Dịch thuật: Bí ẩn về việc tị huý của người xưa

BÍ ẨN VỀ VIỆC TỊ HUÝ CỦA NGƯỜI XƯA

          Thời xưa có một người tên là Giả Lương Thần 贾良臣, tên của ông ta người trong nhà đặc biệt kị huý, một chữ cũng không được nói. Con của ông ta rất nghe lời. Ngày nọ, thằng con đọc Mạnh tử 孟子, đến câu:
Kim chi sở vị lương thần, cổ chi sở vị dân tặc dã.
今之所谓良臣, 古之所谓民贼
(Nay gọi là bề tôi trung thành, thì xưa gọi là giặc của dân)
Nó lớn tiếng đọc thành:
Kim chi sở vị đa đa, cổ chi sở vị dân tặc dã.
今之所谓爹爹, 古之所谓民贼
(Nay gọi là cha, thì xưa gọi là giặc của dân)
Giả Lương Thần nghe qua suýt ngất. Đây chỉ là chuyện cười mà thôi, nhưng vào thời cổ những chuyện cười như thế rất nhiều, như:
Chỉ hứa châu quan phóng hoả, bất chuẩn bách tính điểm đăng
只许州官放火, 不准百姓点灯
(Cho quan của châu phóng hoả, không cho bách tính thắp đèn)
Đây cũng là câu chuyện cười về việc tị huý của người xưa. Thế thì, việc tị huý của người xưa rốt cuộc là giống như những chuyện cười kia không?
          Sự thực, trong xã hội phong kiến cổ đại Trung Quốc, “tị huý” được xem là chế độ của chế độ tông pháp, là sản vật về quan niệm đẳng cấp tôn ti quý tiện, ảnh hưởng của nó rất lớn. Tị huý là một loại chế độ xã hội, là nguyên tắc mà người xưa cần phải tuân thủ, nói một cách cụ thể chính là mọi người trong cuộc sống thường ngày đặc biệt là trong văn thư giấy tờ qua lại, gặp phải tên của vị đế vương đương đại, tên của thánh nhân hoặc tên của tổ tiên của bản thân người đó, đều cần phải hồi tị. Cũng chính là không thể trực tiếp xưng hô tên của hoàng đế, tên của thánh nhân hoặc của các bậc tôn trưởng, nếu không sẽ chịu sự trựng phạt vô cùng nghiêm khắc, thậm chí mất đầu, đó chính là tị huý.
          Về thời gian bắt đầu của tập tục tị huý, trước mắt có 3 ý kiến:
1- Bắt đầu từ thời Hạ Thương, Tiền Hi Ngôn 钱希言 trong Hí hà 戏瑕có viết:
          Án “Sơn hải kinh” hữu Hạ Hậu Khai, cái huý Khải danh. Huý sở dĩ do thuỷ hĩ.
          山海经有夏后开, 盖讳启名. 讳所以由始矣.
          (Theo “Sơn hải kinh” có Hạ Hậu Khai, huý tên Khải. Cho nên tục tị huý bắt đầu từ đó)
2- Bắt đầu từ đời Chu. Trong Vinh Trai tuỳ bút 荣斋随笔có ghi:
          Đế vương huý danh, tự Chu thế thuỷ hữu thử chế.
          帝王讳名, 自周世始有此制,
          (Tị huý tên đế vương, từ đời Chu bắt đầu có chế độ này.)
3- Bắt đầu từ thời Xuân Thu. Trong Công Dương truyện - Mẫn Công nguyên niên 公羊传 - 闵公元年 có ghi:
          Xuân Thu vi tôn giả huý, vi thân giả huý, vi hiền giả huý.
          春秋为尊者讳, 为亲者讳, 为贤者讳.
          (Thời Xuân Thu huý bậc tôn trưởng, huỷ người thân, huý người hiền.)
          Đề xuất nguyên tắc tị huý trong xã hội tông pháp phong kiến, dưới sự chỉ đạo của nguyên tắc này, dần hình thành chế độ và hệ thống tị huý. Phàm ai ngược lại với chế độ này sẽ bị trừng phạt. Trong Đường luật sớ nghị 唐律疏议 quy định, cố ý vi phạm là “đại bất kính” 大不敬 tức tội mà ‘thập ác bất xá” 十恶不赦. Đời Tống là thời kì đỉnh thịnh của tị huý, đời Nguyên có giảm chút ít, đời Thanh lại đẩy tị huý lên đến cực điểm. Trong khoa cử khảo thí đời Tống, khảo sinh nếu có lỡ thất huý thì sẽ bị khiển trách đánh rớt, cắt đứt tiền đồ; đời Thanh việc cấm kị càng mở rộng, thường lấy việc phạm kị làm lí do, đại hưng “văn tự ngục” 文字狱, nhân đó, “tị huý” phát triển đến chỗ cực cao.
          Biện pháp tị huý của người xưa rất nhiều, đại để có thể phân làm 5 biện pháp: để trống, viết khuyết bút, đổi chữ, đổi cách đọc và thay cách nói. Do bởi nhu cầu của tị huý, trong thư tịch cổ đại rất nhiều nhân danh, địa danh, quan danh bị thay đổi một cách vô lí, gây ra ảnh hưởng nhất định cho việc nghiên cứu lịch sử của chúng ta, nhưng đồng thời tị huý cũng được xem là một hiện tượng lịch sử, lại có đặc trưng thời đại rõ ràng, giúp chúng ta phán đoán được thời đại của sử liệu, xác định được tính chân nguỵ của thư tịch cổ đại.
          Việc tị huý của người xưa ở Trung Quốc là một hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới, bị người đời chê cười, nhưng câu chuyện “châu quan phóng hoả” lại là sự tái diễn không ngừng hình thức của nó trong xã hội hiện thực, chỉ chẳng qua là từ chuyện cười nó biến thành bi kịch xã hội. Chúng ta tin rằng trong tương lai không xa nó vĩnh viễn sẽ trở thành lịch sử.

Chú của người dịch
I- Lục Du 陆游 đời Tống trong Lão Học Am bút kí 老学庵笔记 quyển 5 có chép câu chuyện như sau:
          Điền Đăng tác quận, tự huý kì danh, xúc giả tất nộ, lại tốt đa bị bảng si. Vu thị cử châu giai vị đăng vi hoả. Thượng nguyên phóng hoả nhân nhập châu trị du quan, lại nhân toại thư bảng yết vu thị viết: ‘Bản châu y lệ phóng hoả tam nhật.’
          田灯作郡, 自讳其名, 触者必怒, 吏卒多被榜笞. 于是举州皆谓登为火. 上元放火人入州治游观, 吏人遂书榜谒于市曰: ‘只本州依例放火三日’.
          (Điền Đăng là trưởng quan của châu, tự huý tên của mình, người nào phạm phải huý, ông ta sẽ giận, nhiều lại tốt vì phạm huý mà bị phạt đánh bằng gậy. Thế là cả châu đều nói “đăng” là “hoả”. Tiết Thượng nguyên có tục thả hoa đăng, người người đến châu xem hoa đăng thưởng ngoạn, tên lại bèn yết bảng nơi chợ viết rằng: ‘Bản châu theo lệ “phóng hoả” ba ngày’.
          Tên “Đăng” của viên quan đồng âm với chữ “đăng” là đèn.
“Phóng hoả” 放火 là “đốt” (nhà cửa, cây cối), “điểm đăng” 点灯 là thắp đèn.
          Về sau người ta dùng “Chỉ hứa châu quan phóng hoả, bất chuẩn bách tính điểm đăng” để hình dung kẻ thống trị ngang ngược làm bậy, còn nhân dân làm những việc chính đáng thì bị hạn chế. Cũng phiếm chỉ bản thân tự ý làm những việc mình muốn, mà lại yêu cầu nghiêm khắc người khác hoặc không cho phép người khác có được quyền lợi chính đáng.

II- Thập ác bất xá 十恶不赦:
Thập ác là 10 tội trạng nặng nhất. Trong pháp luật Bắc Chu, Bắc Tề đã liệt kê danh mục “thập điều” 十条 (10 điều) trọng tội, trong pháp luật thời Tuỳ bắt đầu có tên gọi “thập ác” 十恶. Nội dung “thập ác” trong Đường luật 唐律 là:
1- Mưu phản 谋反: phạm tội dự mưu cùng thực thi lật đổ sự thống trị của đế vương, bao gồm việc nguy hại đến nhân thân hoàng đế.
2- Mưu đại nghịch 谋大逆: (nghịch : bội phản, phản nghịch) phạm tội dự mưu cùng thực thi huỷ hoại tông miếu vương thất, lăng mộ và cung điện.
3- Mưu bạn 谋叛: phạm tội dự mưu cùng thực thi phản bội lại triều đình, đầu hàng ngoại quốc hoặc chính quyền khác.
4- Ác nghịch 恶逆: đánh hoặc mưu sát ông bà nội, cha mẹ, giết bác trai bác gái, cô, anh, chị, ông bà ngoại, chồng cùng ông bà nội hoặc cha mẹ của chồng.
5- Đại bất kính 大不敬: hành vi xâm phạm đến quyền uy tôn nghiêm của hoàng đế, uy hiếp sự an toàn nhân thân hoàng đế. Trong pháp luật thời Tống gọi là “đại bất cung” 大不恭.
6- Bất đạo 不道: phạm tội giết chết 3 người vô tội của một nhà hoặc 3 người trở lên, chặt thi thể người bị giết; nuôi trùng độc hoặc phối chế thuốc độc để hại người; dùng pháp thuật tà ác khiến người bị mắc tai bệnh hoặc chết.
7- Bất hiếu 不孝: phạm tội tố cáo hoặc chửi mắng ông bà nội, cha mẹ; khi ông bà nội, cha mẹ còn sống ra ở riêng hoặc cung dưỡng không đủ. Thời Minh Thanh, luật tăng thêm “ông bà nội, cha mẹ của chồng”.
8- Bất mục 不睦: (mục : hoà thuận, gần gũi) phạm tội với thân tộc, như phạm tội mưu sát hại và bán đứng thân thuộc, đánh nhau hoặc tố cáo chồng, bậc tôn trưởng, thân thuộc.
9- Bất nghĩa 不义: hạ thuộc (cấp dưới) giết chủ phủ của bản thuộc, thứ sử, huyện lệnh, thầy dạy; lại viên giết trưởng quan từ ngũ phẩm trở lên của bản bộ, chồng chết liền cải giá.
10- Nội loạn 内乱: (nội : nội bộ, gia tộc nội loạn; loạn : nam nữ quan hệ không chính đáng, dâm loạn) hành vi dâm loạn trong gia tộc, như cưỡng gian thân thuộc hoặc thiếp của cha, của ông nội.
          Quy định về “thập ác” các đời noi theo. “Thập ác” không có khoan xá, nhân đó lời tục có câu: “thập ác bất xá” 十恶不赦.
          (Nguồn: “Trung Quốc cổ đại văn hoá thường thức” 中国古代文化常识
Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅,Đào Tịch Giai 陶夕佳,Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波. Tam Xuân xuất bản xã, 2008)
                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 14/5/2019

Nguyên tác Trung văn
CỔ NHÂN TỊ HUÝ CHI MÊ
 古人避讳之谜
Tác giả: Từ Quốc Cầm 徐国琴
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post