TẠI SAO “BẠCH NHÃN” ĐỒNG NGHĨA VỚI "COI
THƯỜNG"
Đôi mắt
là cửa sổ của tâm hồn, phản ánh cách nghĩ chân thực và ý đồ của nội tâm chúng
ta. Trung Quốc cổ đại có rất nhiều từ liên quan đến đôi mắt, trong đó có “bạch
nhãn” 白眼, “bạch nhãn lang” 白眼郎,
“thanh nhãn” 青眼... “Bạch nhãn” thông thường mang ý nghĩa bị coi thường,
đáng ghét, “bạch nhãn lang” chỉ loại người không có nhân tính, vong ân phụ
nghĩa. “Thanh nhãn” có ý nghĩa tương phản với “bạch nhãn”, chỉ người lúc vui, mắt
nhìn thẳng, tròng đen ở chính giữa, ví với việc coi trọng hoặc ưa thích một ai
đó, từ đó có từ phái sinh “thanh lãi” 青睐, “thuỳ thanh” 垂青 (1).
Lai lịch
của từ “bạch nhãn” có quan hệ mật thiết với Nguyễn Tịch 阮籍. Nguyễn Tịch là một trong “Trúc lâm thất hiền” 竹林七贤 (2) thời Nguỵ Tấn, nhiều tài hoa. Tương truyền Nguyễn Tịch
có thể làm “thanh bạch nhãn”青白眼: hai mắt nhìn thẳng,
lộ rõ tròng đen, đó là “thanh nhãn”, dùng để nhìn người mà ông ta tôn kính; hai
mắt liếc nhìn nghiêng, lộ rõ tròng trắng, đó là “bạch nhãn”, dùng để nhìn người
mà ông ta không thích.
Đương
thời, nước Nguỵ họ Tư Mã 司马nắm giữ triều chính,
Nguyễn Tịch khó có thành tựu. Ông suốt ngày cùng với nhóm Kê Khang 嵇康 uống
rượu đến say, rất phản cảm đối với những kẻ truy danh trục lợi. Lúc mẫu thân
Nguyễn Tịch qua đời, bàn bè thân thích đến điếu viếng. Người anh của Kê Khang
là Kê Hỉ 嵇喜 cũng
đến nhà Nguyễn Tịch để điếu. Kê Hỉ là quan viên truy danh trục lợi, Nguyễn Tịch
rất không vui khi gặp ông ta, cho nên khi Kê Hỉ bước vào linh đường, Nguyễn Tịch
đưa tròng đen của mắt trượt xuống dưới mí mắt, dùng tròng trắng đảo qua. Kê Hỉ
đành chán chường ra về. Về sau, Kê Khang phẩm hạnh cao khiết đến điếu, Nguyễn Tịch
vội đứng dậy nghinh tiếp, đôi mắt cũng có thần, tròng đen tràn đầy thần thái rạng
rỡ.
Đó
chính là lai lịch “bạch nhãn” và “thanh nhãn”. “Bạch nhãn” vốn chỉ mắt liếc
nhìn nghiêng, lộ rõ tròng trắng mà nhìn người khác, về sau dẫn đến nghĩa coi
thường hoặc ghét.
Chú của người
dịch
1- “Thanh lãi” 青睐
và “thuỳ thanh” 垂青 cũng như “thanh nhãn” 青眼,
đều có nghĩa là coi trọng.
2- Trúc lâm thất hiền 竹林七贤 (7 ông hiền trong rừng trúc): chỉ 7 vị danh sĩ cuối đời Nguỵ đầu đời Tấn, gồm: Kê Khang嵇康, Nguyễn Tịch阮籍, Sơn Đào 山涛, Hướng Tú 向秀, Lưu Linh 刘伶, Vương Nhung 王戎, Nguyễn Hàm 阮咸.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 01/02/2019
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật