LINH XUÂN NHẤT CHU
LÃO, ĐAN QUẾ NGŨ CHI PHƯƠNG
Đậu Yên
Sơn 窦燕山 nguyên
danh là Đậu Vũ Quân 窦禹钧, nhân vật triều Hậu Tấn thời Ngũ Đại. Trong Tam tự kinh 三字经 có
câu:
Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương, giáo ngũ
tử, danh câu dương.
窦燕山,
有义方, 教五子, 名俱扬
(Đậu Yên Sơn, là người rất có đạo lí, dạy 5 người con,
tất cả đều nổi tiếng)
Thành tựu
của Đậu Vũ Quân ở chỗ phương pháp giáo dục con cái rất tốt. Quê hương của Đậu
Yên Sơn là Ngư Dương 渔阳 Kế Châu 蓟州, cũng chính là huyện
Kế 蓟 thành
phố Thiên Tân 天津 hiện
nay (nguyên thuộc huyện trị Tuân Hoá 遵化 Hà Bắc 河北, năm 1976 quy hoạch
về huyện Kế). Trong khu vực huyện Kế hiện tồn mộ và bia Đậu Vũ Quân. Thời cổ,
Ngư Dương thuộc nước Yên 燕, vùng Yên sơn 燕山, nhân đó người đời sau gọi Đậu Vũ Quân là Đậu Yên
Sơn.
Đậu Yên
Sơn xuất thân trong một gia đình giàu có, là phú hộ nổi tiếng cả vùng. Truyền
thuyết kể rằng, Đậu Yên Sơn lưc đầu là người không tốt, ỷ thế bức hiếp người
nghèo. Người nghèo đến vay lương thực, đong ra ông dùng đấu nhỏ, khi thu vào
dùng đấu lớn, gạt mọi người, làm những việc ám muội. Do bởi làm những việc thất
đức nên đã 30 tuổi mà vẫn không có con. Một đêm nọ Đậu Yên Sơn nằm mộng, thấy
người cha đã qua đời hiện về nói với ông:
- Con tâm thuật không tốt, tâm đức không ngay, tiếng ác đầy cả thiên tào,
nếu không hối cải những lỗi lầm, làm lại từ đầu, không chỉ cả đời không có con,
mà vận mệnh cũng rất ngắn ngủi. Con mau sửa chữa sai lầm, làm những điều thiện,
tích góp âm đức, chỉ có như thế mới cứu vãn được ý trời, gặp được điều may.
Từ đó,
Đậu Yên Sơn ngầm hạ quyết tâm, sửa chữa những lỗi lầm, không làm những việc thất
đức nữa. Đậu Yên Sơn lập tư thục trong nhà, mời các danh sư đến dạy. Những nhà
nghèo khó, do bởi không có tiền gởi con đến học, ông chủ động đón nhận, không
thu học phí. Tóm lại, từ đó trở đi, Đậu Yên Sơn dường như đã đổi thành người mới,
chu cấp cho người nghèo, làm lợi cho mọi người, tạo điều kiện thuận lợi cho họ,
tích góp âm đức, được mọi người khen ngợi.
Đậu Yên
Sơn tính tình lương thiện. Có một người giúp việc lấy trộm 200 ngàn tiền, sợ bị
phát hiện nên đã viết giấy đem con gái 12 tuổi của mình bán cho nhà họ Đậu để bồi
hoàn số tiền đã lấy, rồi trốn đi mất. Đậu Yên Sơn thấy bé gái đáng thương, thu
nhận làm con nuôi. Sau khi thành niên, chọn cho rể tốt đồng thời lúc bồi giá tặng
thêm cho 200 ngàn tiền. Buổi tối mồng 1 tháng Giêng, Đậu Yên Sơn đi chơi ở chùa
Diên Khánh 延庆, nhặt được 200 lượng bạc, 30 lượng vàng. Đợi một lúc
lâu không thấy chủ bị mất đến tìm. Hôm sau, ông lại mang vàng bạc đã nhặt được
đến chùa Diên Khánh đợi. Gia nghiệp của Đậu Yên Sơn giàu có, thường giúp đỡ người
nghèo, giúp 27 hộ có quan quách để mai táng, giúp 28 hộ việc cưới gã, giúp mấy
chục hộ duy trì việc làm ăn mua bán, riêng việc tiếp tế củi gạo cho người nghèo
thì nhiều vô kể. Về sau vợ của ông lần lượt sinh được 5 người con. Ông đem hết
tâm trí dạy dỗ các con, không chỉ chú ý đến sức khoẻ mà còn chú ý đến việc học
tập và tu dưỡng phẩm đức. Dưới sự bồi dưỡng của ông, cả 5 người con đều hữu dụng
thành tài, trước sau đều thi đỗ.
Đương
thời vị Thị lang tên là Phùng Đạo 冯道 làm tặng Đậu Yên Sơn bài thơ:
Yên Sơn Đậu thập lang
Giáo tử hữu nghĩa phương
Linh xuân nhất chu lão
Đan quế ngũ chi phương
燕山窦十郎
教子有义方
灵椿一株老
丹桂五枝芳
(Đậu thập lang ở Yên Sơn
Dạy con rất có đạo lí
Một cội linh xuân già
Trổ ra 5 cành quế thơm)
“Đan quế
ngũ chi phương” nói ở đây chính là sự đánh giá và khen ngợi “ngũ tử đăng khoa”
của nhà họ Đậu.
Đậu Yên
Sơn có 5 người con, gia giáo rất nghiêm, ông dựng 40 gian thư phòng, số sách đến
cả ngàn quyển, mời kẻ sĩ có văn tài đức hạnh đến làm thầy dạy học. Học giả có
chí của bốn phương nghe tiếng tìm đến. Cả 5 người con của ông thông minh dĩnh
tuệ, văn hạnh đều ưu tú, người đương thời khen là “Đậu thị ngũ long” 窦氏五龙.
- Con trưởng tên Nghi 仪, tự Khả Tượng 可象,
đỗ Tiến sĩ năm Thiên Phúc 天福 thứ 6 triều Hậu Tấn thời Ngũ Đại (năm 941).Thời Hậu
Hán, làm Lễ bộ Viên ngoại lang. Thời Hậu Chu, làm Hàn lâm học sĩ, Binh bộ Thị
lang. Thời Bắc Tống nhậm chức Công bộ Thượng thư kiêm Phán Đại lí tự. Năm Kiến
Long 建隆 thứ
3 thời Bắc Tống (năm 962), phụng mệnh chủ soạn Kiến Long trùng đính hình thống 建隆重订刑统 (tức
Tống hình thống 宋刑统) 30 quyển, Kiến Long biên sắc 建隆编敕 4 quyển. Năm Càn Đức 乾德 thứ 4 thời Bắc
Tống (năm 966), bị bệnh và qua đời. Tống Thái Tổ tặng Hữu bộc dạ (1).
- Con
thứ tên Nghiễm 俨, tự Vọng Chi 望之,
đỗ Tiến sĩ năm Thiên Phúc 天福 thứ 6 triều Hậu Tấn, nhậm chức Sử quan các triều Hậu Tấn,
Hậu Hán, Hậu Chu. Thời Hậu Tấn, định triều hội nhạc chương, ca vũ cùng cổ xuý tất
cả là 12 án. Đầu thời Hậu Chu, tu đính Tam
Tổ thực lục三祖实录 gồm Cao Tổ 高祖, Thiếu Đế 少帝 triều Hậu Tấn cùng Cao Tổ高祖triều
Hậu Hán. Năm Hiển Đức 显德 thứ 4 triều Hậu Chu, Nghiễm dâng sớ trình bày
6 cương trị nước “Lễ, nhạc, hình, chính,
khuyến nông, kinh vũ” 礼, 乐, 刑, 政, 劝农, 经武, Chu Thế Tông 周世宗 thu
nạp. Năm Kiến Long 建隆 nguyên
niên thời Bắc Tống (năm 960), nhậm Lễ bộ Thị lang, phụng chỉ soạn định từ tự nhạc
chương, thuỵ hiệu tông miếu. Trứ thuật của ông có Chu chính nhạc 周正乐120 quyển, Văn tập
文集70 quyển.
- Con
thứ 3 tên Khản 侃, văn tài phẩm hạnh đều ưu tú, đỗ Tiến sĩ năm Thiên
Phúc 天福 thứ 6 triều Hậu Tấn. Thời Hậu Chu giữ chức Khởi cư
lang.
- Con tứ
4 tên Xứng 偁, tự Viết Chương 曰章,
tính tình cương trực không xu nịnh, đậu Tiến sĩ năm Càn Hựu 乾祐thứ 2 triều Hậu Hán. Năm Thái Bình Hưng Quốc 太平兴国thứ 5 thời Tống (năm 980), bái làm Binh bộ lang trung,
ra sức lấy chủ trương “hưu binh mục mã, dĩ từ đồ chi” 休兵牧马,以徐图之 (dưỡng binh
nuôi ngựa, từ từ tính việc đó) để ngăn Tống Thái Tổ bắc chinh, được thu nạp,
ban cho làm Xu mật Trực học sĩ. Hậu sung chức Tả gián nghị đại phu, nhậm Tham
tri chính sự. Mùa thu năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 (năm 982) ông qua đời, Tống
Thái Tông đích thân đến viếng, tặng Công bộ Thượng thư.
- Con
thứ 5 tên Hi 僖, nhậm chức Tả bổ khuyết thời Bắc Tống, làm quan thanh
liêm, nổi tiếng khắp trong thành ngoài nội.
Chú của người dịch
1- Hữu bộc dạ: Chữ 射 âm DẠ bính âm ye (thanh 4)
Chú của người dịch
1- Hữu bộc dạ: Chữ 射 âm DẠ bính âm ye (thanh 4)
Khang Hi tự điển康熙字典 ghi
rằng:
Hựu “Quảng vận” DƯƠNG TẠ thiết. “Tập vận” “Vận
hội” “Chính vận” DI TẠ thiết, tịnh âm DẠ. Bộc dạ, Tần quan danh.
又 “廣韻” 羊謝切. “集韻” “韻會” “正韻”夤謝切, 並音夜. 僕夜, 秦官名.
(Và “Quảng
vận” phiên thiết là DƯƠNG TẠ. “Tập vận” “Vận hội” “Chính vận” phiên thiết là DI
TẠ, đều có âm DẠ. “Bộc dạ” là tên chức quan đời Tần.)
Trong Hán quan nghi 漢官儀chú rằng:
Bộc, chủ dã. Cổ giả trọng võ sự, mỗi quan tất hữu chủ dạ đốc khoá chi,
cố danh.
僕, 主也. 古者重武事, 每官必有主射督課之, 故名.
(Bộc là
chủ. Thời cổ trọng bên võ, mỗi chức quan đều có chủ dạ để giám sát đôn đốc, cho
nên có tên như thế.)
Sư Cổ 師古 nói rằng:
射 bổn như tự độc, kim âm dạ, cái quan trung ngữ chuyển
vi thử âm dã.
射本如字讀, 今音夜, 蓋關中語轉為此音也.
(射 vốn đọc theo chữ của nó, nay có âm là “dạ”, ấy là do
vùng quan trung âm chuyển đổi đọc như thế.)
Chu Tử 朱子 nói rằng:
“Lễ”: Bộc nhân sư phù tả, Dạ nhân sư phù
hữu.
禮,
僕人師扶左, 射人師扶右.
(Trong “Lễ kí” có nói: Bộc nhân sư dìu bên phải, Dạ
nhân sư dìu bên trái.)
Trong Chu quan 周官có ghi:
Thái bộc chi chức
大僕之職
(Chức quan Thái bộc)
Tên gọi Bộc dạ khởi nguồn từ đây.
Hán Hiến
Đế 漢獻帝 bắt
đầu phân ra đặt Tả, Hữu bộc dạ 左右僕射. Thời Đường đổi gọi
là Tả Hữu khuông chính 左右匡政, sau lại đổi gọi
Tả hữu tướng 左右相.
(Hán ngữ đại từ điển xuất bản
xã, 2003, trang 233)
Huỳnh Chương
Hưng
Quy Nhơn 01/9/2019
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật