TẠI SAO NGƯỜI
XƯA GỌI TRƯỞNG QUAN ĐỊA PHƯƠNG LÀ
“PHỤ MẪU QUAN”
“Phụ mẫu
quan” 父母官 (quan
phụ mẫu) là từ tôn xưng của bách tính đối với châu quan, huyện quan vào thời cổ.
Thế thì, do đâu mà mọi người gọi quan của địa phương là “phụ mẫu quan”?
Theo
ghi chép trong Hán thư 汉书, thời Hán
Nguyên Đế 汉元帝có một vị đại thần tên Thiệu Tín Thần 召信臣, đảm nhiệm chức Thái thú ở Nam Dương 南阳. Thời gian cai trị, ông yêu dân như con, tạo phúc cả
một vùng; còn làm thuỷ lợi, xây dựng những công trình thực tế có lợi cho dân.
Thiệu Tín Thần thường xuyên xuống ruộng đích thân hướng dẫn dân canh tác. Làm
việc mệt nhọc, ông với dân cùng ăn cùng ngủ. Do bởi nước tưới kịp thời, canh
tác hợp lí, nên thu nhập của nông dân hàng năm tăng lên. Đồng thời với việc hướng
dẫn dân nỗ lực sản xuất, Thiệu Tín Thần còn đặc biệt chú trọng đến việc giáo
hoá. Ông chế định ra không ít những quy định thay đổi phong tục, ví dụ như: yêu
cầu người dân địa phương trong hôn tang giá thú không được phô trương lãng phí;
quan lại cùng con em nếu có người kiêu xa dâm dật, phải bị bãi quan và chịu
hình phạt.
Dưới sự
trị lí của Thiệu Tín Thần, quận Nam Dương an lạc hoà mục, phong tục tiết kiệm
thịnh hành, địa phương giàu có. Bách tính các nơi khác nghe nói, đều dời đến ở.
Người dân địa phương vô cùng kính yêu vị Thái thú này, thế là gọi ông ta là
“Thiệu phụ” 召父. Nơi phía nam thành ở huyện Đường Hà 唐河đến nam vẫn bảo lưu được di chỉ “Thiệu phụ cừ” 召父渠 (mương
nước Thiệu phụ).
Không
chỉ có một, đến thời Quang Vũ Đế 光武帝 triều Đông Hán, bách tính Nam Dương lại được gặp một vị
Thái thú tốt, tên ông ta là Đỗ Thi 杜诗. Tương truyền Đỗ
Thi đem lại điều lợi cho dân nhiều hơn Thiệu Tín Thần. Thế là người dân Nam
Dương trước có cách nói “tiền hữu Thiệu phụ, hậu hữu Đỗ mẫu” 前有召父, 后有杜母 (trước có Thiệu phụ, sau có Đỗ mẫu).
Về sau,
bách tính cũng thường gọi một cách thân thiết những quan viên cần chính liêm
khiết là “phụ mẫu quan”. Và về sau nữa, bất luận chính tích của quan viên như
thế nào, họ cũng đều được tôn trọng. Cho nên, để đề cao quan viên, mọi người
bèn gọi chung quan địa phương là “phụ mẫu quan”. Đương nhiên, cách gọi này cũng
hi vọng ở họ cũng có thành phần giống như “Thiệu phụ Đỗ mẫu” biết mưu cầu phúc
lợi cho dân.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 19/4/2019
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật