắn tên ở Nghệ, học hết kĩ thuật bắn của Nghệ, nghĩ rằng trong thiên hạ chỉ có Nghệ là hơn mình, thế là giết Nghệ.)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 13/9/2019
                                                       Tết Trung thu năm Kỉ Hợi

Nguồn
Previous Post Next Post