Dịch thuật: Ngọc - tượng trưng sự khiết bạch tốt đẹp

NGỌC – TƯỢNG TRƯNG SỰ KHIẾT BẠCH TỐT ĐẸP

          Chữ (ngọc) đã xuất hiện trong giáp cốt văn và kim văn cách nay hơn 3000 năm vào đời Thương. Chữ trong giáp cốt văn giống như sợi dây xâu chuỗi những miếng ngọc lại với nhau, ở phần đầu còn có một nút thắt, mãi đến thể chữ triện vẫn chưa thêm một nét chấm, chỉ có sự khu biệt về nét tinh tế. Lệ thư mới thêm một nét chấm thành .
          Người xưa đem ngọc mài giũa chế ra các loại ngọc khí trân quý, làm thành món vật mà thiên tử và quý tộc dùng trong triều sính, tế tự, tang táng, kính tổ tiên và thờ phụng thần linh, biểu thị sự trân quý và kính trọng. Người xưa cho rằng ngọc là tinh linh của thiên địa hoá sinh, có thể tị tà trừ ác, luôn bảo hộ sự cát tường bình an, lại thường xem ngọc tượng trưng cho mĩ đức.
          Từ 70000 năm trước, người xưa đã có ý thức đem những viên ngọc nhặt được chế thành vật phẩm trang sức. Tại lưu vực Thái hồ 太湖 đã phát hiện ngọc khí với số lượng lớn, hình thức phong phú, hoa văn trang trí tinh mĩ, tạo hình đa phần là hình tròn, hình động vật, ngọc long, ngọc thú v.v... Về sau ngọc nhiễm sắc thái “thần thánh”, ngọc khí với các loại hình thái lại tượng trưng cho quyền lực, tài phú, quý tiện v.v...
          Người xưa chia ngọc ra làm 5 loại: gọi tên là “ngũ thuỵ” 五瑞. Ngũ thuỵ tức 5 loại ngọc thạch: khuê , bích , tông , hoàng , chương . Ngọc “bích” mà Lận Tương Như 蔺相如thời Xuân Thu Chiến Quốc đem về lại cho nước Triệu trong Sử kí 史记 nói đến là loại ngọc thạch dạng hình tròn dẹp, vành rộng có lỗ, là một loại lễ khí dùng khi chư hầu triều kiến thiên tử hoặc thiên tử gặp chư hầu. Tước vị của người xưa phân làm 5 cấp: Công , Hầu , Bá , Tử , Nam. Chư hầu thuộc 5 đẳng cấp này khi triều kiến thiên tử, trong tay tất phải cầm khí cụ ngọc thạch thuộc đẳng cấp của mình. Do bởi ngọc thạch có những đặc tính như mịn nhẵn, láng bóng, khiết bạch, lóng lánh, mĩ lệ ... nên người xưa còn phú cho ngọc thạch 5 loại phẩm đức: tức nhân đức 仁德, nghĩa đức 义德, lễ đức 礼德, trí đức 智德, tín đức 信德. Do bởi “ngọc” tượng trưng  cho sự vật tốt đẹp, nên vào thời cổ có nhiều truyền thuyết thần thoại liên quan tới ngọc. Can Bảo 干宝 đời Tấn trong Sưu thần kí 搜神记 có kể về một người tên Dương Bá Ung 伯雍, anh ta rất hiếu kính đối với cha mẹ. Sau khi cha mẹ bệnh và qua đời an táng ở núi Vô Chung 无终, anh ta dựng nhà nơi núi đó, ngày đêm thờ phụng cha mẹ. Do vì núi này cao đến 80 dặm, không có nước, nên anh ta bèn lấy nước cung cấp cho những người đi đường dùng. Có một người khi uống nước, đã đưa cho Dương Bá Ung một đấu đá, đồng thời bảo anh ta đem trồng những viên đá này thì có thể sản sinh ra ngọc, sau này có thể cưới được vợ xinh đẹp. Dương Bá Ung theo lời đem đá trồng, quả nhiên trên đá mọc ra “ngọc”. Về sau anh ta cưới cô gái nhà họ Từ làm vợ.
          Trải qua mấy ngàn năm không ngừng phát triển, ngọc trở thành vật phẩm trang sức không thời nào không có, không nơi nào không có, và càng trở thành một loại kí thác tinh thần không thể thiếu trong đời sống.  

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 22/3/2019

Nguồn
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post