NGUỒN GỐC HỌ MẠNH
Công tộc
nước Lỗ thời Xuân Thu là con cháu tính Cơ 姬 của Chu Văn
Vương 周文王, thuỷ tổ mang họ Mạnh là Khánh Phủ Cung Trọng 庆父共仲 (1), con thứ của Lỗ Hoàn Công 鲁桓公.
Khánh Phủ 庆父phẩm hạnh cực xấu. Trong số các con thứ của Lỗ Hoàn
Công, ông là lớn nhất. Để tránh tội thí quân của Khánh Phủ, đồng thời trong thứ
tự anh em, chữ “Mạnh” 孟 đại biểu cho người lớn nhất, con cháu của Khánh Phủ đã
đổi xưng là “Mạnh Tôn thị” 孟孙氏, về sau giản hoá
là Mạnh thị 孟氏. Chi mang họ Mạnh này xuất phát từ Sơn Đông 山东.
Con cháu đời sau của Mạnh Kha 孟轲, nhân bổn tộc được vinh dự đã tôn Mạnh Kha làm thuỷ tổ
họ Mạnh.
Họ Mạnh
ước chiếm 0,24% nhân khẩu của dân tộc Hán trong cả nước, chiếm vị trí thứ 84. Tại
các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Cát Lâm nhiều người mang
họ Mạnh, trong đó ở Sơn Đông họ Mạnh tập trung nhiều nhất.
Danh nhân
các đời
Thời
Chiến Quốc có Mạnh Kha 孟轲, triết học gia nổi
tiếng, Mặc gia Mạnh Thắng 孟胜, dũng sĩ Mạnh Bôn
(Bí) 孟贲. Thời Tây Hán có Mạnh Hỉ 孟喜,
người khai sáng kim văn Dịch học “Mạnh Dịch học” 孟易学.
Thời Đông Hán có Mạnh Quang 孟光đã “cử án tề
mi” 举案齐眉 (nâng mâm ngang mày) (2) đối với chồng. Thời Tam Quốc, tại
nước Ngô có Mạnh Tông 孟宗thờ mẹ chí hiếu “khốc
trúc sinh duẫn” 哭竹生笋 (khóc trúc sinh măng) (3), Thục Hán có Mạnh
Hoạch 孟获, thủ lĩnh tộc Di. Cuối đời Tuỳ có Mạnh Nhượng 孟让, Mạnh Hải Công 孟海公 thủ lĩnh khởi
nghĩa nông dân. Thời Đường có thi nhân Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然,
Mạnh Vân Khanh 孟云卿, Mạnh Giao 孟郊, thuỷ lợi học gia Mạnh
Giản 孟简.
Chú của người
dịch
1- Khánh Phủ
Cung Trọng 庆父共仲 (? – năm 660
trước công nguyên): tính Cơ 姬 danh Khánh Phủ 庆父, tự Trọng Tôn 仲孙,
Thượng khanh của nước Lỗ thời Xuân Thu, con của Lỗ Hoàn Công Cơ Doãn 鲁桓公姬允, em khác mẹ với Lỗ Trang Công Cơ Đồng 鲁庄公姬同. Khánh Phủ được xem là ông tổ của Mạnh Tôn thị 孟孙氏, một trong “tam Hoàn” 三桓 của nước Lỗ.
Sau khi Lỗ Trang Công qua đời, Khánh Phủ trước sau sai người sát hại quốc quân
công tử Cơ Ban 姬般 và Lỗ
Mẫn Công Cơ Khải 鲁闵公姬启, gây ra nội loạn chính trị. Về sau, cũng vì nội loạn,
Khánh Phủ chạy sang nước Cử 莒. Qua một thời gian, quốc
quân nước Cử 莒nhận hối lộ, đưa Khánh Phủ về nước, giữa đường Khánh
Phủ
thắt cổ chết, thuỵ hiệu là “Cung Trọng” 共仲. Người đời sau gọi người mà gây ra nội loạn là “Khánh
Phủ”, và thành ngữ “Khánh Phủ bất tử, Lỗ nạn vị dĩ” 庆父不死, 鲁难未已 (Khánh
Phủ mà chưa chết thì nạn của nước Lỗ chưa hết) bắt nguồn từ đây.
2- Cử án tề mi 举案齐眉:
Theo Hậu Hán thư – Lương Hồng truyện 后汉书 - 梁鸿传 của Phạm Việp 范晔thời
Nam Triều, Lương Hồng 梁鸿 giã gạo thuê, mỗi khi về nhà, vợ là Mạnh Quang 孟光 đã
chuẩn bị sẵn thức ăn, cung kính nâng mâm lên ngang tầm chân mày.
(“Thành ngữ đại từ điển” – Bắc Kinh . Thương vụ ấn thư quán. Quốc tế
hữu hạn công ti, 2004)
3- Khốc trúc
sinh duẫn哭竹生笋:
Mạnh
Tông 孟宗người Giang Hạ 江夏 thời Tam Quốc,
phụ thân mất từ sớm, mẫu thân già yếu, hai mẹ con sống nương tựa lẫn nhau. Một
ngày nọ, mẫu thân cảm thấy không được khoẻ, thầy thuốc cho biết dùng măng tươi
làm canh thì có thể chữa đươc bệnh cho mẫu thân. Đương lúc mùa đông, không thể
tìm được măng, Mạnh Tông không biết cách nào, trong lòng lo lắng, một mình đến
rừng trúc, ôm trúc mà khóc. Tiếng khóc của Mạnh Tông đánh động những cây trúc gần
bên, thế là kì tích phát sinh, chỉ nghe một tiếng vang, trong phút chốc nhiều
măng non chồi lên mặt đất. Mạnh Tông vô cùng vui mừng liền hái mang về nhà, nấu
thành canh trúc dâng cho mẫu thân. Mẫu thân sau khi dùng qua, quả nhiên thân thể
chuyển biến tốt. Mạnh Tông về sau có nhiều thành tích, làm quan đến chức Tư Không 司空.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/4/2019
Nguyên tác Trung văn
CƠ TÍNH UYÊN
NGUYÊN
姬姓渊源
Trong quyển
BÁCH GIA TÍNH
百家姓
Biên soạn: Triệu Dương 赵阳
Cát Lâm Đại học xuất bản xã, 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật