Dịch thuật: Vì sao nam nữ thành thân gọi là "kết hôn"



VÌ SAO NAM NỮ THÀNH THÂN GỌI LÀ “KẾT HÔN”

          Nam nữ thành thân gọi là “kết hôn” 结婚, là nhân vì người xưa cử hành hôn lễ vào lúc hoàng hôn mới có cách gọi như thế chăng?
          Hôn lễ hiện nay, ngoài việc tuyên bố hai bên nam nữ kết hợp ra, đa phần còn lại là chúc mừng đáp tạ. Nhưng vào thời cổ, hôn lễ phần lớn là nghi thức tế cáo trang trọng, không những rất kĩ lưỡng, mà còn lấy màu đen làm màu chủ đạo. Theo ghi chép trong Nghi lễ 仪礼, người xưa kết hôn, cô dâu phải mặc lễ phục màu đen, đến nhà cô dâu rước dâu vào lúc hoàng hôn, đội ngũ rước dâu cùng những vật để rước dâu cũng lấy màu đen làm chính. Trước đội rước dâu, một người cầm đuốc đi trước mở đường. Người xưa thực hành phương thức hôn lễ này, với người thời nay mà nói, xem ra có điều không thể hiểu được, nhưng khảo sát kĩ, sẽ phát hiện có duyên do.
          Vào thời viễn cổ, trong dân gian có tục cướp hôn, kẻ mạnh thường cướp cô dâu. Để đề phòng cướp hôn, người ta không dám quá phô trương, bèn chọn cử hành hôn lễ lúc hoàng hôn. Cho nên, nam nữ kết hợp được gọi là昏因 (hôn nhân), từ 婚姻 (hôn nhân) hiện nay do đó mà ra. Theo sự phát triển của học thuyết Âm Dương, việc thành thân vào lúc hoàng hôn có cách giải thích mới. Người xưa cho rằng, lúc hoàng hôn, là thời khắc ngày đêm giao nhau thay thế, âm dương điều hoà, tương sinh tương trưởng, thời khắc này mà kết hôn chính là lúc khí âm dương điều hoà.
          Nam là dương, nữ là âm, nếu hai người kết hợp dựa vào thiên thời địa lợi, tất nhiên đại cát đại lợi. Không những phù hợp với quy phạm lễ tiết, mà còn tuân tùng thuật âm dương. Nhân đó mà người xưa cho rằng hôn lễ cử hành vào lúc hoàng hôn, có thể đạt đến mục đích âm dương quân bình. Để dung hợp thành nhất thể với hoàng hôn lúc âm dương giao nhau thay thế, đội ngũ rước dâu cho đến chú rể phải mặc lễ phục màu đen, hôn lễ lúc này được gọi là 昏礼 (hôn lễ) ( 婚礼hôn lễ), ý nghĩa là điển lễ cử hành lúc hoàng hôn.
          Theo ghi chép trong Dậu dương tạp trở 酉阳杂俎, định thức cử hành vào lúc hoàng hôn kéo dài mãi cho đến thời Đường mới bị bỏ. Màu đen mà cổ hôn lễ dùng cũng dần được thay bởi màu đỏ tươi vui. Sau này, mọi người đã nhạt hoá quan niệm âm dương trong hôn lễ, trừ một số lễ trong hôn tục vẫn còn được bảo lưu, không khí chúc tụng vui tươi náo nhiệt đã càng vượt trội.

                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 02/01/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post