ĐỨC LĂNG TRIỀU MINH
Đức
Lăng 德陵triều Minh toạ lạc tại chân núi phía tây của Đàm Dục
Lĩnh 潭峪岭 cách Trường Lăng 长陵 2,5km về phía
đông nam. Đây là mộ hợp táng Minh Hi Tông Chu Do Hiệu 明熹宗朱由校 và Hoàng hậu
Trương thị 张氏.
Minh Hi
Tông Chu Do Hiệu 明熹宗朱由校 (1605 – 1627), vị hoàng đế thứ 15 của triều Minh,
con trưởng của Quang Tông 光宗. Khi Quang Tông mất,
Chu Do Hiệu chỉ mới 16 tuổi, người chăm sóc Chu Do Hiệu là Lí Tuyển Thị 李选侍 cùng
thái giám Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤mật mưu, lợi dụng Chu
Do Hiệu còn nhỏ, chiếm cứ cung Càn Thanh 乾清 để thao túng
triều chính. Cấp sự trung Dương Liên 杨涟, Ngự sử Tả Quang Đẩu
左光斗biết tin, bèn đi trước một bước, vào cung đưa thái tử
lên kiệu đi đến điện Văn Hoa 文华rồi chuyển vào cung
Từ Khánh 慈庆, để Chu Do Hiệu tức vị, đó là Minh Hi Tông 明熹宗, niên hiệu Thiên Khải 天启.
Sau đó bức Lí Tuyển Thị dời đến ở cung Hối Loan 哕鸾.
Sự kiện này, sử gọi là “di cung án” 移宫案.
Ba án kiện
chính trị “đĩnh kích” 梃击,“hồng hoàn” 红丸, “di cung” 移宫 gọi chung là “tam
án” 三案 đã
phản ánh sự đấu tranh tranh giành quyền lực của tập đoàn thống trị cung đình cuối
triều Minh.
Minh Hi
Tông thích chế tác đồ gỗ, từng làm ra mô hình cung Càn Thanh rất tinh xảo. Nhân
đó, sau khi lên ngôi ông chuyên tâm chế tác đồ gỗ, bỏ bê cả triều chính, triều
chính do nhũ mẫu Khách thị 客氏 và hoạn quan Nguỵ Trung Hiền chuyên đoán. Nguỵ Trung
Hiền lúc thiếu thời vô lại, nhằm trốn tránh món nợ cờ bạc đã tự hoạn để vào
cung, y câu kết với Khách thị làm điều xấu. Sau khi chuyên quyền, một số quan lại
dựa vào quyền thế của y, hình thành tập đoàn yêm đảng lớn nhất của triều Minh.
Nhân vật đại biểu của “tam án” đều là người của đảng Đông Lâm 东林, Nguỵ Trung Hiền chuyên quyền lật lại bản án toàn diện,
miễn cho Lí Khả Chước 李可灼 lao dịch trong quân, cất nhắc Thôi Văn Thăng 崔文升 làm Tổng đốc tào vận. Các đại thần chính trực đều bị đảng Đông Lâm gán tội,
“tam án” trở thành cái cớ để Nguỵ Trung Hiền giết người. Chính trị vô cùng hắc
ám, trong nước bạo phát khởi nghĩa của nông dân, vương triều Minh đối mặt với
ngày tàn. Tháng 8 năm 1627, Hi Tông, người mà đã làm cho nguyên khí của Đại
Minh lụi tàn, nhân vì trường kì uống “tiên dược”, toàn thân thuỷ thũng nên đã
qua đời, tại vị chỉ có 7 năm, hưởng niên 23 tuổi, táng tại Đức lăng 德陵.
Hi Tông
hoàng hậu Trương Yên 张嫣 (1607 – 1644) tiểu tự Bảo Châu 宝珠, người Tường Phù 祥符 (nay là Khai
Phong 开封 Hà Nam 河南), con gái của Thái Khang Bá Trương Quốc Kỉ 太康伯张国纪.
Trương
Yên từ nhỏ đã thích đọc sách. Tháng 4 năm 1621, bà được sách lập làm hoàng hậu.
Hoàng hậu tính tình chính trực, rất mạnh dạn. Sau khi nhập cung, bà rất phản cảm
với hành vi chuyên đoán câu kết của Khách thị và thái giám Nguỵ Trung Hiền, bà
nhiều lần trước mặt hoàng đế nêu những sai lầm của hai người. Khách thị phạm
pháp, bà triệu Khách thị vào cung, nghiêm túc trách mắng, đồng thời dùng pháp luật trói buộc, sau Hi
Tông thuyết phục mới thôi. Nhân đó, Khách thị và Nguỵ Trung Hiền rất hận hoàng
hậu, vu hại bà là không phải con của Trương Quốc Kỉ, mà là con của tên cướp biển.
Hi Tông bị mắc bẫy. Năm 1623, Trương hoàng hậu mang thai, Khách, Nguỵ hai người
sợ bà sinh hoàng tử, địa vị càng thêm vững, bèn mua chuộc cung nhân, trong lúc
xoa bóp, ngầm làm cho bà bị sẩy thai. Từ đó, hoàng hậu không còn khả năng sinh
sản nữa. Có một lần, Hi Tông đến hậu cung thấy hoàng hậu đang đọc sách, bèn hỏi:
- Hoàng hậu đang đọc sách gì vậy?
Trương
hoàng hậu đáp rằng:
- Đọc “Triệu Cao truyện”
Đồng thời
ví Nguỵ Trung Hiền với thái giám Triệu Cao 赵高lộng
quyền của triều Tần. Hi Tông im lặng không lên tiếng, có chút suy nghĩ rồi bỏ
đi.
Ngày nọ,
ngoài cung môn có dán một tờ giấy, nêu tội trạng của Nguỵ Trung Hiền và đồng đảng
của y. Nguỵ Trung Hiền đại nộ, nghi phụ thân của hoàng hậu là Trương Quốc Kỉ
làm ra, bèn mượn cớ đó vu cáo Trương Quốc Kỉ, nhằm làm dao động địa vị hoàng hậu
trong cung để dễ bề phế bỏ. Thế là y cho bè đảng dâng sớ đàn hặc, dâng mấy bản
tấu, nhưng Hi Tông chần chừ không phê
đáp. Về sau các đại thần chính trực can ngăn, việc đó mới thôi.
Năm
1627, bệnh tình Hi Tông nguy ngập, bọn Nguỵ Trung Hiền tăng cường chuẩn bị soán
vị. Trương hoàng hậu thấy rõ âm mưu của chúng, hằng ngày đều ở bên cạnh Hi Tông,
khiến Nguỵ Trung Hiền không có cơ hội để giả truyền di mệnh. Bà lại hết sức
khuyên can Hi Tông truyền ngôi vị cho Tín Vương 信王,
Hi Tông tiếp nhận kiến nghị của hoàng hậu, quyết định đem hoàng vị truyền cho
Tín Vương. Trước giường bệnh triệu kiến người em khác mẹ là Tín Vương Chu Do Kiểm信王朱由检, ra lệnh cho ông ta tiếp nhận di mệnh lên ngôi kế vị.
Hi Tông
qua đời, Tín Vương lên ngôi tức Tư Tông 思宗,
cảm kích ân điển của hoàng hậu, tôn bà là “Ý An Hoàng Hậu” 懿安皇后. Tư Tông thanh trừ yêm đảng, Nguỵ Trung Hiền sợ tội
nên tự sát. Khách thị bị biếm đến Tẩy y cục 洗衣局,
bị phạt đánh gậy mà chết. Năm 1644, Sấm Vương Lí Tự Thành 闯王李自成tấn công Bắc Kinh, Trương hoàng hậu tự ải, năm đó chỉ
mới 38 tuổi. Sau khi Thuận Trị 顺治nhà Thanh vào quan
trung, cho táng Trương hoàng hậu tại Đức lăng 德陵ở
núi Thiên Thọ 天寿.
Tháng 9
năm 1627 bắt đầu xây dựng Đức lăng, tháng 3 năm sau huyền cung xây xong, táng
nhập Hi Tông. Năm 1632, công trình lăng hoàn thành, trải qua 6 năm, việc xây dựng
lăng tiêu tốn 200 vạn lượng bạc, do bởi đương thời vương triều Minh đối mặt với
nguy cơ chính trị và kinh tế trầm trọng, cho nên hoàng đế Tư Tông chỉ có thể cấp
50 vạn lượng, nhân vì công trình thi triển chậm chạp, Tư Tông ra lệnh quyên góp
để xây lăng, bản thân ông trích ra 15.000 lượng từ trong tiền ăn, hậu phi quyên
được 10.800 lượng, các quan lớn nhỏ cũng có quyên góp.
Đức
lăng hướng về tây nam, bố cục tổng thể theo Chiêu lăng 昭陵,
kiến trúc bộ phận theo Khánh lăng 庆陵, nhưng quy mô không
lớn lắm, chất lượng công trình cũng kém. Điểm khác nhau duy nhất giữa kiến trúc
Đức lăng với các lăng khác đó là, đồ án quy phu 龟趺 (1) ở Minh lâu 明楼, nhìn chung lấy vân long (rồng
mây) làm chủ, còn ở phía trước và bên trái bên phải Đức lăng điêu khắc “bát bảo” 八宝 (2) của Đạo giáo, phía sau là đồ án “bát cát tường” 八吉祥 (3) của Phật giáo. Năm 1636 Đức lăng bị quân Thanh thiêu
huỷ. Thời Càn Long 乾隆, Đức lăng được tiến hành trùng tu. Hiện tại kiến trúc
của Đức lăng đa phần bị huỷ hoại.
Chú của người
dịch
1- Quy phu 龟趺: cũng gọi là Bị
Hí 贔屭, Bá Hạ 霸下. Quy phu trong truyền
thuyết thần thoại Trung Quốc là 1 trong 9 đứa con của rồng, hình dạng giống
rùa, có răng, ưa vác nặng.
Trong
nguyên tác in nhầm là “quy điệt” 龟跌.
2- Bát bảo 八宝: tức 8 vật quý
của Đạo gia:
- Phiến tử 扇子 (quạt): của Chung Li Hán 钟离汉,
có thể cải tử hồi sinh.
- Ngư cổ 鱼鼓 (cái mõ hình con cá): của Trương Quả Lão 张果老, có thể đoán được cát hung.
- Liên hoa 莲花 (hoa sen): của Hà Tiên Cô 何仙姑,
có thể tu thân dưỡng tính.
- Hồ lô 葫芦 (bầu hồ lô): của Lí Thiết Quải 李铁拐, có thể cứu tế chúng sinh.
- Bảo kiếm 宝剑 (gươm báu): của Lã Động Tân 吕洞宾,
có thể trừ tà xua quỷ.
- Hoa lam 花篮 (giỏ hoa): của Lam Thái Hoà 蓝采和,
có thể quảng thông thần minh.
- Hoành địch 横笛 (sáo ngang): của Hàn Tương Tử 韩湘子,
có thể khiến muôn vật sinh sôi.
- Âm dương bản 阴阳板 (phách âm
dương): của Tào Quốc Cữu 曹国舅, có thể tịnh hoá
hoàn cảnh.
3- Bát cát tường
八吉祥: cũng gọi là “Phật giáo bát bảo” 佛教八宝, tức 8 vật tượng trưng cho uy lực của Phật pháp:
- Pháp loa 法螺 (ốc): biểu thị Phật âm cát tường khắp cả thể giới, tượng
trưng cho vận may thường tại.
- Pháp luân 法轮 (bánh xe): biểu thị Phật pháp viên luân, đời đời nối
nhau, tượng trưng cho sinh mệnh không ngừng nghỉ.
- Bảo tản 宝伞 (tràng phan): biểu thị che cho tất cả, đóng mở tự như,
tượng trưng cho sự bảo hộ chúng sinh.
- Bạch cái 白盖 (lọng): biểu thị che phủ thế giới, tịnh hoá vũ trụ, tượng
trưng cho sự giải thoát nghèo khổ bệnh tật.
- Liên hoa 莲花 (hoa sen); biểu thị thần thánh thuần khiết, không vấy
bụi trần, tượng trưng cho sự cự tuyệt ô nhiễm.
- Bảo bình 宝瓶 (bình hoa): biểu thị phúc trí viên mãn, không hề bị
rơi rớt, tượng trưng cho việc có được thành công.
- Kim ngư 金鱼 (cá vàng): biểu thị sự hoạt bát khang kiện, tràn đầy sức
sống, tượng trưng chu xu cát tị tà.
- Bàn trường 盘长 (dây thắt nút): biểu thị quán triệt quanh co, vĩnh hằng
trường cửu, tượng trưng cho trường mệnh bách tuế.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/5/2019
Nguyên tác Trung văn
ĐỨC LĂNG
德陵
trong quyển
MINH ĐẠI THẬP BÁT LĂNG
明代十八陵
Tác giả: Hoàng Liêm 黄濂
Đại Liên xuất bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật