“TÍNH” VÀ “THỊ” LÚC BAN ĐẦU CÓ PHẢI LÀ MỘT
Ngày
nay chúng ta thường thấy sau danh sách sắp xếp tên theo thứ tự có câu giải
thích: thứ tự tên không phân trước sau, chỉ theo số nét của tính thị mà sắp xếp.
“Tính thị” 姓氏 ở
đây kì thực là chỉ “tính” 姓, “thị” 氏và “tính” 姓 là một. Ví dụ như “Lí thị” 李氏 “Lưu thị” 刘氏, ý nghĩa là “người tính Lí” “người tính Lưu”. Nhưng
trước thời Tần Hán, “tính” và “thị” được phân biệt một cách nghiêm túc.
Khởi
nguyên của “tính” tương đối xưa, là xưng hiệu đại biểu của một nhóm người có
cùng chung mối quan hệ huyết thống. Tác dụng của “tính”, trừ duy trì mối quan hệ
huyết thống của bộ tộc ra, còn có một tác dụng khác đó là tránh hôn nhân cận
huyết. Người xưa tuy không biết tri thức về “ưu sinh học” (1), nhưng
từ rất sớm đã đề ra quy định người cùng tính không được kết hôn, nghiêm khắc cấm
chỉ nam nữ cùng tính kết hợp. Nhân đó, người xưa đối với “tính” tương đối rõ
ràng, thậm chí khi mua một nô lệ, những vần đề khác có thể không biết, nhưng nhất
định phải biết rõ “tính” của người đó.
So với
“tính”, “thị” xuất hiện muộn hơn, tình huống cũng phức tạp hơn nhiều. “Thị” là
thứ mà chỉ quý tộc nam tử mới có, nó tượng trưng cho thân phận cao thấp. Nói
chung, chư hầu lấy nước thụ phong làm “thị”, như Lỗ thị 鲁氏, Hàn thị 韩氏. Khanh đại phu có
người lấy chức quan làm “thị”, như Sư thị 师氏,
Sử thị 史氏, Bốc thị 卜氏, Vu thị 巫氏, Tư Mã thị 司马氏... ; có người lấy
nơi ở làm “thị” như Đông Quách thị 东郭氏, Nam Cung thị 南宫氏, Liễu Hạ thị 柳下氏;
có người lấy nghề nghiệp làm “thị”, như Đào thị 陶氏,
Tượng thị 匠氏, Đồ thị 屠氏. Ngoài ra, so với sự
ổn định bất biến của “tính”, “thị” có thể thay đổi, có khi tương đối nhiều lần.
Nhất là công thất chư hầu và khanh đại phu, có trường hợp không chỉ đời trước
và đời sau không cùng “thị”, mà ngay cả trước và sau của một người có thể có 2
hoặc 2 “thị” trở lên. Sự biến hoá này của “thị” đã phản ánh sự lên xuống của thế
lực trong đấu tranh chính trị của lực lượng
các phái trong nội bộ quý tộc.
Thời
Đông Chu, theo sự sụp đổ của chế độ tông pháp phong kiến, quý tộc thị tộc ngày
càng đi đến chỗ tan rã, một biểu hiện cụ thể của nó đó là chế độ tính thị ở thời
Chiến Quốc hỗn loạn. Sự thống nhất của triều Tần về cơ bản đã kết thúc chế độ
tông pháp phong kiến thời Tây Chu, thị tộc cũ cùng chế độ tính thị cũng bị
thanh trừ, “tính” và “thị” bắt đầu hợp làm một. Trải qua cuộc đại loạn cuối triều
Tần, tiến vào triều Tây Hán, “tính” và “thị” hoàn toàn dung hợp thành nhất thể.
Chú của người
dịch
1- Ưu sinh học 优生学: là bộ môn
khoa học nghiên cứu sự di truyền của nhân loại.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 12/7/2019
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật