LÍ QUẢNG
(kì 4)
MỘT ĐỜI CHINH CHIẾN, ĐÁNG THƯƠNG ĐẾN LÚC
TÓC BẠC
VẪN CHƯA ĐƯỢC PHONG HẦU
Năm 127
trước công nguyên, sau khi Vệ Thanh 卫青 thu phục vùng Hà Sáo 河套,
sự uy hiếp của kị binh Hung Nô đối với kinh thành Trường An 长安được giải trừ. Việc phòng ngự khu vực phương bắc của
triều Hán được tăng cường. Nhưng, thực lực của Hung Nô chưa bị suy yếu, chiến
tranh vẫn thường xảy ra.
Năm 123
trước công nguyên, Lí Quảng được điều về Trường An, nhậm chức Lang trung lệnh 郎中令 , phụ
trách Thủ vệ cấm quân 守卫禁军, là “một trong lục
khanh”. Khoảng giữa mùa xuân mùa hạ, Lí Quảng lại theo Đại tướng quân Vệ Thanh
đồn trú tại Định Tương 定襄, Vân Trung 云中, Nhạn Môn 雁门, từng hai lần xuất
chinh tấn công Hung Nô. Trong hai lần xuất chinh đó, quân Hán và Hung Nô mỗi
bên thắng thua một nửa.
Lúc bấy
giờ, Trương Khiên 张骞lần đầu tiên đến Tây vực đã trở về lại triều Hán, đem
phong tục, sản vật của Tây vực trình bày một cách tường tận cho Hán Vũ Đế 汉武帝 nghe.
Để câu thông việc giao thông giữa đông và tây, Hán Vũ Đế từng bước liên hợp Tây
vực, cùng đối phó Hung Nô, lại tổ chức đại chiến dịch lần thứ 2, đó cũng chính
là Hà Tây chiến dịch 河西战役.
Mùa
xuân năm 121 trước công nguyên, Hán Vũ Đế mệnh Phiêu kị tướng quân Hoắc Khứ Bệnh
骠骑将军霍去病 thống
lĩnh 1 vạn tinh kị, từ Lũng Tây 陇西xuất chinh, liên tục
chuyển khu vực chiến đấu trong 6 ngày, trước sau đánh 5 bộ lạc Hung Nô, lại vượt
qua núi Yên Chi 焉支 giong
thẳng hơn 1000 dặm, thông qua tập kích làm tổn hại đại quân Hung Nô.
Mùa hạ,
Hán Vũ Đế xuất 2 lộ đại quân, hướng đến Hung Nô phát động thế tấn công đại quy
mô. Một lộ do Lí Quảng 李广 và Trương Khiên 张骞 thống lĩnh,
phía bắc từ quận Hữu Bắc Bình 右北平xuất phát, nhắm hướng
tây vu hồi, phụ trách nhiệm vụ kiềm chế kị binh Hung Nô; lộ còn lại do Hoắc Khứ
Bệnh 霍去病 và
Công Tôn Ngao 公孙敖 thống
lĩnh quân chủ lực, từ quận Bắc Địa 北地 xuất chinh, tấn công Hà Tây 河西.
Sau khi
xuất phát từ quận Hữu Bắc Bình, Lí Quảng dẫn 4000 tinh kị đi trước, Trương
Khiên dẫn 1 vạn kị binh ở phía sau tiếp ứng, 2 đội quân cách nhau mấy trăm dặm.
Ngày nọ, Lí Quảng đột nhiên bị 4 vạn kị binh Hung Nô bao vây. Người Hung Nô
kiêu dũng thiện chiến, từ nhỏ đã giỏi cưỡi ngựa bắn cung, ai nấy cũng đều trải
qua trăm trận chiến đấu.
Người
Hán đối với kị binh Hung Nô vẫn còn tâm lí lo sợ, mặc dù trải qua nhiều năm chiến
tranh từ thời Hán Vũ Đế tới nay, và tình hình đã có sự chuyển biến. Bị kị binh
Hung Nô đông gấp chục lần bao vây, sĩ khí của kị binh Lí Quảng vô cùng suy giảm.
Nhằm cổ vũ ý chí chiến đấu của quân sĩ, Lí Quảng sai con là Lí Cảm 李敢 dẫn
mấy chục người xông vào đội ngũ kị binh Hung Nô, liều mở huyết lộ đi báo tin.
Để nâng
cao sĩ khí, Lí Cảm quay đầu lại hướng đến Lí Quảng lớn tiếng thét rằng:
- Kị binh Hung Nô không có gì đáng sợ!
Quả
nhiên câu nói đó có hiệu quả, quân tâm của quân Hán dần ổn định lại.
Lí Quảng
hạ lệnh bày binh thành vòng tròn, lưng quay vào trong, mặt hướng ra ngoài, trận
thế nghiêm chỉnh chờ đợi. Hung Nô lập tức phát động tấn công, tên bắn ra như
mưa. Quân Hán quả bất địch chúng, bốn phía thọ địch, kết quả tổn thất quá nửa,
tên cũng bắn sắp hết.
Lí Quảng
truyền lệnh quân sĩ, tên lắp sắn sàng, nhắm chuẩn mục tiêu, nhưng không cho bắn.
Lí Quảng dùng nỏ Đại Hoàng 大黄 (1) bắn
ra, bắn chết mấy phó tướng Hung Nô ở hàng đầu. Kết quả, thế công của Hung Nô dần
giảm xuống. Trời tối, cuộc chiến đình chỉ.
Trải
qua một ngày giao chiến, kị binh bên cạnh Lí Quảng đã ít, một số
Khiếp sợ đến nỗi sắc mặt như sắc đất. Lí Quảng kiểm điểm
quân số, bố trí trận thế mới, chuẩn bị ngày hôm sau tái chiến.
Ngày
hôm sau trời vừa mới sáng, trận chiến đã bắt đầu. Kị binh Hung Nô phát động tấn
công mãnh liệt như muốn tiêu diệt hết quân Hán. Quân Hán liều chết chống lại.
Hai bên đều tổn thất rất lớn. Lúc này, Trương Khiên và Lí Cảm dẫn 1 vạn kị binh
chạy tới. Hung Nô cho rằng rất khó mà giành được thắng lợi, bèn chủ động rút
lui. Quân Hán cũng không dám truy sát, đành thu binh.
Trong
trận chiến hai bên quân đông quân ít khác nhau, Lí Quảng và Trương Khiên dùng
binh lực yếu kềm chế binh lực mạnh của
Hung Nô, tạo điều kiện cho thắng lợi của Hoắc Khứ Bệnh ở phía tây.
Sau khi
Hoắc Khứ Bệnh và Công Tôn Ngao xuất chinh, Công Tôn Ngao lạc đường, không hội
sư được với Hoắc Khứ Bệnh. Hoắc Khứ Bệnh thống lĩnh cánh quân đơn lẻ thâm nhập,
đi hơn 2 ngàn dặm, đến đầm Cư Diên 居延, vượt qua Tiểu Nguyệt
Chi 小月氏 thâm
nhập dưới núi Kì Liên 祁连. Hoắc Khứ Bệnh dẫn
quân đánh bại kị binh Hung Nô, bắt được quý tộc Hung Nô cùng trưởng quan hơn
3200 người, sát thương hơn 3 vạn người Hung Nô.
Trải
qua chiến dịch Hà Tây, quân Hán thu phục được đại bộ phận khu vực Hà Tây, mở ra
con đường từ Hà Tây đi thông đến Tây vực, tạo điều kiện cho mối quan hệ liên
minh giữa triều Hán và Tây vực phát triển.
Trong
chiến dịch Hà Tây, Hoắc Khứ Bệnh lập đại công, được Hán Vũ Đế gia phong 5000 hộ.
Lúc bấy giờ, địa vị của Hoắc Khứ Bệnh với Đại tướng Vệ Thanh bất phân cao thấp,
mà chỉ mới có 20 tuổi. Còn Lí Quảng bị hãm vào trùng vây, tổn thất trầm trọng.
Mặc dù Lí Quảng cũng gây tổn hại cho kị binh Hung Nô, nhưng, công tội ngang
nhau. Trương Khiên và Công Tôn Ngao do bởi sai lầm quân cơ, theo quân pháp phải
xử tử, nhưng họ bỏ tiền bỏ thóc ra để chuộc tội được miễn chết.
Lúc bấy
giờ, Lí Quảng tóc râu đều đã bạc trắng. Một đời đánh trận mà lại chưa được
phong Hầu. Lí Quảng lúc về già, đối với việc chưa được phong Hầu luôn cánh cánh
trong lòng, cảm khái muôn phần.
Lí Quảng
có một người anh em thúc bá tên Lí Thái 李蔡.
Lí Quảng và Lí Thái đều nổi tiếng thời Hán Văn Đế 汉文帝.
Đến thời Hán Cảnh Đế 汉景帝, Lí Quảng được
thăng làm Tướng quân, sau nhậm chức Thái thú Hữu Bắc Bình 右北平. Lí Thái vào năm 124 trước công nguyên theo Đại tướng
quân Vệ Thanh xuất chinh, lập công được phong là An Lạc Hầu 安乐侯.
Năm 121
trước công nguyên, Lí Thái làm Thừa tướng, trở thành vị trưởng quan cao nhất
trong cả nước, liệt vào hàng “tam công”. Địa vị cách Lí Quảng rất xa, ngồi
ngang hàng với Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh. Nhưng, luận về tài năng, Lí Thái chỉ từ
hạng trung bình trở xuống; luận về uy vọng, cách Lí Quảng rất xa. Hơn nữa, bộ hạ
của Lí Quảng cũng có đến mấy chục người được phong Hầu.
Sự kiện
đó khiến Lí Quảng vô cùng bất mãn. Ngày nọ, Lí Quảng nói với bạn bè rằng:
- Từ lúc đánh trận với Hung Nô, lần nào mà tôi
không tận lực đâu? Bộ hạ của tôi quan giai rất thấp, tài năng bình thường,
nhưng được phong Hầu có đến
mấy chục người.
Chiến công tôi lập được so với họ không ít, tại sao không được phong Hầu? Lẽ
nào tôi không lập được công? Lẽ nào tướng mạo của tôi không thể phong Hầu?
Lí Quảng
ngoài kiêu dũng thiện xạ ra, về việc trị quân, ông yêu quân như con, thân luôn
đi trước sĩ tốt, cùng với quảng đại tướng sĩ đồng cam cộng khổ. Lí Quảng làm
quan thanh liêm, những vật phẩm được ban thưởng ông đều chia đều cho bộ hạ. Lí
Quảng làm quan cao 2000 thạch được bốn mươi mấy năm, nhưng lại rất nghèo. Trong
quân doanh, Lí Quảng chẳng có được sự đãi ngộ đặc biệt nào. Khi hành quân, gặp
phải lúc cấp dưỡng không đủ, có được nước, ông là người luôn uống sau cùng, khi
ăn cơm, ông cũng là người luôn ăn sau cùng.
Lí Quảng
đối với bộ hạ khoan hậu nhân từ, cho dù có gặp phải tình huống gì. Khi tác chiến,
ông xông lên phía trước, nơi nào nguy hiểm liền xông tới nơi đó. Vì Lí Quảng
yêu quân như con, phẩm đức cao thượng, nên ông được quảng đại sĩ binh chân
thành kính yêu, họ đều bằng lòng làm sĩ binh của ông.
Sau khi
chiến dịch Hà Tây kết thúc, thế lực Hung Nô suy yếu, người Hung Nô bị bức tháo
chạy đến phía bắc sa mạc rộng lớn. Thiền vu Hung Nô cho rằng đường xá xa xôi,
quân Hán không thể vượt qua đại sa mạc, bèn tiếp tục dẫn quân tập kích các quận
Hữu Bắc Bình, Định Tương. Hán Vũ Đế quyết tâm phát khởi chiến dịch mạc bắc,
tiêu diệt quân chủ lực Hung Nô. Đó là đại chiến dịch lần thứ 3 của triều Hán đối
với Hung Nô.... (còn tiếp)
Chú của người
dịch
1- Nỏ Đại Hoàng:
tức Đại Hoàng nỗ 大黄弩, cũng gọi là Hoàng kiên nỗ 黄肩弩,
một loại binh khí lạnh nổi tiếng của Trung Quốc, được chế tác vào đời Hán. Tướng
sĩ sử dụng nỏ Đại Hoàng phải là người rất cường tráng.
Huỳnh Chương
Hưng
Quy Nhơn 10/8/2019
Nguyên tác
LÍ QUẢNG
李广
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật