Dịch thuật: Vì sao Cố cung lại gọi là Tử Cấm Thành

VÌ SAO CỐ CUNG LẠI GỌI LÀ TỬ CẤM THÀNH

          Cố cung 故宫 cách gọi cũ là Tử Cấm Thành 紫禁城. Từ năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 4 đến năm Vĩnh Lạc thứ 18, Minh Thành Tổ 明成祖bắt đầu xây dựng Cố cung. Hai triều Minh Thanh với 24 vị hoàng đế chấp chính tại đây.
          Tử Cấm Thành là cung điện của hoàng gia, tường đỏ ngói vàng, kim bích huy hoàng, tại sao lại gọi hoàng cung là Tử Cấm Thành? Đại khái có 3 thuyết.
          - Thuyết thứ 1: cho rằng điều này có liên quan đến điển cố “tử khí đông lai”  气东来 thời cổ. Theo truyền thuyết, Lão Tử 老子ra Hàm Cốc quan 函谷关, có “tử khí” 紫气 (1) từ hướng đông bay tới, người giữ ải trông thấy, chẳng bao lâu, Lão Tử cưỡi thanh ngưu khoan thai đi đến, Người giữ ải liền biết đó là thánh nhân, xin Lão Tử viết ra bộ Đạo đức kinh 道德经 nổi tiếng. “Tử khí” này được mọi người cho là có hàm nghĩa cát tường, dự báo điềm đế vương, thánh hiền và báu vật xuất hiện. Từ đó có thể thấy chữ “tử” trong Tử Cấm Thành” vị trí ở đầu. Chỗ hoàng đế cư trú được phòng bị nghiêm nhặt, bách tính bình thường khó mà tiếp cận, cho nên gọi là “Tử Cấm Thành”.
          - Thuyết thứ 2: cho rằng, lai lịch của Tử Cấm Thành có liên quan đến một truyền thuyết mê tín. Hoàng đế tự cho mình là con của Thiên Đế, tức thiên tử. Thiên cung là chỗ ở của Thiên Đế, cũng đương nhiên là nơi thiên tử cư trú. Trong Quảng nhã – Thích thiên 广雅 - 释天 có câu:
Thiên cung vị chi Tử cung
天宫谓之紫宫
(Thiên cung gọi là Tử cung)
Nhân đó cung điện nơi hoàng đế cư trú được gọi là Tử cung. Tử cung cũng được gọi là Tử Vi cung 紫微宫, trong Hậu Hán thư 后汉书 nói rằng:
          Thiên hữu Tử Vi cung, thị Thượng Đế chi sở cư dã, vương giả lập cung, tượng nhi vi chi.
          天有紫微宫, 是上帝之所居也, 王者立宫, 象而为之.
          (Trên trời có Tử Vi cung là nơi cư trú của Thượng Đế, bậc vương giả lập cung cũng theo đó mà làm)
          Trong Nghệ văn loại tụ 艺文类聚 có câu:
          Hoàng khung thuỳ tượng, dĩ thị đế vương, Tử Vi chi tắc, hoằng đản di quang.
          皇穹垂象, 以示帝王, 紫微之则, 弘诞弥光.
          (Trời cao hiển thị điềm để chỉ bảo đế vương, như sao Tử Vi toả sáng vô cùng vô tận)
          - Thuyết thứ 3: cho rằng, lai lịch của Tử Cấm Thành có liên quan đến học thuyết “hoàng viên” 皇垣 cổ đại. Thời cổ, các nhà thiên văn học phân “tinh viên” 星垣 trên trời (khu vực của sao) làm tam viên 三垣, nhị thập bát tinh tú 二十八星宿  cùng các tinh toà khác. “Tam viên” chỉ Thái Vi viên 太微垣, Thiên Thị viên 天市垣 và Tử Vi tinh viên 紫微星垣. Tử Vi tinh viên chỉ thiên tử, ở vào vị trí trung ương của tam viên. Tử Vi tinh viên tức Bắc Đẩu tinh 北斗星, bốn phía chung quanh có quần tinh vây lấy. Thời cổ có cách nói:
Tử Vi chính trung
紫微正中
(Tử Vi ở chính giữa)

Thái bình thiên tử đương trung toạ
Thanh thận quan viên tứ hải phân (2)
太平天子当中坐
清慎官员四海分
(Thời thái bình, thiên tử ngồi ở vị trí trung tâm
Quan viên thanh liêm cẩn thần cần mẫn chia ra ở quanh bốn biển)
          Người xưa đã xem thiên tử là Tử Vi tinh viên 紫微星垣, thế thì Tử Vi viên 紫微垣cũng trở thành vùng đất của hoàng cực, cho nên gọi cung điện của đế vương là Tử Cực 紫极, Tử Cấm 紫禁, Tử Viên 紫垣. Cách nói “Tử viên” sớm nhất đã có ở đời Đường. Vương Duy 王维  trong Sắc tứ bách quan Anh đào 敕赐百官樱桃 viết rằng:
Phù Dung khuyết hạ hội thiên quan
Tử Cấm chu anh xuất Thượng Lan. (3)
芙蓉阙下会天官
紫禁朱樱出上阑
(Dưới khuyết Phù Dung các quan tụ tập
Cây anh đào nơi Tử Cấm nhô ra khỏi Thượng Lan)
          Cố cung Bắc Kinh chiếm diện tích 1087 mẫu, chiều nam bắc dài 961m, chiều đông tây rộng 753m, chu vi khoảng 7dặm Trung Quốc, toàn bộ điện đường ốc vũ đạt đến hơn 9000 gian, tường thành bốn phía cao hơn 10m, gọi toà thành đế vương này là Tử Cấm Thành không chỉ danh xứng kì thực mà còn hàm nghĩa thành của thiên tử. Khảo sát kiến trúc trong Cố cung, Thái Hoà điện 太和殿 to lớn hùng vĩ tượng trưng cho “thiên” ở vị trí trung cực của Cố cung, là nơi nhô lên cao nhất; Càn Thanh cung 乾清宫 và Khôn Ninh cung 坤宁宫 tượng trương cho “thiên” và “địa” sát liền nhau; hai cổng Nhật Tinh 日星 và Nguyệt Hoa 月华 ở hai bên tượng trưng cho “nhật” và “nguyệt”; còn 6 cung bên đông tây cùng những tổ hợp kiến trúc phía ngoài tượng trưng cho nhị thập tinh thần, biểu thị cho quần tinh trên trời. Quần thể kiến trúc mang tính tượng trưng này, bảo vệ 2 cung Càn Thanh và Khôn Ninh tượng trưng thiên địa hợp bích, biểu minh sự uy nghiêm thiên tử “thụ mệnh vu thiên” 受命于天 (nhận mệnh từ trời) và “quân quyền thần thụ” 君权神授 (quyền của thiên tử được thần trao cho).
          Cách gọi cũ của Cố cung – Tử Cấm Thành, nhìn từ “Tinh viên” học, cách đặt tên và thiết kế kiến trúc có thể nói là thống nhất cao độ, châu liên hợp bích.

Chú của người dịch
1- Tử khí 紫气: tức “tử sắc vân khí” 紫色云气 khí mây có sắc tía. Thời cổ cho rằng “tử khí” mang điềm cát tường. Chữ “tử” ở đây có nghĩa là màu tía.
2- Câu này trong nguyên tác in nhầm chữ (thận) thành chữ (tình).
3- Trong nguyên tác là:
Phù Dung khuyết hạ hội thiên cung
Tử Cấm tống anh xuất Thượng Lan.
芙蓉阙下会天宫
紫禁宋樱出上兰

 Theo http://duguoxue.cn/yuedu/22355.html và một số tư liệu khác, hai câu này là:
Phù Dung khuyết hạ hội thiên quan
Tử Cấm chu anh xuất Thượng Lan.
芙蓉阙下会天官
紫禁朱樱出上阑
Phù Dung khuyết 芙蓉阙: chỉ kiến trúc đối xứng mang tính trang sức ở hai bên cung môn.
Chu anh 朱樱: tức cây anh đào. Trái anh đào khi chín có sắc đỏ đậm, nên gọi là “chu anh”.
Thượng Lan 上阑: tên một Quán ở Thượng Lâm uyển 上林苑trong Hán cung.
          Tôi theo tư liệu này sửa lại.

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 08/3/2019

Nguyên tác Trung văn
CỐ CUNG VỊ HÀ XƯNG VI TỬ CẤM THÀNH
故宫为何称为紫禁城
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post