Dịch thuật: Nô lệ đời Chu (kì 2 - hết)

NÔ LỆ ĐỜI CHU
(kì 2)

          Nô lệ có thể dùng làm vật thế chấp trong mua bán. Sinh mệnh của nô lệ đương nhiên do quý tộc tuỳ ý xử trí. Như Tần Hiến Công 晋献公 có một lần nghi ngờ thịt có độc, trước tiên đem cho chó ăn thử, chó chết; sau đó đem cho tiểu thần ăn, tên tiểu thần bất hạnh này số mệnh cũng như con chó. Và như con của Hiến Công là Trùng Nhĩ 重耳 khi xuất vong, các tụng thần của Trùng Nhĩ mật mưu dưới gốc dâu lừa Trùng Nhĩ rời khỏi nước Tề, bị một tàm thiếp 蚕妾 (1)  nghe lén; cô ta đi báo với phu nhân mới cưới của Trùng Nhĩ là Tề Khương 齐姜, Tề Khương sợ làm trở ngại “tứ phương chi chí” 四方之志 của Trùng Nhĩ, không nói tiếng nào, đem tàm thiếp đó giết chết. Trong chế độ tuẫn táng thịnh hành ở đời Chu, nô lệ đương nhiên cũng là vật hi sinh, bình thường trong cả trăm cách cách tuẫn táng, chúng ta không thể biết có bao nhiêu nô lệ. Cái chết của họ quá rẻ rúng, các sử gia không chú ý đến, nhưng cũng có một câu chuyện tuẫn táng nô lệ nhân vì thú vị nên được bảo lưu. Một tiểu thần của Tấn Cảnh Công 晋景公, buổi sáng nọ thức dậy vui vẻ đi nói với mọi người, tối qua anh ta nằm mơ, thấy cõng Tấn Cảnh Công lên trời, đến giữa trưa, quả nhiên anh ta cõng Tấn Cảnh Công không phải lên trời mà là đi đến “nhà xí”; Cảnh Công vốn bệnh nặng, trượt chân rơi xuống hố xí mà chết. tên tiểu thần đó bị tuẫn táng.
          Nô lệ lấy “gia” làm đơn vị, trong nhà của nô lệ bất luận nam nữ già trẻ đều là nô lệ. Địa vị của họ là nối đời thay nhau làm nô lệ. Trừ gặp trường hợp ngoại lệ là giải phóng, nô lệ mới bị bắt được bản quốc chuộc về có lẽ cũng là việc thường thấy. Ngoài ra cơ hội nô lệ được giải phóng dường như là rất ít. Trong lịch sử chỉ bảo tồn hai ví dụ:
          - Một là vào năm 655 trước công nguyên, Tấn diệt Ngô, bắt Ngô đại phu Bách Lí Hề 百里奚 (2), về sau đem ông ta làm “dắng thần” 媵臣 (nô lệ tùng giá) của phu nhân Tần Mục Công 秦穆公. Ông ta từ Tần trốn đến Sở, bị người Sở bắt. Bách Lí Hề vồn nổi tiếng hiền năng tại bản quốc, Tần Mục Công muốn trọng dụng ông, nhưng sợ nước Sở không giao, thế là lấy danh nghĩa chuộc “dắng thần” bỏ ra giá trị rất thấp là  5 tấm da dê đen, cuối cùng chuộc ông về. Bách Lí Hề nhân đó có xước hiệu là “Ngũ cổ Đại phu” 五羖大夫 (Đại phu 5 tấm da dê. “Cổ”  là con dê đen).
          - Hai là vào năm 550 trước công nguyên, nước Tấn nội loạn, một đại lực sĩ của thủ hạ phản thần là Đốc Nhung 督戎, mọi người nghe đến tên của y là run sợ. Công gia 公家 (nhà của công khanh – ND) có một tên nô lệ tên Phỉ Báo 斐豹 (3), tự tiến cử lên quan chấp chính, nếu thiêu đốt nô tịch của anh ta, anh ta sẽ giết tên Đốc Nhung. Quan chấp chính bằng lòng, về sau quả nhiên anh ta giết chết Đốc Nhung. (hết)

Chú của người dịch
1- Tàm thiếp 蚕妾: nô lệ nữ chuyên việc hái dâu nuôi tằm
2- Bách Lí Hề 百里奚 (khoảng năm 726 – năm 621 trước công nguyên): tính là Khương , thị là Bách Lí 百里, tên Hề , tự Tử Minh 子明, người nước Ngô thời Xuân Thu (nay là phía bắc huyện Bình Lục 平陆 tỉnh Sơn Tây 山西). Bách Lí Hề là Đại phu nước Ngô thời Xuân Thu, về sau đến Tần làm Đại phu.
          Tấn Hiến Công 晋献公 mượn đường phạt nước Quắc diệt nước Ngô , sau khi bắt Bách Lí Hề, dùng ông làm nô lệ bồi giá cho phu nhân của Tần Mục Công khi xuất giá đến nước Tần. Bách Lí Hề đào thoát rời nước Tần chạy đến Uyển ấp 宛邑 của nước Sở. Sau nhập Tần làm Đại phu, Bách Lí Hề là hiền thần thời Tần Mục Công 秦穆公 , chính trị gia, tư tưởng gia nổi tiếng, cũng được xưng là “Ngũ cổ Đại phu” 五羖大夫, là danh tướng mà Tần Mục Công đã dùng 5 tấm da dê đen hoán đổi được. Thời gian ông chủ trì quốc chính của nước Tần, Bách Lí Hề “mưu vô bất đáng, cử tất hữu công” 谋无不当, 举必有功 (không có mưu tính nào là không thoả đáng, khi đã làm tất thành công), phò tá Tần Mục Công đề xướng và hướng đạo giáo hoá văn minh, thực hành chính sách “coi trọng làm việc vì dân” để nhân dân có được càng nhiều lợi ích, đồng thời bên trong thì chỉnh đốn quốc chính, bên ngoài thì mưu tính nghiệp bá, mở rộng đất đai cả ngàn dặm, xưng bá Tây Nhung, thống nhất các vùng hiện nay là Cam Túc 甘肃, Ninh Hạ 宁夏, bắt đầu cho sự quật khởi của nước Tần. Thời kì này, Tần Hiếu Công 晋孝公 xưng là thời đại “thậm quang mĩ” 甚光美 (rất tươi sáng và đẹp đẽ). Trong sử chép rằng Bách Lí Hề “tam trí Tấn quốc chi quân” 三置晋国之君 (3 lần giúp lập Tấn Quân), “cứu Kinh Châu chi hoạ” 救荆州之祸 (cứu hoạ của Kinh Châu”, “phát giáo phong nội nhi Ba nhân trí cống” 发教封内而巴人致贡 (giáo hoá trong nước mà nhân đó người đất Ba đến cống), “thi đức chư hầu nhi bát nhung lai phục” 施德诸侯而八戎来服 (ban đức đến chư hầu, rợ nhung 8 phương quy phục), khiến nước Tần trở thành một trong ngũ bá thời Xuân Thu, đặt nền móng vững chắc để cuối cùng nước Tần thống nhất Trung Quốc.
3- Phỉ Báo 斐豹: thân thế lúc đầu của Phỉ Báo, sử sách không ghi chép, chỉ biết ông là nô lệ “được ghi trong đan thư” (đan thư 丹书 là văn thư dùng bút son ghi chép tội trạng của phạm nhân vào thời cổ - ND). Theo truyền thuyết đó là người vì từng phạm tội nên bị phạt làm nô lệ, đồng thời đem tội án và thân phận nô lệ dùng mực đỏ viết lên thẻ giản độc của phủ quan.
          Tống Bình Công 宋平公 năm thứ 8 (năm 550 trước công nguyên), quý tộc của nước Tấn đang nội loạn đấu tranh kịch liệt lẫn nhau, cuối cùng nổ ra một trận chiến. Đại phu Loan Doanh 栾盈 cùng gia tộc liên kết với họ Nguỵ và 7 Đại phu chủ quản binh xa, cùng với Hàn , Triệu , Trí , Phạm , Trung Hàng thị 中行氏làm loạn. Loan Doanh dẫn quân Khúc Ốc 曲沃tập kích Giáng đô 绛都của nước Tấn (tức Tân Điền 新田, nay là Hầu Mã 侯马 Sơn Tây 山西), đánh cho 5 nhà xoay sở không kịp. Phạm Tuyên Tử 范宣子đưa Tấn Bình Công thoái thủ Cố Cung 固宫, tình thế vô cùng nguy cấp. Loan Doanh có một tên dũng sĩ sức mạnh vô cùng tên là Đốc Nhung 督戎, người này xông trận, ai nấy đều sợ, càng làm cho Phạm Tuyên Tử không thể trù tính. Lúc bấy giờ, Phỉ Báo dũng cảm xuất hiện, nói với Phạm Tuyên Tử rằng:
          Nếu thiêu đốt đan thư (tức giải trừ thân phận nô lệ), tôi sẽ giết chết Đốc Nhung.
          Phạm Tuyên Tử cả mừng, nói rằng:
          Nếu giết được y, không cần phải thỉnh vị quân chủ đốt đan thư, nói có trời chứng giám.
          Không những đáp ứng mà còn lập lời thể đảm bảo. Phỉ Báo có được lời hứa, một mình ra ngoài cung, Đốc Nhung chạy tới định giết. Phỉ Báo nhảy qua bức tường ẩn nấp, Đốc Nhung nhảy theo nhưng chưa kịp quay đầu, Phỉ Báo đã chạy tới sau lưng, đánh một gậy, giết chết Đốc Nhung. Điều đó cũng có nghĩa là thân phận nô lệ của Phỉ Báo được giải phóng.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 28/6/2019

Nguyên tác
NÔ LỆ
奴隶
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post