Dịch thuật: Trung nguyên tiết (tiếp theo)

TRUNG NGUYÊN TIẾT
(tiếp theo)

Trung nguyên tiết tam tục hợp nhất
          Mọi người thường cho rằng, Trung nguyên tiết cũng tức là “Vu lan bồn tiết”; kì thực nhận thức này tồn tại rất nhiều sai lầm. Nói một cách chính xác, Thất nguyệt thập tứ Tế tổ tiết, Trung nguyên tiết và Vu lan bồn tiết được phân ra là tục tín dân gian, Đạo giáo và Phật giáo, cả 3 có quan hệ với nhau chứ không phải là danh xưng khác nhau của một tiết nhật. Từ sau khi Đạo giáo hưng khởi, 2 chữ “Trung nguyên” 中元 trong “tam nguyên thuyết” 三元说 vào thời trung và hậu kì nhà Đường được chính thức cố định thành tên gọi của tiết, đồng thời đem tiết kì ấn định vào ngày 15 tháng 7. Tiết nhật này là tiết nhật tam tục hợp nhất.
          Trước khi “Trung nguyên tiết” hình thành, ngày 15 tháng 7 sớm đã được Phật giáo trưng dụng. Tháng 7 theo Phật giáo, nguyên là “Phật hoan hỉ nhật” 佛欢喜日, chứ không phải “Quỷ tiết” 鬼节. Nhưng vì sao Vu lan bồn tiết của tháng 7 trở thành “Quỷ tiết”? Vu lan bồn, là dịch âm từ Phạn văn Ulambana, có nghĩa là “cứu đảo huyền” 救倒悬, tức giải cứu những hồn quỷ bị khổ nạn ở địa ngục. Vào thời Nguỵ Tấn, kinh Phật Vu lan bồn kinh 盂兰盆经 được phiên dịch truyền vào Trung Quốc, trong kinh có câu chuyện “Mục Liên cứu mẫu” 目连救母, đã ngầm hợp với quan niệm đạo hiếu vẫn tồn tại lúc bấy giờ, về sau được Lương Vũ Đế Tiêu Diễn 梁武帝萧衍thời Nam triều đề xướng “tam giáo đồng nguyên thuyết” 三教同源说, đem tiết nhật đó định thành một tiết nhật dân tục. Công năng chủ yếu lúc bấy giờ là cung phụng Phật Tổ. Đến đời Tống mới phát sinh biến hoá, phát triển thành “tiến vong độ quỷ” 荐亡度鬼. Không biết là trùng hợp hay là Đạo giáo phụ hoạ “Vu lan bồn tiết” của Phật giáo, Trung nguyên tiết và Vu lan bồn tiết đều thiết định vào ngày 15 tháng 7. Cho đến hậu thế sau này vẫn cho rằng, cả 2 là hai danh xưng của cùng một tiết nhật. Đồng thời cũng do bởi ý nghĩa và tập tục sớm đã khó phân định, tập tục của cả 2 bắt đầu dùng lẫn lộn.
Sự phát triển lịch sử của Trung nguyên tiết
          Nhìn từ những ghi chép trong sách vở, hoạt động tế tổ vào mùa thu đã có từ thời Tiên Tần. Tập tục Thất nguyệt bán tế tổ vốn là sản vật văn hoá bản địa, tiết tục bao hàm trong đó tương đối phức tạp, vừa là thu thường tế tổ tiết của dân gian, lại là Trung nguyên tiết của Đạo gia, Vu lan bồn tiết của Phật giáo, tục Đạo Tăng tam lưu hợp nhất. Trong dân gian có truyền thống “thận chung truy viễn” 慎终追远 (1), cho nên cần tế tổ, nghi thức tế bái thường là cử hành vào trung tuần tháng 7. Như trong Phổ Ninh huyện chí 普宁县志 thời Càn Long 乾隆nhà Thanh có ghi:
          Tục vị tổ khảo hồn quy, hàm cụ thần y, tửu soạn dĩ tiến, tuy bần vô cảm khuyết.
          俗谓祖考魂归, 咸具神衣, 酒馔以荐, 虽贫无敢缺
          (Tục cho là hồn của tổ khảo trở về, chuẩn bị đầy đủ áo giấy, rượu, thức ăn để dâng lên, nhà tuy nghèo nhưng không dám thiếu)
          Trong tế phẩm, áo giấy là thứ không thể thiếu. Nhân vì tháng 7 cái nóng bắt đầu dứt, cần phải có áo để chống rét, ở nhân gian thì:
Thất nguyệt lưu Hoả, cửu nguyệt thụ y  (2)
七月流火, 九月授衣
(Tháng 7 sao Đại hoả xuống thấp, tháng 9 may áo chống rét)
          Thời cổ, Trung nguyên tiết không chỉ mang ý nghĩa quan trọng về độ tín ngưỡng, mà về phương diện thế tục, cũng là tiết nhật có công năng vui chơi được quần chúng tham dự rất đông... (trích)   (hết).

Chú của người dịch
1- Thận chung truy viễn慎终追远:
          Câu này xuất xứ từ thiên Học nhi 学而 trong Luận ngữ 论语:
          Tăng tử viết: Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ.
          曾子曰: 慎终追远, 民德归厚矣
          (Thận trọng trong tang lễ cha mẹ, tưởng nhớ đến tổ tiên đời trước, việc đó sẽ khiến bách tính đi đến chỗ trung hậu thành thực)
2- Lưu Hoả 流火: Đại hoả tinh từ hướng nam cao đi dần  xuống hướng tây thấp.
          Thụ y 授衣: cắt may áo rét. Mã Thuỵ Thần 马瑞辰trong Mao thi truyện tiên thông thích 毛诗传笺通释có nói:
          “Phàm nói “thụ y” là đều giao việc làm áo. Thụ y ở đây, cũng là nói là giao việc làm áo. Tháng 9 công việc của phụ nữ đã xong, việc kéo sợi cũng đã hoàn tất, bắt đầu may áo. Không phải nói áo đông vào tháng đó đã thành mà trao áo cho người.”

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 16/8/2019

Nguồn
Previous Post Next Post