SỰ THAY THẾ
GIỮA CHÂU VÀ QUẬN
BÀN VỀ CHỮ
“QUẬN”
Chữ 郡 (quận)
gồm chữ 君 (quân)
và chữ 邑 (ấp).
Thuyết văn giải tự 说文解字 cho rằng 君 (quân)
là thanh phù. Một thuyết khác cho rằng:
Quân tại tả biên, ấp tại hữu biên, quân
vi nguyên thủ, ấp dĩ tái dân.
君在左边, 邑在右边, 君为元首, 邑以载民
(Quân ở bên trái, ấp ở bên phải, quân là vị nguyên thủ,
ấp là để chứa dân)
Theo
cách nói này thì 郡 (quận) là chữ hội ý, xem Nghệ văn loại tụ 艺文类聚 (1).
“Quận”
là tên gọi khu vực hành chính. Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất
Trung Quốc, tiếp thụ kiến nghị của Lí Tư 李斯 , chia toàn quốc
ra làm 36 quận, từ quận lại chia ra một số huyện, từ đó kiến lập nên chế độ quận
huyện để thống trị. Nhưng trước triều Tần, vào cuối thời Xuân Thu, đương thời
các nước đã thiết lập quận tại nơi biên địa, chẳng qua huyện lúc bấy giờ lớn
hơn quận, quận nhỏ hơn huyện. Trong Thuyết
văn 说文nói rằng:
Chu lễ, thiên tử địa phương thiên lí, phân
vi bách huyện, huyện hữu tứ quận.
周礼, 天子地方千里, 分为百县, 县有四郡.
(Theo lễ
nhà Chu , vùng đất của thiên tử vuông ngàn dặm,
chia làm trăm huyện, huyện lại có 4 quận.)
Trong Xuân Thu truyện 春秋传 có ghi:
Thượng đại phu thụ huyện, Hạ đại phu thụ quận.
(2)
上大夫受县, 下大夫受郡.
(Thượng
đại phu nhận huyện, Hạ đại phu nhận quận)
Đầu triều
Tần là 36 quận, đến cuối triều Tần tăng lên 40 quận, quản hạt hơn 1000 huyện trong toàn quốc. Quận thiết lập Quận
thú 郡守, Quận uý 郡尉. Thời kì đầu, người
đứng đầu quận vốn là võ chức, liên quan đến việc phòng thủ biên quan, cho nên 郡守 xưng
là 守 (thú).
Xưng vị “Quận thú” này đến đời Hán Cảnh Đế 汉景帝
mới đổi là “Thái thú” 太守. Triều Hán theo chế
độ triều Tần, gần 400 năm đều theo chế độ quận huyện của triều Tần. Chỉ là thời
Hán Vũ Đế 汉武帝, trên quận lại kiến lập 13 Thứ sử bộ 刺史部. Do bởi Thứ sử bộ dùng theo tên gọi thời cổ là 州(châu), cho nên lãnh địa của Thứ sử bộ cũng xưng là 州 (châu).
Chẳng qua châu lúc bấy giờ vẫn chưa là một tổ chức hành chính địa phương, mà chỉ
là một cơ cấu giám sát (3).
Thời
Nguỵ, Tấn , Nam Bắc triều là thời kì châu, quận,
huyện. “Châu” thời Tam Quốc đã trở thành tổ chức hành chính trên “quận”, không
còn là cơ cấu giám sát nữa. Sau thời Nguỵ Tấn, số lượng châu gia tăng, phạm vi
mà châu và quận sở lãnh không khác nhau là bao, một châu chỉ có thể lãnh 1,2 quận.
Cơ cấu giữa châu và quận trùng điệp, châu dần mất đi tác dụng. Chế độ 3 cấp
châu, quận, huyện xu thế tất hướng đến quá độ 2 cấp. Đến thời Tuỳ Văn Đế 隋文帝 đổi
quận làm châu, thành 2 cấp; Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝 lại đổi châu
làm quận.
Thời Đường
dùng tên “châu”. Như Cố Viêm Vũ 顾炎武 trong Nhật tri lục
日知录 ở mục
chữ “phủ” 府 có nói:
Hán viết quận, Đường viết châu, châu tức quận
dã.
汉曰郡, 唐曰州, 州即郡也.
(Thời
Hán gọi là quận, thời Đường gọi là châu, châu tức là quận)
Tuy thời
Đường vào niên hiệu Thiên Bảo 天宝 nguyên niên đồi châu làm quận, nhưng đến niên hiệu Càn
Nguyên 乾元 nguyên
niên đời Túc Tông 肃宗lại đổi quận làm châu. Thời gian trước sau chỉ có 16
năm. Để tiện cho việc quản lí, thời Đường trên châu lại thiết lập “đạo” 道, có điểm tương tự với Thứ sử bộ của triều Hán, cũng
là một cơ cấu giám sát. Chỉ là về sau “đạo” lại diễn hoá thành chế độ Tiết độ sứ
节度使nắm giữ quân quyền.
Thời Tống
cũng dùng tên “châu”, nhưng tên “quận” vẫn chưa biến mất, quận được dùng làm biệt
xưng của châu, đến thời Minh phế bỏ quận.
Khi đọc
sách cổ, chúng ta thường thấy xuất hiện khái niệm châu, quận, nếu lưu ý, có thể
giúp chúng ta nắm vững tình hình biến động về sự phân chia khu vực hành chính
qua các đời, làm phong phú tri thức của chúng ta về lịch sử, địa lí. Ví dụ đọc Xích Bích chi chiến 赤壁之战 của Tư Mã Quang 司马光,
Đông Ngô khi thảo luận nghinh Tháo hay kháng Tháo, Lỗ Túc 鲁肃nói rằng:
Kim Túc khả nghinh Tháo nhĩ, Tháo đương dĩ
Túc hoàn phó hương đảng. Phẩm kì danh vị, ..... luỹ quan bất thất châu quận dã.
今肃可迎操耳, 操当以肃还付乡党.品其名位, ..... 累官不失州郡也.
(Nay
Túc tôi có thể nghinh thuận Tào Tháo, Tào Tháo muốn đưa tôi về quê nhà. Phẩm
bình danh vị của tôi ..... về sau dần thăng quan, vẫn không thấp hơn loại chức
vị châu quận.)
Từ “bất thất châu quận” có thể suy đoán thời Tam Quốc
đã có chế độ 3 cấp châu, quận, huyện. Và như khi đọc trong Trần Tình biểu 陈情表của Lí Mật 李密, trong đó có câu:
Phi độc Thục chi nhân sĩ cập nhị châu Mục Bá
sở kiến minh tri, hoàng thiên hậu thổ, thực sở cộng giám.
非独蜀之人士及二州牧伯所见明知, 皇天后土, 实所共鉴.
( (Nỗi
khổ sở của tôi) không chỉ nhân sĩ đất Thục cùng trưởng quan hai châu tận mắt
trông thấy, trong lòng hiểu rõ, mà ngay cả trời đất thần minh cũng nhìn thấy rất
rõ ràng)
Trần tình biểu là biểu văn Lí Mật dâng
lên Tấn Vũ Đế 晋武帝, ông xin được phụng dưỡng tổ mẫu, không muốn đi làm
quan, cho rằng Mục Bá hai châu hiểu ông. Triều Tấn là chế độ quận huyện 3 cấp,
trưởng châu xưng là Mục 牧, cũng xưng là Phương
Bá 方伯. Đương thời ví việc trị dân giống như chăn dắt,
Phương Bá vốn là trưởng chư hầu một phương, nói rõ vị trưởng quan địa phương tối
cao đã hiểu ông. Còn như đọc Đằng Vương
các tự 滕王阁序 của Vương Bột 王勃 thời
Sơ Đường, mở đầu là: “Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ” 南昌故郡, 洪都新府. Nam Xương vốn thuộc
quận Dự Chương 豫章 thời
Hán, sau thời Tuỳ đổi Dự Chương thành Hồng Châu 洪州.
Nhưng ở đây sao lại xưng là “tân phủ”? Hoá ra thời Đường đã đem một số châu có
địa vị đặc thù đổi gọi là phủ.
“Quận” 郡 còn
thường đi chung với “quốc” 国. Từ “quận quốc” 郡国thấy nhiều trong sách cổ. Như trong bài Tàm Cốc 蚕谷行 hành của Đổ Phủ 杜甫:
Thiên hạ “quận quốc” hướng vạn thành,
Vô hữu nhất thành vô giáp binh
天下郡国向万城
无有一城无甲兵
(Muôn vạn thành trì của quận quốc trong thiên hạ
Không có thành
nào là không có giáp binh)
Quận và
quốc đi chung với nhau, nguyên nhân là đầu đời Hán đại phong chư hầu vương, chư
hầu có thể lập quốc, lãnh mấy quận. Sau thời Cảnh Đế 景帝,
về cơ bản là nhất quốc nhất quận. Vốn quận không đồng với quốc, nhưng quốc của
chư hầu vương lại đồng với quận, quận và quốc trở thành khái niệm giao thoa.
Cho nên từ “quận quốc” được dùng rộng rãi. Ngay cả trong Hậu Hán thư – Địa lí chí 后汉书 - 地理志 cũng xưng “Quận
quốc chí” 郡国志.
Chú của
nguyên tác
1- Nghệ văn loại
tụ 艺文类聚quyển lục quận quốc trang 117, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã.
(Trong
nguyên tác ở phần trên in nhầm là “Nghệ văn tụ loại” – ND)
2- Như trên.
3- Trung Quốc cổ
đại văn hoá sử giảng toạ 中国古大文化史讲座, Đàm Kì Tương 谭其骧 “Lịch đại hành chính khu hoạch lược thuyết” 历代行政区划略
说, Trung ương quảng
bá điện thị đại học.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 20/3/2019
Nguyên tác Trung văn
QUẬN DỮ CHÂU ĐÍCH CANH THẾ
ĐÀM “QUẬN”
郡与州的更替
谈 “郡”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã,
1998
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật