Dịch thuật: Về năm hoàn thành bộ "Thái Bình ngự lãm"



VỀ NĂM HOÀN THÀNH BỘ “THÁI BÌNH NGỰ LÃM”  

          Tháng 3 năm Thái Bình Hưng Quốc 太平兴国thứ 2 (năm 977), (Tống) Thái Tông 太宗 ban chiếu lệnh 14 người gồm:
- Hàn lâm học sĩ Lí Phưởng 翰林学士李昉, Hỗ Mông 扈蒙
- Tả bổ khuyết Tri chế cáo Lí Mục 左补阙知制诰李穆
- Thái tử Thiếu thiêm sự Thang Duyệt 太子少詹事汤悦
- Thái tử Suất canh lệnh Từ Huyền 太子率更令徐铉
- Thái tử Trung doãn Trương Kí太子中允张洎
- Tả bổ khuyết Lí Khắc Cần 左补阙李克勤
- Tả thập di Tống Bạch 左拾遗宋白
- Thái tử Trung doãn Trần Ngạc 太子中允陈鄂
- Quang lộc tự thừa Từ Dụng Tân 光禄寺丞徐用宾
- Thái phủ tự thừa Ngô Thục 太子寺丞吴淑
- Quốc tử tự thừa Thư Nhã 国子寺丞舒雅
- Thiếu phủ giám thừa Lã Văn Trọng 少府监丞吕文仲, Nguyễn Tư Đạo 阮思道
“đem các sách đời trước Tu văn ngự lãm修文御览, Nghệ văn loại tụ 艺文类聚, Văn tư bác yếu 文思博要cùng các sách khác, phân loại biên soạn làm 1000 quyển.” (1) Lúc ban đầu nhận mệnh biên soạn bộ sách này là 14 người. Về sau Tả bổ khuyết Lí Khắc Cần 左补阙李克勤, Quang lộc tự thừa Từ Dụng Tân 光禄寺丞徐用宾, Thiếu phủ giám thừa Nguyễn Tư Đạo 阮思道 đổi nhậm chức quan khác, lại mệnh Thái tử Trung doãn Vương Khắc Trinh 王克贞, Đổng Thuần 董淳, Trực sử quán Triệu Lân Kỉ 赵邻几 bổ sung, tham dự biên soạn (2), nhân đó, trước sau quan viên tham gia soạn tu Thái Bình ngự lãm 太平御览 tổng cộng là 17 người.
          Tên lúc ban đầu của Thái Bình ngự lãm 太平御览Thái Bình tổng loại 太平总类. Tháng 11 năm Thái Bình Hưng Quốc 太平兴国 thứ 8 (năm 983), Thái Tông ban chiếu:
          Sử quán sở tu “Thái Bình tổng loại” nhất thiên quyển, nghi lệnh nhật tiến tam quyển, trẫm đương thân lãm yên, tự thập nhị nguyệt nhất nhật vi thuỷ.
          史馆所修太平总类一千卷, 宜令日进三卷, 朕当亲览焉, 自十二月一日为始.
          (1000 quyển Thái Bình tổng loại mà Sử quán tu soạn, lệnh mỗi ngày tiến dâng 3 quyển, trẫm đích thân xem qua, bắt đầu từ ngày 1 tháng 12.)
          Sau khi chiếu thư ban xuống, Tể tướng Tống Kì 宋琪 vội dâng lời can gián, nói rằng:
          - Thiên hàn cảnh đoản, nhật duyệt tam quyển khủng thánh cung bì quyện.
          天寒景短, 日阅三卷恐圣躬疲倦.
          (Trời lạnh ngày ngắn, mỗi ngày xem 3 quyển e thánh cung mỏi mệt.)
          Thái Tông không cho là như thế, đáp rằng:
          - Trẫm tính hỉ độc thư, phả đắc kì thú, khai quyển hữu ích, khởi đồ nhiên dã?
          朕性喜读书, 颇得其趣, 开卷有益, 岂徒然也?
          (Trẫm tính thích đọc sách, lại thấy hứng thú, mở sách có ích, há uổng phí sao?)
          Tác giả sách Ngọc Hải 玉海cảm thán rằng:
          - Nhân tri hiếu học giả độc vạn quyển thư, phi hư ngữ nhĩ.
           因知好学者读万卷书, 非虚语耳.
          (Nhân đây mới biết những người ham học đọc cả vạn quyển sách, chẳng phải là nói suông vậy.)
          Một tháng sau, toàn thư hoàn thành, 1000 quyển, phân làm 54 môn (3). Sau khi thành sách, Thái Tông ban chiếu rằng:
          Sử quán tân toản “Thái Bình tổng loại” nhất thiên quyển, bao quát quần thư,  chỉ chưởng thiên cổ, phả tư ất dạ chi lãm, hà chỉ danh sơn chi tàng (*)? Dụng tứ gia xưng, dĩ truyền lai duệ, khả cải danh “Thái Bình ngự lãm” (4)
          史馆新纂太平总类一千卷, 包括群书, 指掌千古, 颇资乙夜之览, 何止名山之藏? 用赐嘉称, 以传来裔, 可改名太平御览.
          (Sử quán mới biên soạn “Thái Bình tổng loại” 1000 quyển, bao gồm quần thư, sự việc ngàn xưa rõ ràng, ban đêm có thể đọc, đâu chỉ ẩn tàng chốn danh sơn, nay ban cho tên đẹp để truyền lại đời sau, có thể đổi tên là “Thái Bình ngự lãm”)
          Vấn đề Thái Bình ngự lãm thành sách vào tháng 12 năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8, chỉ thấy ghi chép ở Ngọc Hải 玉海Tống quốc triều hội yếu 宋国朝会要, nhưng trong Tống Thái Tông thực lục 宋太宗实录Tục Tư trị thông giám trường biên 续司治通鉴长编, lại không ghi chép sự kiện thành sách vào tháng 12, chỉ có chiếu thư tháng 11 hàng ngày tiến dâng 3 quyển. Căn cứ vào đây, thế là có học giả cho rằng, bộ sách này không phải hoàn thành vào tháng 12 năm thứ 8, mà là hoàn thành vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7, nhân vì chỉ có hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành bộ phận Thái Tông mới ban chiếu hàng ngày tiến dâng 3 quyển. Chứng cứ trực tiếp của thuyết này đó là ghi chép của học giả và là sử học gia Bắc Tống Tống Mẫn Cầu 宋敏求:
          “Tổng loại” thành, Đế nhật lãm tam quyển, nhất niên nhi chu, tứ danh “Thái Bình ngự lãm” (5)
          “总类, 帝日览三卷, 一年而周, 赐名太平御览”.
          (“Tổng loại” hoàn thành, Đế mỗi ngày đọc 3 quyển, tròn một năm, ban cho tên là “Thái Bình ngự lãm”).
          Rốt cuộc Thái Bình ngự lãm thành sách vào lúc nào? Phải là năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7.
          Đầu tiên, việc ban tên cho “Thái Bình ngự lãm” xác thực là vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8, điều này hợp với tròn một năm.
          Tiếp đó, kế tiếp sau Thái Bình ngự lãm, sắc biên soạn Văn uyển anh hoa 文苑英华, việc này bắt đầu từ tháng 9 năm thứ 7, nhân viên tham dự biên soạn chính là những người đã biên soạn Thái Bình ngự lãm: Lí Phưởng, Hỗ Mông, Từ Huyền, Tống Bạch, Lí Mục ... Do đó có thể thấy, bộ Thái Bình ngự lãm thành sách vào năm thứ 7. Sách này, ở đầu các quyển đều ghi:
          Hàn lâm học sĩ thừa chỉ Chính phụng đại phu thủ Công bộ Thượng thư Tri chế cáo Thượng trụ quốc Lũng Tây huyện Khai Quốc Bá thực ấp thất bách hộ tứ tử kim ngư đại thần Lí Phưởng đẳng phụng sắc soạn.
          翰林学士丞旨正奉大夫守工部尚书知制诰上柱国陇西县开国伯食邑七百户赐紫金鱼袋臣李昉等奉敕撰
          Điều này tương hợp với chức hàm của Lí Phưởng vào năm thứ 7 (6). Năm thứ 8 thì chức hàm có khác (7).....

Chú của nguyên tác
1- Ngọc Hải . quyển ngũ 玉海 . 卷五
2- Tống yếu hội 宋要会
3- Tống Thái Tông thực lục 宋太宗实录 (kì thực là 55 môn)
4- Ngọc Hải玉海   
5- Xuân minh thoái triều lục . quyển tam 春明退朝录 . 卷三
6- Tống sử . Lí Phưởng truyện 宋史 . 李昉传
7- Đông Đô sự lược . quyển tam thập nhị 东都事略 . 卷三十二

Chú của người dịch
*- Danh sơn chi tàng 名山之藏 : tức thành ngữ “tàng chi danh sơn” 藏之名山, ý nói đem trứ tác giấu nơi danh sơn để truyền cho người có chí thú tương hợp. Thành ngữ này hình dung một trứ tác cực kì có giá trị. Xuất xứ từ Báo Nhậm Thiếu Khanh thư 报任少卿书 của Tư Mã Thiên 司马迁:
          Bộc thành dĩ trứ thử thư, tàng chi danh sơn, truyền chi kì nhân, thông ấp đại đô, tắc bộc thường tiền nhục chi trách, tuy vạn bị lục, khởi hữu hối tai!
          仆诚以著此书, 藏之名山, 传之其人,通邑大都则仆偿前辱之责, 虽万被戮岂有悔哉!
          (Tôi hiện giờ đã viết xong bộ sách, định đem cất nơi danh sơn để truyền lại cho người có thể truyền, rồi để nó lưu truyền nơi đô ấp, có như thế thì tôi đã được đền bù nỗi nhục mà trước đó phải mang, cho dù tôi có ngàn lần vạn lần bị giết, há có gì phải hối hận!)

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 04/3/2019

Nguyên tác Trung văn
THÁI BÌNH NGỰ LÃM
太平御览
Trong quyển
LỊCH TRIỂU HOÀNG CUNG BẢO TỊCH
历朝皇宫宝籍
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc Văn sử xuất bản xã, 2002.
Previous Post Next Post