NHẤT ĐẠI NỮ HOÀNG
– VÕ TẮC THIÊN
Võ
Tắc Thiên 武则天
(624 – 705), người huyện Văn 文 Sơn Tây 山西. Phụ thân của bà vốn kinh doanh mua bán gỗ, cuối đời Tuỳ
theo Lí Uyên 李渊khởi
binh vào Trường An 长安, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư. Năm Võ Tắc Thiên 14
tuổi, được Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 tuyển vào cung phong làm Tài Nhân 才人(xưng hiệu của phi tần), ban hiệu
là “Võ Mị” 武媚.
Thái Tông qua đời, theo chế độ, bà vô chùa Cảm Nghiệp 感业 ở Trường An làm ni. Chưa tới một
năm, Cao Tông Lí Trị 李治lại nhìn thấy bà, triệu nhập cung, phong làm Chiêu Nghi 昭仪 (xưng hiệu của phi tần). Năm
655, Cao Tông phế Vương hoàng hậu làm thứ dân, lập Võ Chiêu Nghi làm hoàng hậu.
Võ
Tắc Thiên bản tính thông minh, rất có tài về chính trị. Bà không thoả mãn an hưởng
vinh hoa, làm hoàng hậu chẳng bao lâu, liền bắt đầu tham dự triều
Chính. Đương thời, Cao Tông thường
bệnh, bách quan tấu sự, đa phần sai bà xử lí. Võ Tắc Thiên đề xuất các kiến nghị
bao gồm giảm nhẹ phú thuế, đề bạt quan lại có địa vị thấp cùng thay đổi tác
phong hành chính và đề xướng 12 điều hiếu đạo, biểu hiện một tài năng chính trị
phi phàm.
Sau
khi Cao Tông qua đời, Võ hậu đích thân chấp chính. Đương thời, Từ Kính Nghiệp 徐敬业 nhân đắc tội bị biếm quan, cùng
với Đường Chi Kì 唐之奇,
Nguỵ Tư Ôn 魏思温
cũng bị biếm quan,
lấy chiêu bài “khuông phục Lư Lăng Vương” 匡复庐陵王
phản đối Võ Tắc
Thiên, đã khởi binh tại Giang Đô 江都. Đại thần triều đình Bùi Viêm 裴炎 không chịu xuất binh, nói rằng
chỉ cần Thái hậu giao chính quyền về cho hoàng đế thì tự khắc bình yên. Thế là
Võ Tắc Thiên xuất binh trấn áp Từ Kính Nghiệp, giết chết Bùi Viêm, lại sai người
đến trong quân chém đầu Đại tướng Trình Vụ Đĩnh 程务挺, người đã nói giúp Bùi Viêm. 4
năm sau, Thứ sử Bác Châu 博州 Lang Da Vương Lí Xung
琅玡王李冲, người trong tôn thất cùng phụ
thân là Thứ sử Tượng Châu 象州 Việt Vương Lí Trinh 越王李贞, khởi binh phản Võ, nhưng nhanh
chóng bị thất bại.
Đối
mặt với sự khiêu chiến của Tôn thất, quý tộc cùng một bộ phận đại thần cả văn lẫn
võ, Võ Tắc Thiên chọn biêbj pháp 2 mặt:
-
Một là nghiêm trị trấn áp phái phản đối.
-
Hai là ra sức đề bạt địa chủ thứ tộc làm quan, lôi kéo nhân tâm, bồi dưỡng một
số quan lại trung với mình.
Từ
năm 660 Võ Tắc Thiên bắt đầu tham dự triều chính trở đi, bà từng bước mưu tính,
muốn đoạt lấy hoàng vị. Đầu tiên, bà lợi dụng Phật giáo tạo ra dư luận đăng cơ.
Đương thời, Hoà thượng Pháp Minh 法明 biên soạn bộ Đại Vân
kinh sớ 大云经疏, tuyên dương Võ Tắc Thiên là Di
Lặc Phật 弥勒佛
hoá thân, đáng được
xưng đế. Vì thế, bà hạ lệnh các châu trong cả nước đều phải kiến lập Đại Vân tự
大云寺, cất giữ bộ Đại Vân kinh sớ 大云经疏 , đồng thời do cao tăng tuyên giảng cho quần chúng, lợi dụng
mê tín tôn giáo tạo dư luận để bà đoạt lấy hoàng vị. Năm 669, Võ Tắc Thiên đổi
quốc hiệu là Chu 周,
hiệu “Thánh Thần Hoàng Đế” 圣神皇帝.
Khi
Võ Tắc Thiên chấp chính, bà tiếp tục thực hiện quốc sách cơ bản đầu thời Đường,
kiên trì tập quyền trung ương, ủng hộ quốc gia thống nhất; ức chế một bộ phận
sĩ tộc, giúp thứ tộc mới trổi dậy, phản đối áp bức dân tộc, bảo vệ biên phòng
an toàn.
Bà
tương đối coi trọng sản xuất nông nghiệp, “khuyến khích nông tang, giảm nhẹ dao
dịch”, đồng thời hạ lệnh khen thưởng nông tang, lấy đó làm chuẩn để khảo hạch
chính tích của quan lại địa phương. Tu sửa thuỷ lợi là một tiêu chí của phát
triển nông nghiệp. 4 năm yên ổn cai trị (năm 688), tại phía tây huyện Ba 巴 lợi dụng mở rộng kênh dẫn nước
cũ, tưới cho hơn vạn mẫu ruộng. Tại Liên Thuỷ 涟水đào kênh Tân Kì 新奇, thông đến Hải Châu 海州, Nghi Châu 沂州, Mật Châu 密州.
Về
chính trị, Võ Tắc Thiên áp chế thân thích quý tộc và bộ phận sĩ tộc lớn tuổi, đề cao địa vị chính trị của
địa chủ thứ tộc. Võ Tắc Thiên lên ngôi chẳng bao lâu, lệnh cho Hứa Kính Tông 许敬宗, Lí Nghĩa Phủ 李义府 sửa đổi Thị tộc chí 氏族志và Tính thị lục 姓氏录, quy định phàm là tại triều Đường
“quan ngũ phẩm đều thăng vào hàng sĩ lưu, thế là binh tốt những người lấy quân
công đạt đến ngũ phẩm đông vô cùng” (Cựu
Đường thư – Lí Nghĩa Phủ truyện 旧唐书
- 李义府传). Cách làm này chính là thứ tộc
của chính quyền triều Đường đều được thăng vào hàng sĩ tộc, để áp chế địa vị của
cựu sĩ tộc.
Võ
Tắc Thiên tiếp tục phát triển chế độ khoa cử, lôi kéo nhân tài. Triều Tuỳ và
triều Đường sơ kì, thí sinh nộp quyển, không có chế độ “hồ danh” 糊名 (1), lúc chấm quyển dễ bị tệ nạn.
Sau khi Võ Tắc Thiên nắm quyền, cải cách biện pháp quản lí quyển thi trong khoa
cử, áp dụng chế độ hồ danh, khiến người chấm không thể biết họ tên của chủ nhân
quyển thi đó, nhằm tránh tệ nạn, điều này có lợi cho việc tuyển chọn nhân tài.
Về
việc cải thiện mối quan hệ với các tộc ở biên giới, Võ Tắc Thiên cũng đã có sự
cố gắng nhất định. Thời Đường Cao Tông, quý tộc Thổ Phồn 吐蕃 đã thôn tính Thổ Cốc Hồn 吐谷浑, công chiếm 4 trấn Tây An 西安của triều Đường. Võ Tắc Thiên một
mặt phái binh thu phục 4 trấn, mặt khác tranh thủ khôi phục và hoà thân, ổn định
biên giới.
Võ
Tắc Thiên tại vị 21 năm, thực tế nắm quyền hơn 40 năm. Bà tự cho mình công hơn
cả Cao Tông, thậm chí lúc tuyển chọn nơi để dựng mộ bia cũng tranh cao thấp với
chồng là Lí Trị, “nữ tả nam hữu”, “long tại hạ, phụng tại thượng”. Lúc vãn
niên, bà dần đi đến chỗ xa xỉ chuyên đoán, triều chính hỗn loạn, chúng thì phản
mà thân thì li. Đến năm 705, lúc Võ Tắc Thiên 82 tuổi, đại thần Trương Giản Chi
张柬之 phát động chính biến cung đình,
cưỡng bức bà truyền đế vị cho Đường Trung Tông Lí Hiển 李显, khôi phục lại quốc hiệu, đặt
cho bà tôn hiệu “Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng Đế” 则天大圣皇帝. Tháng 11 năm đó, Võ Tắc Thiên
bệnh và qua đời tại cung Thượng Dương 上阳.
Chú
của người dịch
1- Hồ danh 糊名: được sáng lập vào thời Võ Tắc
Thiên mới lên ngôi. Trong khoa cử khảo thí, để được công bình, người ta đem họ
tên thí sinh che lại rồi đổi quyển, gọi là “hồ danh pháp” 糊名法, nhưng đương thời chưa sử dụng
phổ biến trong khoa cử khảo thí.
Đời
Tống, thường gọi là “di phong” 弥封, đem họ tên, quê quán, cùng sơ định thứ bậc ở quyển đầu của
quyển thi phong lại, hoặc cắt đi để đề phòng người chấm theo ý riêng làm bậy.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/3/2019
Nguồn
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật