Dịch thuật: Trừ tịch



TRỪ TỊCH

          Trừ tịch 除夕 là buổi tối cuối cùng của năm âm lịch, hàm nghĩa năm cũ đến đây là hết, đổi sang năm mới. Thời cổ còn gọi là “trừ nhật” 除日, “trừ dạ” 除夜, “tuế trừ” 岁除, “tuế mộ” 岁暮, “tuế tận” 岁尽, “mộ tuế” 暮岁. Dân gian đa phần quen gọi là “đại niên tam thập” 大年三十.
          Hoạt động phong tục nhân lúc trừ tịch có rất nhiều.
1- Một là dán xuân liên 春联 (câu đối xuân), treo niên hoạ 年画 (tranh tết). Xuân liên còn có các tên khác là “đối liên” 对联, “đào phù” 桃符, “môn thiếp” 门帖 .... Truyền thuyết cho rằng, trước thời Ngũ Đại, mọi người không thể lí giải được tai hoạ thiên nhiên, cho rằng là do quỷ thần gây ra, thế là lúc đón năm mới, đa số dùng 2 mảnh gỗ đào làm thành hình người dài khoảng 7, 8 thốn, bên trên viết tên 2 vị thần là “Thần Đồ” 神荼 và “Uất Luật” 郁垒, treo nơi cửa để tị tà. Thời Ngũ Đại, hoàng đế nước Thục là Mạnh Sưởng 孟昶lần đầu tiên viết liên ngữ:
Tân niên nạp dư khánh
Gia tiết hào trường xuân
新年纳余庆
嘉节号长春
(Năm mới nhận được nhiều niềm vui
Tiết đẹp gọi mùa xuân trường cửu)
Trở thành một cặp câu đối xuân sớm nhất của Trung Quốc (có thuyết cho xuân liên bắt đầu từ đời Tấn).
          Niên hoạ 年画 (tranh tết) là từ “môn thần” 门神diễn hoá ra, thời Nghiêu Thuấn 尧舜đã xuất hiện. Thời Tống có niên hoạ bằng mộc bản, hiện tồn niên hoạ sớm nhất là bức “Yểu điệu trình khuynh quốc chi phương dung” 窈窕呈倾国之芳容tranh khắc bản đời Tống của triều Tuỳ, vẽ Vương Chiêu Quân 王昭君, Triệu Phi Yến 赵飞燕, Ban Cơ 班姬, Lục Châu 绿珠, mọi người quen gọi là “Tứ mĩ đồ” 四美图.
          Cuối đời Minh đầu đời Thanh, niên hoạ Trung Quốc hình thành 3 đại lưu phái trong dân gian là: Thiên Tân “Dương Liễu Thanh” 天津杨柳青”, Tô Châu “Đào Hoa Ổ” 苏州桃花坞”, “Sơn Đông “Duy Huyện Hoạ” 山东潍县画”.
          2- Hai là “thủ tuế” 守岁. Ghi chép sớm nhất được thấy trong Phong thổ kí 风土记của Chu Xứ 周处 thời Tây Tấn:
Chung dạ bất miên, dĩ đãi thiên minh, xưng viết thủ tuế.
终夜不眠, 以待天明, 称曰守岁
(Đêm cuối năm không ngủ để đợi trời sáng, gọi là “thủ tuế”)
          Trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录thời Nam Tống cũng ghi rằng:
Trừ tịch ..... sĩ thứ chi gia, vi lô nhi toạ, đạt đán bất mị, vị chi thủ tuế.
除夕 ..... 士庶之家, 围炉而坐, 达旦不寐, 谓之守岁.
(Đêm trừ tịch ..... nhà của bách tính, mọi người ngồi quây quần bên lò cho đến sáng mà không ngủ, gọi là thủ tuế)
          Thơ ca vịnh thủ tuế của người xưa rất nhiều, sớm nhất có bài Cộng nội nhân dạ toạ thủ tuế 共内人夜坐守岁của Từ Quân Thiến 徐君茜thời Nam Bắc triều:
Hoan đa tình vị cực
Thưởng chí mạc đình bôi
Tửu trung hỉ đào tử
Tông lí mịch dương mai
Liêm khai phong nhập trướng
Chúc tận thán thành hôi
Vật nghi mấn thoa trọng
Vi đãi hiểu quang thôi.
欢多情未极
赏至莫停杯
酒中喜桃子
粽里觅杨梅
帘开风入帐
烛尽炭成灰
勿疑鬓钗重
为待晓光催
(Chung vui, tình cảm với nhau chưa bao giờ cạn
Cùng thưởng thức rượu chẳng ai dừng li
Thích vì rượu có ngâm đào
Trong bánh “tông’ (1) tìm dương mai
Mở rèm gió thổi vào màn
Đuốc tàn đã thành tro
Sợ gì thoa cài đầu thêm nặng
 Cùng đợi nắng ban mai)
          Đời sau có Đỗ Phủ 杜甫 với bài Đỗ Vị trạch thủ tuế 杜位宅守岁:
Thủ tuế A Hàm gia
 Tiêu bàn (2) dĩ tụng hoa
守岁阿咸家
盘椒已颂花
(Lúc trừ tịch đến nhà A Hàm
Cùng uống rượu có hoa tiêu mừng năm mới)
          Lạc Tân Vương 骆宾王 trong bài Tây Kinh thủ tuế 西京守岁 cũng viết
Dạ tương hàn sắc khứ
Niên cộng hiểu quang tân
夜将寒色去
年共晓光新
(Đêm đưa sắc lạnh tiễn đi
Tết đến cùng màu nắng mới)
          Thơ Tô Đông Pha 苏东坡 có câu:
Nhi đồng cưỡng bất thuỵ
Tương thủ dạ hoan hoa
Toạ cửu đăng tẫn lạc
Khởi khán bắc đẩu tà
儿童强不睡
相守夜欢哗
坐久灯烬落
起看北斗斜
(Bọn trẻ gắng không ngủ
Suốt đêm cùng chuyện trò vui vẻ
Ngồi lâu đèn đã lụi tàn
Đứng dậy nhìn sao bắc đẩu đã xế ngang)
          3- Ba là ăn bữa cơm tối cuối năm, uống rượu Đồ tô 屠苏. Bữa cơm cuối năm còn gọi là “đoàn niên phạn” 团年饭, “túc tuế phạn” 宿岁饭. Trong Yên kinh tuế thời kí 燕京岁时记của Phú Sát Đôn Sùng 富察敦崇 đời Thanh có nói:
          Cơm cuối năm dùng gạo kim ngân nấu lên, bên trên có cắm cành tùng bách, điểm thêm kim tiền, táo, quả lật, long nhãn, hương chi. Sau ngày “phá ngũ” (3) mới bỏ.
          Người phương bắc ăn bữa cơm cuối năm nhất định phải có sủi cảo (饺子 giảo tử), thường gọi là “canh niên giao tử” 更年交子, người phương nam thì đa phần ăn “niên cao” 年糕. Sủi cảo làm thành hình thoi vàng, còn “niên cao” 年糕. hài âm với “niên cao” 年高 (tuổi cao), đều có hàm ý cát tường. Uống rượu Đồ tô cũng là một phong tục phổ biến lúc trừ tịch. Theo giải thích của Thẩm Ước 沈约người thời Nam Bắc triều trong quyển Tục thuyết 俗说, Đồ tô là nhà được làm bằng cỏ. Truyền thuyết kể rằng, có một vị ẩn sĩ ở trong nhà cỏ, mỗi khi đến đêm trừ tịch, ông luôn tặng cho hàng xóm một thang thảo dược, bảo đem bỏ vào trong giếng, ngày hôm sau lấy nước giếng cho vào bình rượu, cả nhà dùng thì có thể trừ được ôn dịch. Người đời sau chuyên chế dược tửu, bèn gọi đó là “Đồ tô tửu”. Vương An Thạch 王安石 trong bài Nguyên đán 元旦có viết:
Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ
Xuân phong tống noãn nhập Đồ tô
爆竹声中一岁除
春风送暖入屠苏
(Tiếng pháo trúc tiễn đưa năm cũ
Gió xuân đem hơi ấm vào rượu Đồ tô)
Có thể thấy người thời Tống vào lúc trừ tịch vẫn uống rượu Đồ tô.
          Đêm trừ tịch còn có tập tục “từ tuế” 辞岁, tặng “áp tuế tiền” 压岁钱. Trong Yên kinh tuế thời kí 燕京岁时记 có nói:
          - Phàm vào lúc trừ tịch, Thân vương, Quận vương, bối lặc cùng các quan đi bái yết thân hữu gọi là “từ tuế”. Người trong nhà bái yết bậc tôn trưởng cũng gọi là “từ tuế”. Chú rể mới phải đến nhà nhạc gia để “từ tuế”, nếu không thì sẽ là bất kính.
          - Dùng sợi chỉ màu xỏ những đồng tiền lại, kết thành hình rồng, đặt nơi chân giường, gọi đó là “áp tuế tiền”. Bậc tôn trưởng cho tiền con cháu cũng gọi là “áp tuế tiền”.
          Phong tục trừ tịch được thấy nhiều trong tiểu thuyết Minh Thanh. Hồi thứ 78 trong Kim Bình Mai 金瓶梅viết về hôm trừ tịch, pháo trúc thiên môn vạn hộ, nhà nhà dán xuân liên, nơi nơi treo đào phù. Tây Môn Khánh 西门庆sau khi đốt xong tiền giấy tế Lí Bình Nhi 李瓶儿, đặt tiệc rượu nơi hậu đường, cả nhà lớn nhỏ theo thứ tự ngồi mời rượu. Các a đầu, các dâu, trẻ nhỏ giúp việc đến khấu đầu. Tây Môn Khánh và Ngô Nguyệt Nương 吴月娘 thưởng cho khăn tay, khăn lau, tiền.
          Hồi thứ 53 trong Hồng lâu mộng 红楼梦 có nói, vào hôm trừ tịch, phủ Giả thay Môn thần, đối liên, treo tấm bài, sơn mới lại đào phù, sau đó tế tông đường, cả phủ hướng đến Giả Mẫu hành lễ, phát áp tuế tiền, túi thơm, vàng bạc, bày tiệc chung vui.
          Từ những miêu tả trong hai bộ tiểu thuyết trứ danh này có thể thấy, phong tục trừ tịch ở Trung Quốc về cơ bản đã hình thành kết cấu và cách thức, cả trăm ngàn năm nay biến đổi không lớn.

Chú của người dịch
1- Bánh tông: tức “tông tử” 粽子, thời cổ gọi là (tông); tương thông, cũng còn gọi là “giác thử” 角黍, bởi bánh được làm bằng nếp, gói có góc nên có tên như thế. Hiện nay, người phương nam thích mặn, lấy trứng vịt, thịt làm nhân bánh; người phương bắc thích ngọt, lấy mứt, táo, đậu làm nhân. Nhưng vào thời cổ, những thứ trên rất ít dùng làm nhân. Người xưa thích ăn những thứ hợp với thời tiết, nhân bánh thường thấy nhất chính là quả dương mai lúc đầu mùa hạ. Dùng dương mai làm nhân bánh là có cơ sở khoa học. Bánh tông ăn dễ ngán, khó tiêu hoá, dương mai có vị chua, vừa có thể khai vị, vừa thúc đẩy tiêu hoá. Bánh tông có dương mai vừa ngon, vừa đẹp, vừa dễ tiêu hoá, có thể nói là ba trong một.
2- Tiêu bàn 椒盘: phong tục thời cổ vào ngày nguyên đán dùng mâm đựng tiêu, khi uống rượu bỏ tiêu vào trong rượu.
          Tụng hoa 颂花: tức Tiêu hoa tụng 椒花颂, tên điển cố, dùng để chỉ lời chúc mừng năm mới.  Điển xuất từ Tấn thư 晋书 quyển 96 Liệt nữ truyện – Lưu Trăn thê Trần thị tuyện 列女传 - 刘臻妻陈氏传. Vợ của Lưu Trăn người thời Tấn tên Trần thị rất thông tuệ giỏi thơ văn, từng vào ngày mồng 1 tháng Giêng dâng bài Tiêu hoa tụng. Đời sau dùng điển này để chỉ lời chúc mừng năm mới.
3- Ngày “phá ngũ” 破五: tức ngày mồng 5 tháng Giêng. Gọi là “phá ngũ” nhân vì những cấm kị trong thời gian tết, sau ngày này thì có thể phá trừ.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 04/02/2019
                                                                 (30 tháng Chạp năm Mậu Tuất)
                                                               
Nguyên tác Trung văn
TRỪ TỊCH
除夕
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
Previous Post Next Post