THÀNH HOÀNG
Thành hoàng
城隍, có nơi gọi là “Thành hoàng gia” 城隍爷, là một trong những vị thần trọng yếu được tế tự phổ
biến trong văn hoá tôn giáo ở Trung Quốc, là một trong bát thần (1) trong
Chu quan 周官 của
Nho giáo, cũng là vị thần bảo hộ thành trì được dân gian và Đạo giáo thờ phụng.
Thành hoàng
là địa phương quan ở cõi âm, chức quyền tương đương với Huyện trưởng ở cõi dương
(là chức quan chuyên phụ trách phúc, thọ, lộc của con người và trừng phạt cái
ác, không phải là thần, xưng hô là Thành hoàng phán quan 城隍判官). Nhân đó Thành hoàng có liên quan đến thành thị đồng
thời phát triển theo sự phát triển của thành thị. Thành hoàng sản sinh vào thời
cổ Nho giáo tế tự, trải qua sự diễn biến và phát triển của Đạo giáo thành thần
bảo hộ địa phương. Thành hoàng vốn chỉ hộ thành hà 护城河,
Ban Cố 班固 trong
Lưỡng đô phú tự 两都赋序 có ghi:
Kinh sư tu cung thất, tuấn thành hoàng
京师修宫室浚城隍
(Kinh sư tu sửa cung thất, khơi thông thành hoàng)
Những
quy định về việc tế tự Thành hoàng hình thành vào thời Nam Bắc Triều. Thời Đường
Tống tín ngưỡng Thành hoàng càng thịnh. Đời Tống đưa vào điển lễ quốc gia. Đời
Nguyên phong là Hựu Thánh Vương 佑圣王. Đầu đời Minh, đại
phong tước vị cho Thành hoàng thần trong thiên hạ, phân làm 4 cấp: Vương 王, Công 公, Hầu 侯, Bá 伯, hằng năm tế tự,
chia ra do quốc vương cùng các vị đứng đầu phủ, châu, huyện chủ tế. Minh Thái Tổ
明太祖 nêu
ý nghĩa là:
Dĩ giám sát dân chi thiện ác nhi hoạ
phúc chi, tỉ u minh cử bất đắc hạnh miễn.
以鉴察民之善恶而祸福之, 俾幽明举不得幸免
(Để giám sát việc thiện việc
ác của dân mà giáng họa ban phúc, đem những việc hôn ám nêu rõ ra, không vì
ưu ái mà được miễn)
Chức năng của
Thành hoàng
Thủ hộ thần: bảo hộ thành trì, quốc gia.
Tư pháp thần: chủ quản nhân sinh vong linh, thưởng thiện
phạt ác, sinh tử hoạ phúc và tăng tiến hạnh phúc lợi ích.
Miếu Thành hoàng
Sau thời
Minh Thanh, Thành hoàng trở thành chức quan của một vị thần, không phải là một
vị thần minh.
Đô Thành hoàng 都城隍 do
khu vực hành chính cấp tỉnh phụng tự, tương đương với Tuần phủ chốn dương gian.
Phủ Thành hoàng府城隍 tương đương với Tri phủ chốn dương gian.
Huyện Thành hoàng 县城隍tương đương với Huyện lệnh chốn dương gian.
Thành hoàng
các nơi do những nhân vật khác nhau đảm nhiệm, thậm chí do bách tính nơi đó tự chọn
ra. Tiêu chuẩn chọn là những chí sĩ trung liệt chết vì nước, hoặc những nhân vật
lịch sử thông minh chính trực phù hợp với tiêu chuẩn của Nho gia.
Trong
sách cổ dạy làm quan là Phúc huệ toàn thư
福惠全书 của Hoàng Lục Hồng
黄六鸿 viết
rằng, tân huyện quan: “trước 1 ngày nhận nhiệm vụ hoặc trước 3 ngày, đến miếu Thành hoàng ở lại
đó trai giới, nhằm để trong giấc mộng có được thần chỉ bảo trong khu vực quản
lí của mình có án oan nào còn treo chưa giải quyết hay không.
Có một
số thần minh tuy không gọi là Thành hoàng, nhưng lại có tính chất và chức năng
của Thành hoàng, như Thanh Sơn Vương 青山王 ở huyện Huệ An 惠安,
Tuyền Châu 泉州, Phúc Kiến 福建, miếu phối thờ có
phán quan 判官, chư ti 诸司, Phạm Tạ tướng quân
范谢将军.
Khởi nguyên
của Thành hoàng
Thành hoàng khởi nguyên từ việc tế tự thuỷ 水 (hoàng 隍) dung 庸 (thành 城), là một trong bát
thần ở Chu quan 周官 của
Nho giáo.
“Thành”
城 nguyên
chỉ tường cao đắp bằng đất, “hoàng” 隍 nguyên chỉ hộ thành hào không có nước. Người xưa đắp
thành để bảo vệ an toàn cho bách tính trong thành, cho nên đắp thành tường,
thành lâu, thành môn cùng với hào thành, hộ thành hà. Người xưa cho rằng sự vật
mà có quan hệ mật thiết với cuộc sống mọi người, có quan hệ với sự sản xuất được
an toàn đều có thần, thế là “thành” và “hoàng” được thần hoá trở thành thần bảo
hộ thành thị. Đạo giáo đem vị thần này đưa vào hệ thống của mình, xưng là thần
tiễn trừ hung ác, bảo quốc hộ bang, đồng thời quản lĩnh vong hồn cõi âm.
Vào triều
Chu, mỗi khi sau thu hoạch, đến Trừ tịch, mọi người đều “lạp tế bát thần” 腊祭八神, trong đó vị thần thứ 7 chính là Thuỷ dung thần 水庸神, Thuỷ tức hoàng 隍,
dung tức thành 城, Thuỷ dung thần tức Thành hoàng thần.
Đời
Hán, câu chuyện Kỉ Tín 纪信 cứu Lưu Bang 刘邦 được chép trong Sử
Kí – Hạng Vũ bản kỉ 史记 - 项羽本纪 và
Hán thư – Cao Đế kỉ đệ nhất thượng 汉书 - 高帝纪第一上 với
những tư liệu địa phương có tương quan đều được thuật lại. Sau khi Lưu Bang được
thiên hạ xưng Đế, hậu thưởng và truy phong Kỉ Tín, đồng thời ban hoàng bào gia
thân, chọn khu vực khi đi săn nghỉ ngơi trong Thượng Lâm uyển 上林苑 (nay
là trấn Vương Khúc 王曲) cho xây dựng miếu đường to lớn để thờ phụng, hằng
năm vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch tế tự, về sau trở thành miếu hội. Theo truyền
thuyết, vào thời 2 đế “Văn Cảnh” 文景 (Văn Đế và Cảnh Đế - ND), để thuận ứng lòng dân, cường
hoá sự thống trị, phong Kỉ Tín được phụng thờ làm Thành hoàng thần, trở thành vị
thần bảo hộ thành Trường An 长安. Nhìn từ sử liệu,
Thành hoàng Vương Khúc tế tự Kỉ Tín đến nay đã có lịch sử hơn hai ngàn năm, so
với Thành hoàng gia Chu Du 周瑜 và miếu Thành hoàng ở Vu Hồ 芜湖 Đông Ngô thời
Tam Quốc sớm hơn 400 năm.
Thời Đường,
tín ngưỡng Thành hoàng đã tương đối phổ biến, rất nhiều văn nhân nhã sĩ như Đỗ
Phủ 杜甫, Hàn Dũ 韩愈, Trương Cửu Linh 张九龄, Đỗ Mục 杜牧, Lí Thương Ẩn 李商隐 đều
có thơ văn viết về việc tế tự Thành hoàng. Do bởi dưới sự thống trị chuyên chế
phong kiến đương thời, mọi người đều hi vọng người làm quan có thể vì dân, lo
cho dân, thông cảm với những nỗi thống khổ của dân, nên họ vô cùng kính trọng
những vị quan vì dân làm những việc tốt này. Sau khi những vị quan đó qua đời, người
dân thờ phụng xem như Thành hoàng thần, như Tô Châu 苏州thờ
Xuân Thân Quân 春申君, Hàng Châu 杭州 thờ Văn Thiên Tường
文天祥, Thượng Hải 上海 thờ Tần Dụ Bá 秦裕伯,
Quế Lâm 桂林thờ Tô Giam 苏缄 ...
Đến triều
Minh khi Chu Nguyên Chương 朱元璋 làm hoàng đế, ông đã vô cùng hứng thú đối với Thành hoàng,
bởi Chu Nguyên Chương sinh ra ở miếu Thổ Địa nên đối với thượng ti của Thổ Địa
thần là Thành hoàng thần, ông vô cùng kính trọng. Năm Hồng Vũ 洪武 thứ
2 (năm 1369), Chu Nguyên Chương ban chiếu phong Thành hoàng trong thiên hạ, đồng
thời quy định nghiêm nhặt đẳng cấp của Thành hoàng, phân làm 4 cấp là đô, phủ,
châu, huyện. Thế là trong phút chốc miếu Thành hoàng khắp nơi trong cả nước được
xây dựng nhiều như măng mùa xuân mọc lên sau cơn mưa. Chu Nguyên Chương nói rằng:
Liên lập Thành hoàng thần, sử nhân tri uý,
nhân hữu sở uý, tắc bất cảm vọng vi.
联立城隍神, 使人知畏 , 人有所畏, 则不敢妄为.
(Lập
các Thành hoàng thần, khiến người ta biết sợ, người đã biết sợ thì không dám
làm bậy.) (trích)
Chú của người
dịch
1- Bát thần 八神: tức “bát lạp” 八腊. Trong Lễ kí –
Giao đặc sinh 礼记 - 郊特牲có ghi:
Bát lạp dĩ tự tứ phương
八腊以祀四方
(Bát lạp để tế tự bốn phương)
Theo Trịnh
Huyền 郑玄 - Kinh học gia thời Đông Hán nói rằng, “bát lạp” gồm:
tiên sắc 先啬, tư sắc 司啬, nông 农, bưu biểu chuyết 邮表畷,
miêu hổ 猫虎, phường 坊, thuỷ dung 水庸, côn trùng 昆虫.
Theo https://zhidao.baidu.com/question/580659840.html,
tiên sắc tức Thần Nông 神农; tư sắc tức Hậu Tắc
后稷; nông tức nông phu; bưu biểu chuyết tức lều cỏ, đầu bờ
ruộng, giếng; miêu hổ tức mèo và hổ; phường tức đê; thuỷ dung tức thành hoàng 城隍; và côn trùng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/5/2019
Nguồn
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật