MẤY MẨU CHUYỆN VỀ TỊ HUÝ
Trong
xã hội phong kiến, vì thánh nhân mà tị huý, đây vừa là triều đình quy định, mà
cũng là do mọi người tự phát tị huý các bậc thánh hiền.
Đời Tống
để tránh tên huý 丘(Khâu) của Khổng Tử, vào năm Đại Quan 大观 thứ 4 (năm
110), quy định “đổi Hà Khâu 瑕丘 làm huyện Hà 瑕, đổi huyện Củng Khâu
龚丘làm huyện Củng 龚”.
Đến đời Thanh, để tị huý tên Khổng Tử, Ung Chính 雍正 hạ lệnh cho bách tính, bên cạnh chữ 丘 (khâu)
thêm cái tai, trở thành 邱 (khâu). Cái tai bên cạnh này kéo dài đến mấy trăm năm.
Mãi đến sau phong trào Ngũ Tứ 五四 (1) mới bỏ.
Đời
Thanh, có một vị huyện quan đương lúc thăng đường, bên ngoài có 2 người đến khiếu
kiện. Hai người này, một người họ 王 (Vương), một người họ 邱
(Khâu). Người họ Vương nói rằng:
Mười năm trước, bản thân ông có mua 2 gian
phòng của họ Khâu, do vì nhà người họ Khâu nhiều con gái, tạm mượn 2 gian phòng
mà ông đã mua. Về sau, con gái nhà họ Khâu sau khi lớn lên đã đi lấy chồng, ông
muốn thu hồi 2 gian phòng đó, nhưng người họ Khâu không thừa nhận là đã bán.
Quan
huyện hỏi rằng:
- Có nhân chứng không?
Người họ
Vương đáp rằng:
- Nhân chứng đã chết rồi.
Quan
huyện lại hỏi:
- Có chứng cứ không?
Người họ
Vương liền lấy ra chứng cứ mua 2 gian phòng. Trong chứng cứ viết rõ nguyên nhân
nhà họ Khâu bán 2 gian phòng, phía sau còn có kí tên 邱
x x
; 王 x x và nhân chứng, cuối cùng lại viết rõ thời gian là
vào năm Khang Hi thứ 55 (năm 1716). Quan huyện biết Khang Hi là niên hiệu của
phụ thân Ung Chính, lại thấy chữ 邱 có thêm cái tai bên cạnh, liền bảo đây là chứng cứ giả,
2 gian phòng đó phải là của nhà họ Khâu.
Quan
huyện này đã căn cứ vào chữ 邱có thêm cái tai bên cạnh,
sử dụng chỗ hở về thời gian để định án, nhân vì thời Ung Chính chữ 丘 mới bắt đầu thêm cái tai bên cạnh.
Gia
huý, chỉ việc dùng chữ lúc thường ngày nói chuyện hay hành văn, yêu cầu phải
tránh tên của tổ phụ cùng các bậc trưởng bối. Việc tị huý rất kĩ lưỡng, nếu phụ
mẫu còn sống thì cần tị huý tổ phụ mẫu (ông bà nội); nếu phụ mẫu không còn tại
thế, thì chỉ tị huý phụ mẫu. Mẫu thân của Khổng Phu Tử tên Trưng Tại 徵在, cho nên trong Luận
ngữ 论语, Khổng Tử chỉ đơn dụng 徵 (trưng) hoặc đơn dụng 在 (tại). Trong Luận ngữ - Bát dật 论语 - 八佾 có
câu:
Hạ lễ ngô năng ngôn chi, Kỉ bất túc trưng dã.
夏礼吾能言之, 杞不足徵也
(Lễ đời
Hạ, ta có thể nói ra được, nước Kỉ đời sau không đủ làm chứng.)
Trong
thiên Vệ Linh Công 卫灵公:
Tử cáo chi viết: ‘Mỗ tại tư’.
子告之曰: ‘某在斯’.
(Khổng
Tử nói với nhạc sư: ‘Ông mỗ ngồi ở đây’.)
Đời Tấn
có người tên Vương Chẩm 王枕đi thăm bạn là Đô đốc
Hoàn Huyền 桓玄. Hoàn Huyền bày tiệc rượu thịnh tình chiêu đãi, Vương
Chẩm vừa mới uống qua thuốc “ngọc thạch tán” 玉石散,
không thể uống rượu nguội, bèn gọi người hầu bên cạnh bảo đem rượu “ôn” (hâm nóng) một
chút rồi uống.
Không ngờ, lúc bấy giờ Hoàn Huyền rơi nước mắt, nghẹn
ngào khóc lên, làm cho Vương Chẩm không biết vì sao, bèn cáo từ ra về. Hoàn Huyền
vừa lau nước mắt vừa nói với Vương Chẩm:
- Tôi khóc là nhân vì phạm vào gia huý của
tôi, không ảnh hưởng gì đến ông.
Hoá ra,
phụ thân của Hoàn Huyền tên Ôn 温. Vương Chẩm nói “ôn
tửu” 温酒 chính là đã đụng đến gia quy của Hoàn Huyền, khiến
ông ta áy náy không thôi.
Thời cổ
có một thư sinh, phụ thân tên là Lương Thần. Để tị huý, phàm đọc sách gặp phải
2 chữ “lương thần”, anh ta đều đổi đọc là “ba ba” 爸爸.
Một lần nọ đọc Mạnh Tử 孟子, có câu:
Kim chi sở vị lương thần, cổ chi sở vị dân tặc
dã.
今之所谓良臣, 古之所谓民贼也
(Nay gọi
là lương thần, xưa là gọi là dân tặc vậy)
Anh ta
đọc thành:
Kim chi sở vị ba ba, cổ chi sở vị dân tặc
dã.
今之所谓爸爸, 古之所谓民贼也
quả thực khiến người ta phải ôm bụng cười.
Lại có
một thư sinh khác, phụ thân tên là A Cốc 阿谷.
Để tị huý, mỗi khi gặp phải chữ “cốc”, anh ta đều đổi đọc là “đa” 爹 (cha).
Một lần nọ đọc Tứ thư 四书, khi đọc đến
câu:
Cựu cốc kí một, tân cốc dĩ đăng (2)
旧谷既没, 新谷已登
(Lúa cũ
đã hết, lúa mới đã lên)
Anh ta vẫn đổi đọc là “đa”, thế là đọc thành:
Cựu đa kí một, tân đa dĩ đăng
旧爹既没, 新爹已登
Bạn học nghe qua, cho rằng cha anh vừa mới qua đời, mẹ
anh đã cải giá, mọi người cười vang.
Xưa
nay, bách tính rất coi trọng tị huý. Dân gian lưu truyền câu chuyện “Xảo tức phụ”
巧媳妇 (cô con dâu thông minh):
Ngày trước có một người tên Vương Cửu 王九, cô con dâu của ông vô cùng thông minh. Một hôm, hai
người bạn của Vương Cửu là Trương Cửu 张九 và Lí Cửu 李九, một người mang bình rượu, một người mang rau hẹ đến
mời Vương Cửu đi uống rượu. Gặp lúc Vương Cửu không có ở nhà, đành nhờ cô con
dâu chuyển lời. Sau khi Vương Cửu về, cô con dâu nói rằng:
- “Trương tam tam 张三三, Lí tứ ngũ 李四五, một người
mang liên chung số 连盅数, một người
mang mã liên thái 马莲菜 đến mời cha
đi dự tiệc.” (3)
Cô con
dâu thông minh đã thay đổi những chữ đồng âm với chữ “cửu” tên của cha chồng mà
vẫn biểu đạt được ý mà hai người bạn của ông nhờ chuyển lời.
Chú của người
dịch
1- Phong trào
ngũ tứ (Ngũ tứ vận động - 五四运动)
Đây là
phong trào yêu nước của thanh niên học sinh cùng quảng đại quần chúng gồm thị
dân, công nhân, thương nhân, văn sĩ…nổ ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 tại Bắc
Kinh. Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là “Ngoại kháng cường quyền,
nội trừ quốc tặc” (外抗强权, 内除国贼).
2- Trong bài Hữu
hội nhi tác tịnh tự 有會而作并序 của
Đào Tiềm 陶潛, câu này là:
Cựu cốc kí một, tân cốc vị đăng
舊穀既沒, 新穀未登
(Lúa cũ đã hết, lúa mới chưa
lên)
3- Chữ 九 (cửu) âm Bắc Kinh hiện
đại đọc là “jiu” (thanh 3).
Trương
Cửu, đổi thành Trương tam tam, tam tam 三三 là 9 thay cho
“cửu”
Lí Cửu,
đổi thành Lí tứ ngũ, tứ ngũ 四五là 9 thay cho “cửu”
Rượu tức
“tửu” 酒, âm Bắc Kinh cũng đọc là “jiu” (thanh 3).
Liên chung số 连盅数: (uống) mấy chung liền, tức uống rượu, ở đây chỉ rượu.
Rau hẹ
tức “cửu thái” 韭菜 “cửu”
韭 cũng
đọc là “jiu” (thanh 3)
Mượn
“mã liên thái” 马莲菜 thay
cho rau hẹ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/3/2019
Nguồn
HÁN TỰ ĐÍCH CỐ SỰ
汉字的故事
Tác giả: Úc Nãi Nghiêu 郁乃尧
Quang Minh nhật báo xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật