TRIỀU TẦN CHUYÊN CHẾ TẬP QUYỀN
THỰC HIỆN RỘNG RÃI CHẾ ĐỘ QUẬN HUYỆN
(Chế độ chính trị triều Tần)
(kì 3)
Cơ cấu
hành chính địa phương triều Tần chia ra 2 cấp là quận và huyện. Về các việc như
tuyển chọn, bổ nhiệm, khảo khoá, ban tước, trật bổng ... của quan lại, triều Tần
cũng có chế độ tương ứng.
Về
phương diện tuyển chọn bổ nhiệm quan lại, triều Tần theo chế độ biến pháp của
Thương Ưởng 商鞅 từ
trước, phế bỏ chế độ thế khanh, thế lộc, thực hiện quan liêu chế phong kiến “dĩ
công thụ quan” 以功授官 (theo công trạng mà trao chức quan). Ở chế độ này,
căn cứ vào quân công mà trao chức quan là con đường chủ yếu để tuyển chọn và bổ
nhiệm quan lại. Một số người trong cuộc chiến tranh thống nhất có quân công, hoặc
có cống hiến đặc thù, Tần Thuỷ Hoàng sẽ trao cho các chức quan khác nhau. Đối với
việc tin dùng võ quan cao cấp, có người được tôn sủng gấp bội, thậm chí trở
thành chức quan mấy đời nối nhau. Tướng Tần Mông Điềm 蒙恬
cùng tổ phụ, Vương Tiễn 王翦 cùng con cháu của ông ta đều là tướng lĩnh cao cấp 3 đời
nối tiếp nhau. Tư Mã Thiên 司马迁xưng là “Vương thị,
Mông thị công vi đa, danh thi vu hậu thế” 王氏,
蒙氏功为多, 名施于后世 (Họ Vương, họ Mông công nhiều, danh tiếng truyền hậu
thế) (Sử kí – Bạch Khởi Vương Tiễn liệt
truyện 史记 - 白起王翦列传). Quân công hiển hách không chỉ là bậc thang thăng tiến,
mà còn là điều kiện cho con cháu nối tiếp được phong là võ quan. Nhìn từ “Mông
Điềm nhân gia thế đắc vi Tần tướng” 蒙恬因家世得为秦将 (Mông Điềm nhân
gia thế mà được làm tướng triều Tần) (Sử
kí – Mông Điềm liệt truyện史记 - 蒙恬列传), hiện tượng
võ quan triều Tần nối đời giữ chức, hiển nhiên thuộc loại được ban tặng nhờ “ân
ấm” 恩荫.
Nhưng,
theo sự thống nhất của đất nước, chiến tranh giảm dần, biện pháp lấy quân công
để tuyển chọn đã không thể thích ứng hoàn toàn với yêu cầu trong tình thế mới.
Nhất là khi triều Tần tăng cường thực hành rộng rãi trung ương tập quyền, chính
sự toàn quốc ngày càng tăng nhiều, cơ cấu các cấp của quốc gia cần các loại
nhân tài, nhân đó các con đường khác để tuyển chọn quan lại cũng đồng thời được
tiến hành. Như mời nhân sĩ ra giúp, hoặc từ trong đám lại viên cấp thấp mà
trưng cử nhân tài, chính là một trong số những con đường đó. Loại trước như thời
kì Tần Thuỷ Hoàng, Thúc Tôn Thông 叔孙通 “dĩ văn học
trưng” 以文学征 (nhờ tài văn học nên được mời) (Sử kí – Lưu Kính Thúc Tôn Thông liệt truyện 史记 - 刘敬叔孙通列传), đãi chiếu trong hàng ngũ Bác sĩ; loại sau như Tiêu
Hà 萧何với
thân phận tốt lại của quận, khi thi được đỗ đầu, Giám ngự sử tấu lên triều đình
trưng dụng Tiêu Hà. Tuyển quan mang tính chất trưng triệu này, kẻ sĩ được mời có
đi hoặc không có thể tự lựa chọn, như Tiêu Hà không ứng theo lời triệu mời.
Đối với
việc tuyển chọn quan lại cấp thấp, triều Tần thực hiện biện pháp do địa phương
tiến cử. Trong Sử kí – Hoài Âm Hầu liệt
truyện 史记 - 淮阴侯列传 có ghi rằng: Hàn
Tín 韩信 “thuỷ vi bố y thời, bần vô hạnh, bất đắc thôi trạch
vi lại” 始为布衣时贫无行不得推择为吏 (lúc còn mặc áo vải, nghèo không giữ đức hạnh, không
được chọn làm lại). Phương thức chọn quan này, không chỉ bị hạn chế về điều kiện
tài sản, phẩm hạnh, tuổi tác ... mà còn bị người tiến cử yêu cầu kinh qua thi
chức vụ, mới có thể chính thức nhậm dụng. Lưu Bang 刘邦lúc
triều Tần, “cập tráng, thí vi lại” 及壮, 试为吏 (Sử kí – Cao Tổ
bản kỉ 史记 - 高祖本纪), tức kinh qua thi chức vụ, sau đó được nhậm mệnh làn
Đình trưởng Tứ Thuỷ 泗水.
Ngoài
ra, chế độ nhậm dụng tiến cử thịnh hành thời Tần, hoặc xưng là “bảo cử” 保举, đại khái thời kì đầu Tần thống nhất hãy còn thực
hành. Đây là do quan lại tiến cử nhân tài, đồng thời đảm bảo luôn người đó, phủ
quan tăng cường phương thức tuyển quan theo cách nhậm dụng. Như thời kì Tần
Doanh Chính 秦嬴政, Lí Tư 李斯vào đất Tần, chính
là do Lữ Bất Vi 吕不韦đứng ra bảo đảm nhậm chức Lang 郎. Nhưng, nếu vi phạm chế độ bảo cử, hoặc không xứng
đáng, thì người đứng ra bảo cử chịu trừng phạt. Ở Tần luật tạp sao – Trừ lại luật 秦律杂抄 - 除吏律trong Tần giản 秦简 tại Vân Mộng云梦 quy định, nếu bảo cử từng bị bãi chức, vĩnh viễn
không được chọn dùng người làm lại, phạt 2 giáp. Trừ đệ tử luật 除弟子律 quy định, nếu bảo cử con em không xứng đáng, thì sẽ “nại
vi hậu” 耐为候, tức xử “nại hình” 耐刑
cạo bỏ râu và tóc mai, phạt làm công việc quan sát tình hình quân địch.
Triều Tần
đối với việc khảo khoá quan lại địa phương, chế độ thực hành là “thướng kế” 上计chế. Tức mỗi năm vào lúc cuối năm, địa phương phái người
đến kinh sư dâng kế bạ, báo cáo về tình hình cai trị của địa phương. Nội dung
“thướng kế” rất rộng, như nông tang, hộ khẩu, phú thuế, tiền lương, trị an, hình
ngục ... để trung ương hiểu rõ phong tục chính sự các vùng, khảo sát chính tích
quan lại địa phương, đồng thời làm căn cứ để thăng chức thưởng phạt quan lại.
Chế độ
ban tước của triều Tần, nguyên vốn là chế độ ban tước của nước Tần. Sau khi thống
nhất toàn quốc, cũng phát sinh một số thay đổi. Tần thực hiện rộng rãi chế độ
ban tước, ý là nhằm vào việc tưởng thưởng quân công. Phàm người có được tước vị,
có thể căn cứ đẳng cấp khác nhau mà hưởng thụ một số đặc quyền, như nhập sĩ làm
quan, chuộc tội chuộc thân, có được đất đai nhà cửa, sai khiến thứ tử (1),
phong ấp thực thuế v.v... Sau khi Doanh Chính tức vị, lấy quân công ban tước vẫn
không có sự thay đổi. Như năm 238 trước công nguyên, khi Tần dẹp yên được loạn
Lao Ải 嫪毐, đối với người giết địch lập công đều bái tước, hoạn
quan tham chiến cũng bái tước một cấp. Nhưng sau khi toàn quốc được thống nhất,
việc ban tước xuất hiện sự thay đổi rõ, tức những người tu sửa đường xá cùng những
người lao dịch nơi biên giới cũng được ban cho tước.
Quan trật
của triều Tần tức đẳng cấp quan giai và bỗng lộc, thực hiện theo chế độ “trật
thạch” 秩石. Đây chính là lấy số lượng của “thạch” 石 biểu
thị quan giai, dựa theo đẳng cấp quan giai khác nhau mà ban lộc. Như trước khi
Tần thống nhất, do vì liên luỵ đến sự kiện của Lã Bất Vi, một số quan lại bị bị
chuyển đi phòng vệ lăng, trong số đó có quan “600 thạch” “500 thạch”. Sau khi toàn quôc thống nhất, đại khái vẫn theo chế độ
này, nhưng sự sai biệt đẳng cấp quan lại, cùng với bổng lộc của quan lại có đẳng
cấp khác nhau, đến nay vẫn chưa cách nào xác định rõ.
Tóm lại,
sau khi Tần thống nhất toàn quốc, đã kiến lập một chế độ chính trị hoàn chỉnh,
mới mẻ, từ trung ương đến địa phương, khai sáng sự thống trị phong kiến theo chủ
nghĩa chuyên chế trung ương tập quyền, đặt nền móng cho chế độ chính trị phong
kiến 2000 năm của Trung Quốc. (hết)
Chú của người
dịch
1- Thứ tử 庶子: “thứ tử” ở đây
chỉ những người không có tước vị, phục vụ cho người có tước vị, tương đương
nông nô, nô bộc. Thời Chiến Quốc, nước Tần lệ thuộc vào “thứ tử”. Người có tước
vị xin người không có tước vị làm “thứ tử” cho mình. Cấp đầu tiên có thể xin 1
người. Lúc không có việc quân, thứ tử mỗi tháng phục dịch cho đại phu của mình
6 ngày; khi có việc, căn cứ vào tình hình thực tế mà sai khiến thứ tử.
(Theo http://baike.baudu.com/item...)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/01/2019
Nguyên tác Trung văn
CHUYÊN CHẾ TẬP QUYỀN, THÔI HÀNH QUẬN HUYỆN
专制集权, 推行郡县
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã,
2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật