Dịch thuật: "Đại đô đốc", "Tổng đốc", "Đề đốc" có phải là như nhau

“ĐẠI ĐÔ ĐỐC”, “TỔNG ĐỐC”, “ĐỀ ĐỐC”
CÓ PHẢI LÀ NHƯ NHAU

          Trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义có ghi:  
          Du viết: “Thần vị tướng quân quyết nhất huyết chiến, vạn tử bất từ. Chỉ khủng tướng quân hồ nghi bất định”
          瑜曰: “臣为将军决一血战, 万死不辞. 只恐将军湖疑不定.
          (Chu) Du nói rằng: “Thần xin vì tướng quân quyết một trận huyết chiến, muôn chết cũng không từ. Chỉ sợ tướng quân hồ nghi bất định.”)
          Tôn Quyền rút kiếm chém đứt một góc án trước mặt, nói rằng:
          Chư quan tướng hữu tái ngôn hàng Tháo giả, dữ thử án đồng.
          诸官将有再言降操者, 与此案同.
          (Các quan tướng, nếu ai nói đầu hàng Tào Tháo một lần nữa, thì cũng giống như cái án này.)
          Nói xong bèn tặng thanh kiếm đó cho Chu Du 周瑜, phong Chu Du làm Đại đô đốc 大都督, Trình Phổ 程普 làm Phó đô đốc 副都督, Lỗ Túc 鲁肃làm Tán quân hiệu uý 赞军校尉.
          Từ đó, Chu Du trí dũng song toàn, phong lưu tiêu sái được mọi người xưng là “Đại đô đốc”. Thế thì, “Đại đô đốc” là chức quan như thế nào? Chức đó có phải cùng với “Tổng đốc”, “Đề đốc” sau này là như nhau?
          Nói chung, chức “Đại đô đốc” được thiết lập vào thời Chiến Quốc, là lãnh đạo quân sự tối cao trong thời kì tác chiến, sau cuộc chiến thu hồi lại, như Tư Mã Ý 司马懿, Lục Tốn 陆逊 ... Nhưng cũng có ngoại lệ, như Chu Du, luôn đảm nhiệm chức này.
“Tổng đốc” 总督là chức quan được thiết lập vào thời Minh, lâm thời trao cho đại thần tiến hành tuần tra quân vụ, mang tính chất quân sự, như Tuyên Đại  Tổng đốc 宣大总督 , Thiểm Tây tam biên tổng đốc 陕西三边总督, phạm vi tuần tra có khi đến cả mấy tỉnh, cũng có khi ở một số phủ châu trong một tỉnh. Năm Thành Hoá 成化 thứ 5 đời Minh Hiến Tông 明宪宗 (năm 1469), bắt đầu thiết lập Lưỡng Quảng Tổng đốc. Từ đó trở đi, Tổng đốc kiêm quản dân chính, trở thành vị thủ trưởng quân chính địa phương. Thời Thanh, thiết lập nhiều Tổng đốc, như Trực Lệ Tổng đốc 直隶总督, Lưỡng Quảng Tổng đốc 两广总督, Hồ Quảng Tổng Đốc 湖广总督, Thiểm Cam Tổng đốc 陕甘总督, Tứ Xuyên Tổng đốc 四川总督 ... Họ thống hạt các sự vụ hành chính, kinh tế cùng quân sự của một tỉnh hoặc mấy tỉnh.
          Có thể thấy, “Tổng đốc” ở đây và “Đại tổng đốc” có sự khu biệt rất lớn.
          Chức “Đề đốc” 提督 bắc đầu thiết lập vào thời Gia Tĩnh 嘉靖 triều Minh. Tuần phủ các tỉnh hoặc Tổng binh trấn thủ thường được gia phong hàm Đề đốc quân vụ 提督军务, Đề đốc 提督. Có thể thấy, “Đề đốc” thời Minh hoàn toàn không phải là quan danh chính thức. Đời Thanh, mỗi tỉnh thiết trí một Đề đốc quân vụ Tổng binh quan, thuộc trưởng quan tối cao Lục doanh binh 绿营兵 của tỉnh, nhưng chịu sự tiết chế của “Tổng đốc”, cũng không phải là quan danh chính thức.
          Có thể thấy “Đại đô đốc” được thiết lập vào thời kì chiến tranh, còn “Tổng đốc”, “Đề đốc” trong thời kì hoà bình cũng tồn tại, hơn nữa, phạm vi quản lí cũng lớn hơn “Đại đô đốc”, và có liên quan đến sự vụ hành chính, quân sự. Nếu nói 3 chức quan có chỗ tương đồng, đó chính là đều phụ trách một số sự vụ về quân sự.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 29/6/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post