Dịch thuật: Về từ xưng hô "cách cách" của triều Thanh (kì 1)

VỀ TỪ XƯNG HÔ “CÁCH CÁCH’ CỦA TRIỀU THANH
(kì 1)

          Năm Sùng Trinh 崇祯 thứ 17 (năm 1644), Lí Tự Thành 李自成 sắp công hãm Bắc Kinh, vị hoàng đế cuối cùng của triều Minh là Sùng Trinh崇祯 nản lòng thoái chí, bắt đầu đốc thúc gia thuộc dĩ thân tuẫn quốc trước khi rơi vào tay địch. Trương hoàng hậu 张皇后 của Minh Hi Tông 明熹宗 cùng Sùng Trinh Chu hoàng hậu 周皇后, Viên quý phi 袁贵妃 theo chỉ lệnh của hoàng đế lần lượt “tự tận”. Khôn Hưng công chúa 坤兴公主 15 tuổi sau khi bị gọi đến, nghe thấy phụ hoàng cảm thán rằng:
          - Bất hạnh sinh vào nhà đế vương, đến nỗi gặp phải cái hoạ vong quốc hôm nay, đó có lẽ là kiếp này con phạm phải sai lầm lớn nhất.
          Không đợi công chúa nhận thức cái hoạ vong quốc hôm nay, hoàng thượng đã đích thân tạo ra cái hoạ sát thân cho con gái: tay trái của công chúa bị chặt đứt, trên vai phải cũng bị một nhát đao, trong phút chốc ngã lăn trong vũng máu. Sùng Trinh hành sự quá nhanh, cho rằng công chúa mất máu quá nhiều tất sẽ chết, Sùng Trinh không chém bồi thêm nữa liền đi đến Môi sơn 煤山 treo cổ. Kết quả công chúa sau 5 ngày hôn mê đã tỉnh lại, về sau được triều Thanh thu nhận, đổi phong là “Trường Bình công chúa” 长平公主. Đối với việc này chắc mọi người cảm thấy kì lạ: sao công chúa triều Minh đến triều Thanh cũng là “công chúa”, mà không phải là “cách cách” 格格có nét đặc sắc của tộc Mãn? Khi gặp con gái của hoàng đế chẳng phải là theo quy củ, nói “cách cách cát tường” 格格吉祥sao? Chúng ta thử tìm hiểu thêm về chế độ phong hiệu và lễ nghi xưng hô của triều Thanh.

Cố luân, Hoà thạc, đều là công chúa
          Về vị thiên tử phong lưu Càn Long 乾隆, trong dân gian còn lưu truyền một truyền thuyết:
          Năm nọ, Càn Long tuần thị Giang Nam đã phát sinh nhân duyên với Hạ Vũ Hà 夏雨荷 một cô gái xinh đẹp bên bờ hồ Đại Minh 大明, cô gái mang thai và sinh ra Tử Vi紫薇. Nhiều năm sau, Tử Vi mang theo tín vật mà năm nọ phụ thân lưu lại, đi đến Bắc Kinh tìm người thân, cuối cùng được phong làm Minh Châu cách cách 明珠格格. Còn nữ phi tặc Tiểu Yến Tử 小燕子 trong kinh thành vốn không có quan hệ gì với hoàng thất, cũng ngẫu nhiên trở thành Hoàn Châu cách cách 还珠格格. Câu chuyện cô gái xinh đẹp chốn dân gian chuyển thân thành cách cách cao quý này đã làm thoả mãn mộng tưởng tươi đẹp của biết bao cô gái, nên rất được hoan nghinh. Chẳng qua, nếu bạn muốn làm con gái của hoàng đế lưu lạc chốn dân gian, e rằng không có duyên làm “cách cách”, chỉ có thể sau khi nhận thân thích tiếp tục làm “công chúa” 公主như các đời đều có.
          Trong Thanh sử cảo 清史稿 có chép: Sớm vào thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤, người tộc Mãn vẫn chỉ là bộ tộc du mục sống một cuộc sống cưỡi ngựa săn bắn giữa “Bạch sơn Hắc thuỷ” 白山黑水 (1), người trong bộ tộc không có sự phân định thân phận tỉ mỉ phức tạp. Về cách xưng hô, giữa con gái của thủ lĩnh, quý tộc và con gái bình dân không có sự khu biệt, phụ thân thì gọi là “a mã” 阿玛, mẫu thân thì gọi là “ngạch niết” 额涅 hoặc “ngạch nương” 额娘, con trai là “a ca” 阿哥. Con gái còn trẻ khi chưa xuất giá được gọi là “cách cách” 格格, tương đương với “cô nương”, “tiểu thư” trong tiếng Hán. Lúc bấy giờ căn bản không tồn tại xưng hiệu “công chúa” “quận chúa”. Trưởng nữ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích gọi là “Đông quả cách cách” 东果格格, thứ nữ thì gọi là “Nộn triết cách cách” 嫩哲格格.
          Nhưng sau khi vào trung nguyên, làm hoàng đế thì phải có sự uy nghiêm của thiên tử, hoàng thân quốc thích cũng phải có khí phái quý tộc. Làm sao  có thể biểu hiện được thân phận tôn quý ưu việt đây? Thế là Hoàng Thái Cực 皇太极 trên cơ sở vừa tham khảo lễ chế của Hán tộc, vừa bảo lưu nét đặc sắc của bản tộc, chế định ra hệ thống phong hiệu của triều Thanh.
          Con gái của hoàng đế lúc nhỏ có thể theo tập tục của người Mãn gọi là “cách cách” 格格, nhưng sau khi thành niên phải tiến hành nghi thức sách phong đặc định, nhân đó mới có được phong hiệu chính thức. Từ đó, nô tì hoặc người ngoài khi tiến cung yết kiến, phải đổi cách gọi xưng là “công chúa” 公主. Công chúa cũng có 4 cấp: hoàng hậu là người làm chủ hậu cung, con gái do bà ta sinh ra có phong hiệu là “Cố luân công chúa” 固伦公主. “Cố luân” 固伦 trong tiếng Mãn có ý nghĩa là “thiên hạ” 天下, hoàng đế là thiên tử, con gái của ông ta đương nhiên cũng được phối với 2 chữ “thiên hạ”. Con gái do phi tử sinh ra, và dưỡng nữ của hoàng đế theo quy định chỉ có thể được phong là “Hoà thạc công chúa” 和硕公主. “Hoà thạc” 和硕mang ý nghĩa là “một phương”, so với “thiên hạ”, phạm vi địa lí mà nó đại biểu nhỏ hơn, nhưng cũng là tôn quý một phương, khí thế phi phàm.
          Đương nhiên, phong hiệu của con gái cuối cùng vẫn là do “hoàng a mã” khâm định. Nếu cô gái đó có quan hệ rất tốt với phụ thân, được sủng ái đặc biệt, thì thể chế cũng hoàn toàn không có vấn đề gì. Có người do phi tử sinh ra được phá cách phong là Cố luân công chúa. Ví dụ, Hoà Hiếu công chúa 和孝公主 cô con gái thứ 10 của Càn Long, là “lão lai nữ” 老来女 (con gái sinh ra lúc mình đã già - ND) khi Càn Long 65 tuổi. Khi sinh ra, các chị sớm đã thành niên xuất giá, thậm chí có người tuổi rất cao, Hoà Hiếu công chúa tự nhiên trở thành hạt minh châu trong lòng bàn tay. Nghe nói, cô công chúa này tướng mạo rất giống Càn Long, không thích hồng trang lại thích võ trang, hình tượng một nữ hán tử tiêu chuẩn, thường giả trai theo hoàng a mã săn bắn, cũng kéo cung buông tên. Với con gái ôn nhu hiền thục thời cổ thì người như cô công chúa này thuộc loại hiếm thấy. Tuy mẫu thân là Đôn phi Uông thị 惇妃汪氏không phải là hoàng hậu, về lí chỉ có thể được phong ở cấp là Hoà thạc công chúa, nhưng lúc cô ta 13 tuổi, được phá cách trở thành Cố luân công chúa, về sau được gã cho Phong Thân Ân Đức 丰绅恩德, con trưởng của Hoà Thân 和珅, sủng thần đương triều.
          Cho nên, khi các nô tì Đại Thanh cung kính hành lễ với bạn, nói rằng: “Thỉnh an ..... cách cách”, thì bạn chớ huyễn tưởng rằng bản thân mình ở trong hoàng cung, mà sự thực vẫn chỉ là hưởng thụ thân phận “cách cách” trong vương phủ mà thôi.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Bạch sơn Hắc thuỷ 白山黑水: “Bạch sơn” chỉ Trường Bạch sơn 长白山. “Hắc thuỷ” chỉ Hắc Long giang” 黑龙江. “Bạch sơn Hắc thuỷ” phiếm chỉ khu vực đông bắc Trung Quốc.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 02/6/2019

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI THANH
活在大清
Tác giả: Mao Soái 毛帅
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post