Dịch thuật: Xưng vị "công chủ" (chúa) từ đâu mà ra



XƯNG VỊ “CÔNG CHỦ” (CHÚA) TỪ ĐÂU MÀ RA

          Kì thực, cách xưng hô “công chủ” (chúa) 公主 này sớm nhất không phải là chuyên xưng dành cho con gái của hoàng đế. Vào thời Chu, con gái của Chu thiên tử xưng là “vương cơ” 王姬. Còn xưng vị “công chủ’ (chúa) thì bắt đầu vào thời Chiến Quốc. Trong Công Dương truyện 公羊传có nói, Chu thiên tử gả con gái, bản thân mình không làm người chủ hôn, mà là nhờ một chư hầu cùng tính (họ) với mình thay mặt chủ trì, ‘chủ” mang ý nghĩa là chủ trì, còn “công” chỉ chư hầu chủ trì hôn lễ, “công chủ” cũng chính là do chư hầu chủ trì hôn lễ. Về sau, con gái của thiên tử và chư hầu cũng xưng là “công chủ” (chúa).
          “Bản quyền phát minh” xưng vị “công chủ” (chúa) dành riêng cho con gái của hoàng đế là bắt đầu vào thời Tây Hán. Theo ghi chép trong Hán thư 汉书, nhân vì người chủ hôn là chư hầu, con gái của hoàng đế bèn được gọi là “công chủ”; còn hôn lễ của con gái chư hầu thì do phụ thân chủ trì, phụ thân cũng gọi là “ông” , cho nên con gái chư hầu được gọi là “ông chủ” 翁主, cũng gọi là “vương chủ” 王主.
          Thời Tây Hán, chị của hoàng đế cũng có địa vị rất tôn quý, ví dụ, chị của Hán Cảnh Đế 汉景嚏được gọi là “trưởng công chủ” (chúa). Sau khi Hán Vũ Đế 汉武帝 lên ngôi, bà lại được gọi là “thái trưởng công chủ” (chúa). Công chủ (chúa) đời Hán đều có phong ấp, cũng được hoàng đế ban cho phủ đệ thượng đẳng hào hoa, có người có cả viên lâm to lớn. Hoàng đế còn cho phép họ được thiết trí quan lại trong phủ của mình, gọi là “lệnh gia” 令家 “lệnh thừa” 令丞. Hoàng đế ban cho công chủ (chúa) rất hậu hĩ, nhiều người trong số họ có một số lượng lớn tiền của đất đai, cũng hào hoa xa xỉ như vương hầu.
          Trải qua các triều đại, xưng vị “công chủ” (chúa) cũng có nhiều biến đổi. Thời Tuỳ Đường, sự khu biệt đẳng cấp trong cung càng rõ ràng, chị của hoàng đế, chị và em gái của tiên hoàng, cho tới con gái của hoàng đế được xưng là “công chủ” (chúa), còn con gái của hoàng thái tử và chư hầu thì không được tự xưng là “công chủ” (chúa). Con gái của thái tử là “quận chủ” (chúa)  郡主, con gái của chư vương là “huyện chủ” (chúa) 县主. Triều Tống có một dạo bỏ cách gọi “công chủ” (chúa), dùng “đế cơ” 帝姬, “tông cơ” 宗姬 để gọi con gái của hoàng đế. Triều Minh đổi gọi lại theo cựu chế của của Tuỳ Đường.
          Trước khi quân Thanh vào quan trung, con gái của hoàng đế xưng là “cách cách” 格格. Năm Sùng Đức 崇德 thứ nhất, con gái của hoàng đế mới đổi gọi là “công chủ” (chúa). Đời Thanh, con gái do hoàng hậu sinh ra được gọi là “cố luân công chủ (chúa)” 固伦公主, biểu hiện sự chí tôn của một nước; còn con gái do các phi tần sinh ra được gọi là “hoà thạc công chủ (chúa)” 和硕公主, biểu hiện sự chí tôn của một phương.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 01/5/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post