Dịch thuật: Xa mã



XA MÃ

          Trong sách cổ chúng ta thường thấy từ “xa mã” 车马 đi chung với nhau, ví dụ như ở Thi kinh – Đường Phong – Sơn hữu xu 诗经 - 唐风 - 山有枢có câu:
Tử hữu xa mã
Phất trì phất khu
子有车马
弗驰弗驱
(Ngài có xe ngựa
Không giong không cưỡi chỉ để đó)
          Và ở Luận ngữ - Công Dã Tràng 论语 - 公冶长:
Nguyện xa mã ý khinh cừu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám.
愿车马衣轻裘, 与朋友共, 敝之而无憾.
          (Mong có được xe ngựa, mặc được áo cừu, cùng bạn bè chung hưởng, cho dù xe có hư, áo có rách cũng không ân hận.)
          Trước thời Chiến Quốc, xe và ngựa đi đôi với nhau. Nói chung, không có xe nào mà không có ngựa (1), cũng không có ngựa nào mà không có xe. Nhân đó, người xưa nói “ngự xa” 御车 cũng chính là “ngự mã” 御马, gọi là “thừa xa” 乘车 cũng chính là “thừa mã” 乘马.
          Ở Luận ngữ - Ung dã 论语 - 雍也 có câu:
Xích chi thích Tề, thừa phì mã, ý khinh cừu.
赤之适齐, 乘肥马, 衣轻裘
((Công Tây) Xích đi sang nước Tề, cưỡi ngựa béo, mặc áo cừu nhẹ)
ở đây là nói đi xe có đóng ngựa mập.
          Thời cổ, đóng 2 ngựa gọi là “biền” , đóng 3 ngựa gọi là “tham” , đóng 4 ngựa gọi là “tứ” . Ở Luận ngữ - Quý Thị 论语 - 季氏 có câu:
Tề Cảnh Công hữu mã thiên tứ
齐景公有马千驷
(Tề Cảnh Công có 1000 cỗ xe ngựa)
ở đây không phải nói Tề Cảnh Công có 4000 con ngựa, mà là nói có 1000 cỗ xe.
          Người xưa nói “phục ngưu thừa mã” 服牛乘马 (đóng trâu vào xe, đóng ngựa vào xe), có thể thấy, ngoài xe ngựa (mã xa 马车) ra còn có xe trâu (ngưu xa 牛车). Xe ngựa thời cổ gọi là “tiểu xa” 小车, dành cho quý tộc đi hoặc dùng trong chiến tranh; xe trâu thời cổ gọi là “đại xa” 大车, nhìn chung dùng để chuyên chở hàng hoá.
          Thùng xe ngựa thời cổ gọi là “dư” , đây là bộ phận dành cho người cưỡi xe. Phía trước và 2 bên của dư lấy ván làm tấm che vây lại, người cưỡi từ phía sau của dư bước lên xe (2).
Luận ngữ - Hương đảng 论语 - 乡党 có nói:
Khổng Tử “thăng xa tất chính lập chấp tuy.”
孔子 升车必正立执绥
(Khổng Tử “khi lên xe thì đứng nghiêm trang cầm dây tuy”)
Tuy chính là sợi dây trên xe, dùng để cho người khi lên xe níu lấy.
          Người xưa “thừa xa” 乘车 là đứng nơi thùng xe (dư ), gọi là “lập thừa” 立乘 (3). Tấm ván 2 bên thùng xe có thể dựa, gọi là “ỷ” (*).
          Thanh gỗ nằm ngang trước thùng xe có thể dùng tay để vịn, gọi là “thức” (cũng viết là ). Người xưa khi đi xe, trên đường đi tay vịn vào thức với tư thế cúi đầu để biểu thị kính lễ. Động tác kính lễ này cũng gọi là “thức” (4), cho nên trong Đàn Cung 檀弓có nói:
Phu Tử thức nhi thính chi
夫子式而听之
(Phu Tử cúi đầu lắng nghe)
          Nhìn chung trên xe có gắn thêm chiếc lọng (xa cái 车盖), chủ yếu là để che mưa, giống như một chiếc dù lớn.
          Vành của bánh xe (xa luân 车轮) gọi là “võng” , chính giữa bánh xe là một khúc gỗ có lỗ gọi là “cốc” (cái bầu giữa bánh xe) (lỗ để xuyên trục xe), võng và cốc là hai vòng tròn đồng tâm. Ở Lão Tử 老子 có câu:
Tam thập bức cộng nhất cốc
三十辐, 共一毂
(30 bức chung một cốc)
Bức là nan hoa, một đầu gắn trực tiếp với võng, đầu kia gắn với cốc, nan hoa chung quanh tập trung ở cốc, gọi là “bức thấu” 辐辏, về sau “bức thấu” dẫn đến nghĩa từ các nơi tập trung về. Ở Hán thư – Thúc Tôn Thông truyện  汉书 - 叔孙通传có nói:
Tứ phương bức thấu
四方辐辏
(Bốn phương tập trung về một chỗ)
          Trục xe (xa trục 车轴) là một thanh rường nằm ngang, bên trên gắn thùng xe, hai bên gắn 2 bánh xe. Hai đầu của trục ló ra khỏi cốc, bên trên chốt một đinh ghim dài khoảng 3, 4 thốn, gọi là “hạt” , (cũng viết là ), nhằm không để cho bánh xe trượt ra ngoài. Hạt là linh kiện rất quan trọng, cho nên trong Hoài Nam Tử 淮南子 có nói:
Phù xa chi năng chuyển thiên lí sở giả, kì yếu tại tam thốn hạt.
夫车之能转千里所者, 其要在三寸辖
(Phàm xe có thể di chuyển ngàn dặm, quan trọng là ở cái chốt (hạt) 3 thốn)
Về sau dẫn đến nghĩa quản hạt 管辖 (quản lí).
          Đầu tận cùng của trục xe ló ra khỏi cốc, vào thời cổ có danh xưng đặc định, gọi là “vệ” (cũng viết là ), còn gọi là “quỹ” . Trong Thi kinh – Bội phong – Bào hữu khổ diệp 诗经 - 邶风 - 匏有苦叶có câu:
Tế doanh bất nhu quỹ
济盈不濡轨
(Đi qua chỗ nước nhiều mà đầu trục xe không ướt)
Người xưa thường “thừa xa độ thuỷ” 乘车渡水 (vượt xe qua chỗ có nước), đó là nói nước tuy nhiều nhưng hoàn toàn không ướt tới đầu trục xe, ý là mức nước chưa tới nửa bánh xe. Một ý nghĩa khác của “quỹ” là chỉ cự li giữa 2 bánh xe của một xe, dẫn đến nghĩa dấu vết của hai bánh lăn trên đất bùn, còn gọi là “triệt” . Trong Lễ kí – Trung dung 礼记 - 中庸 có nói:
Kim thiên hạ xa đồng quỹ
今天下车同轨
(Nay xe trong thiên hạ đồng quỹ)
ở đây hoàn toàn không phải như có người đem dấu vết bánh xe trong thiên hạ lớn nhỏ đều quy định lại, mà là quy định thống nhất về thước tấc của xe, khi xe thước tấc đã thống nhất, thì “quỹ triệt” 轨辙 của xe tự nhiên sẽ nhất trí. ...
                                                                                    (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Đương nhiên, ngoài xe ngựa ra còn có xe trâu.
2- Cho nên kiệu ở đời sau cũng gọi là “kiên dư” 肩舆.
3- Ở đây căn cứ ghi chép trong sách cổ. Gần đây tham khảo thêm ở những khai quật, biết được thùng xe thời thượng cổ có hình vuông, có loại hình chữ nhật, cũng có loại hình lục giác, có loại chung quanh có lan can cao, phía sau chừa một lối để tiện lên xuống.
4- Nhưng “phụ nhân bất lập thừa” 妇女不立乘 (phụ nữ không đứng nơi thùng xe), xem Lễ kí – Khúc lễ thượng 礼记 - 曲礼上.
5- Nhưng “binh xa bất thức” 兵车不式 (lúc chiến trận, trên binh xa không phải cúi đầu hành lễ), xem Lễ kí – Khúc lễ thượng 礼记 - 曲礼上.

Chú của người dịch
* Chữ “ỷ” này gốm bộ   bên trái và chữ bên phải.
          Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 có ghi:
     - Bính âm yi (thanh 3) (âm Ỷ - ND)
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là Ư KHỈ 於綺
          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻  phiên thiết là ẨN KHỈ 隱綺
Đều có âm là (ỷ).
Thuyết văn 說文giải thích là
Xa bàng dã
車旁也
(Tấm ván hai bên thùng xe để tựa)
          - Bính âm ji (thanh 4) (âm KỊ - ND)
          Tập vận集韻  phiên thiết là KÌ KÍ 奇寄. Âm (kị)
          Kị là hai bên thùng của binh xa nơi binh sĩ gắn binh khí.
(Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2002, trang 1227)
         
                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 22/7/2019

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012


Previous Post Next Post