VỀ TỪ XƯNG HÔ “CÁCH CÁCH’ CỦA TRIỀU
THANH
(kì 3)
Năm
Tuyên Thống 宣统 thứ
3 (năm 1911), độc giả nước Mĩ bên kia bờ đại dương đón nhận một bộ hồi kí thuật
lại cuộc sống thần bí của Từ Hi thái hậu trong cung đình – “Ngã tại Từ Hi thái hậu thân biên đích lưỡng niên” 我在慈禧太后身边的两年 (Hai năm tôi ở bên cạnh Từ Hi
thái hậu). Bộ hồi kí này mới xuất hiện, lập tức đã gây sốt trên thư trường Âu
Mĩ. Đương thời người phương Tây đối với Trung Quốc ở xa , họ rất hiếu kì, nhưng
thiếu những kênh giải thích, mọi người đọc bộ hồi kí này với sự tò mò.
Lật xem từng trang, càng khiến độc giả nước ngoài vô cùng nghi hoặc về thân phận
tác giả: Đức Linh công chúa 德龄公主.
Như mọi
người đều biết, hoàng đế Đồng Trị 同治 và hoàng đế Quang Tự 光绪 không có con, như vậy vị công chúa này xuất hiện
lúc nào?
Sự thật
nhanh chóng được điều tra rõ: Tác giả Dụ Đức Linh 裕德龄 6 năm sống ở hải
ngoại, có tầm nhìn quốc tế, tinh thông 8 thứ tiếng, đặc biệt là biết rất rõ về
lễ nghi xã giao của phương tây. Năm 1903 sau khi về nước, bà cùng em gái là Dung
Linh 容龄 được
Khánh Thân Vương Dịch Khuông 庆亲王奕劻tiến cử lên Từ Hi
thái hậu làm cung nữ trong cung. Nhân vì năng lực nghiệp vụ cao nên được khen
là “Thanh cung đệ nhất nữ phiên dịch quan” 清宫第一女翻译官. Năm 1905, phụ thân bệnh nên bà đã từ chức rời cung để chăm sóc. Về
sau bà kết thân với Triệt Địch Ách Tư . Hoài Đắc 撤迪厄斯 . 怀特 ở
lãnh sự quán Mĩ đóng tại Thượng Hải, hai người sang Mĩ định cư.
Về sau
bà dùng tiếng Anh viết lại hồi kí về những từng trải trong cung và những điều
tai nghe mắt thấy từ năm Quang Tự thứ 29 (năm 1903) đến năm Quang Tự thứ 31
(năm 1905). Phụ thân của bà là Dụ Canh 裕庚,
Hán quân Chánh bạch kì (2), năm Quang Tự thứ 12 (năm 1886) hãy còn
là một Đạo viên 道员 (2)
Tùng tứ phẩm ở tỉnh Quảng Đông (Đức
Linh sinh vào năm đó), sau đi Nhật làm nhân viên ngoại giao 3 năm, rồi công tác
tại sứ quán đóng tại Pháp 3 năm, lúc này mới thăng lên hàng quan Tam phẩm, cho
nên tuyệt đối không có năng lực để đưa 2 chị em tiến cung. Đây hoàn toàn là xuất
phát từ yêu cầu tiến hành công tác ngoại giao của Từ Hi. Tuy là nói phụ nữ nơi
nhà người cũng phải tuân tùng đạo đức, tuổi cũng không còn nhỏ, nhưng thái hậu
không chịu rút lui dưỡng lão, giao quyền lực cho hoàng đế Quang Tự, thế là từ
Hi không thể không ra mặt chủ trì những buổi trà thoại hoặc những hoạt động
liên nghị, mời phu nhân đại sứ các nước đóng tại Trung Quốc đến uống trà trò
chuyện và dạo hoa viên. Như vậy, các phu nhân khi về lại sẽ thủ thỉ với chồng
bên gối, các đại sứ sẽ không cổ xuý chính phủ nước mình “khinh thường” Đại
Thanh. Đây có thể là đường lối “phu nhân ngoại giao” có hiệu quả tuyệt đối lúc
bấy giờ. Nhưng Từ Hi nghe không hiểu ngôn ngữ các nước, điều đó cần một số nhân
viên chuyên nghiệp đến giới thiệu lễ nghi phương tây, làm công tác phiên dịch.
Trải
qua khảo chứng, Đức Linh trước giờ chưa từng được ban phong hiệu “cách cách” hoặc
“công chúa”, duy nhất có thể nhận định thân phận chính là nữ quan phiên dịch của
Từ Hi thái hậu. Còn Dụ Canh bất luận là nhìn từ thân phận và từ việc tùng
chính, vừa không phải là xuất thân Mãn tộc, cũng không có huyết thống với hoàng
tộc, phẩm cấp lại không cao, xác suất con gái được phong làm cách cách là cực
kì thấp, càng khỏi phải nói, chỉ có hậu duệ dòng đích của Nỗ Nhĩ Cáp Xích mới
có thể được sách phong công chúa. Cho nên “Đức Linh công chúa” cũng chỉ là một
sự nhầm lẫn đẹp. (hết)
Chú của người
dịch
1- Hán quân
Chánh bạch kì 汉军正白旗: đây là một tổ chức nằm trong chế độ bát kì của nhà
Thanh.
Chế độ bát kì bắt nguồn từ tổ
chức săn bắn của người Mãn Châu 满州 (Nữ Chân 女真). Do bởi số người kết
bạn hoạt động săn bắn tăng nhiều, cần phải chỉ huy thống nhất, người chỉ huy gọi
là Ngưu lục ngạch chân 牛录额真, tập thể này gọi
Ngưu lục 牛录. Người Nữ Chân đối với việc phòng thủ và chinh phạt
đã áp dụng hình thức tổ chức lấy Ngưu lục ngạch chân thống lĩnh Ngưu lục, từ đó
tổ chức Ngưu lục có chức năng quân sự. Để tiện thống nhất chỉ huy săn bắn đại
quy mô hoặc tác chiến, cần đem một số Ngưu lục tổ thành một đơn vị lớn hơn, lấy
cờ làm tiêu chí hướng đạo để tránh hỗn loạn. Cờ trong tiếng Mãn gọi là “cố sơn”
固山, nhân đó mà
đơn vị lớn nhất cao hơn Ngưu lục gọi là Cố sơn固山,
tiếng Hán gọi là Kì 旗.
Năm Vạn
Lịch 万历 thứ
21 nhà Minh (năm 1601), Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤chỉnh đốn biên chế, quy định cứ 300 người là 1 Ngưu lục牛录, 5 Ngưu lục là một Giáp lạt 甲喇,
5 Giáp lạt là 1 Cố sơn 固山, lần lượt lấy Ngưu
lục ngạch chân牛录额真, Giáp lạt ngạch chân甲喇额真, Cố sơn ngạch chân固山额真làm thủ lĩnh. Ban
đầu dùng cờ màu vàng, cờ màu trắng, cờ màu đỏ, cờ màu lam biên chế thành 4 kì.
Năm Vạn Lịch thứ 43 (năm 1615) tăng thêm 4 kì nữa là tương hoàng, tương bạch,
tương hồng, tương lam, chế độ bát kì được xác lập. Xã hội Mãn Châu (Nữ Chân) thực
hành chế độ bát kì, lúc chiến tranh, đinh tráng là lính, thời bình làm dân, khiến
quân đội có sức chiến đấu mạnh mẽ.
Địa vực
mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực chinh phục mở rộng, người Mông Cổ và người
Hán hàng phục cũng dần tăng nhiều, những người này vốn biên chế vào trong bát
kì Mãn Châu trước đó, không những khiến cho nhân khẩu các kì bành trướng, mà
dân tộc khác nhau, binh chủng bất đồng, không thích hợp cho việc biên chế này.
Khoảng thời Thiên Mệnh 天命, Nỗ Nhĩ Cáp Xích bắt
đầu thiết lập kì Mông Cổ, đến năm Thiên Thông 天聪 thứ 9 thời
Hoàng Thái Cực (năm 1635), biên chế thành bát kì Mông Cổ. Năm Thiên Thông thứ 5
(năm 1631) Hoàng Thái Cực đã biên chế trước 1 kì Hán quân, đến năm Sùng Đức 崇德thứ 7 (năm 1642) hoàn thành biên chế bát kì Hán quân.
Đến đây, Mãn Châu, Mông Cổ, Hán quân đều có chế độ bát kì hoàn thiện .....
2- Đạo viên 道员: cũng gọi là “Đạo
đài” 道台, tên một chức quan đời Thanh. Căn cứ vào chế độ quan
giai đời Thanh: Đạo viên (Đạo đài) là vị trưởng quan địa phương giữa tỉnh (Tuần
phủ, Tổng đốc) với phủ (Tri phủ). Đầu đời Thanh, quan giai Đạo viên không nhất
định. Năm Càn Long thứ 18 (năm 1753), Đạo viên nhất luật là Chánh tứ phẩm.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 04/6/2019
Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI THANH
活在大清
Tác giả: Mao Soái 毛帅
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật