Dịch thuật: Triều Tần chuyên chế tập quyền ... (kì 1)

TRIỀU TẦN CHUYÊN CHẾ TẬP QUYỀN
THỰC HIỆN RỘNG RÃI CHẾ ĐỘ QUẬN HUYỆN
(Chế độ chính trị triều Tần)
(kì 1)

Sau khi Tần kiêm tính 6 nước, đã kiến lập vương triều phong kiến thống nhất, tức triều Tần trong lịch sử Trung Quốc. Thống trị một đất nước rộng lớn, đa dân tộc, là vấn đề chủ yếu mà sau khi Tần thống nhất phải đối mặt.
          Tần Vương Doanh Chính 秦王嬴政công thành nghiệp tựu, đầu tiên thống lĩnh quần thần nghị bàn đế hiệu. Các thần liêu hết sức lo sợ, từ trong “Tam Hoàng” 三皇 chọn “Thái Hoàng” 泰皇 tôn quý nhất làm đế hiệu. Nhưng Tần Vương Doanh Chính tự cho mình công nghiệp cái thế, trước kia không có ai, bèn kiêm dụng tôn xưng “Tam Hoàng Ngũ Đế” 三皇五帝, định đế hiệu là “hoàng đế” 皇帝. Lại quy định mệnh của hoàng đế xưng là “chế” , lệnh xưng là “chiếu” , thiên tử tự xưng là “trẫm” . Từ đó quyền chế độc đoán mà hoàng đế có, không chỉ trở thành định chế, mà còn càng được hoàn bị về hình thức. Đây là bước đi trọng yếu của Tần Vương Doanh Chính để cường hoá quân quyền do một mình hoàng đế vận dụng quyền bính, thực hiện rộng rãi pháp độ. Đồng thời với đó, ông mệnh lệnh phế bỏ cách đặt tên thuỵ thời cổ, tránh “tử nghị phụ, thần nghị quân” 子议父,臣议君 (con nghị bàn về cha, bề tôi nghị bàn về vị quân chủ) nhằm bảo vệ quyền uy của hoàng đế. Trên con đường Tần Vương Doanh chính thực hiện cực quyền chuyên chế, cuối cùng đã tiến một bước trọng yếu rất xa. Ông tự xưng “Thuỷ Hoàng Đế” 始皇帝, hi vọng đem đế nghiệp mà ông khai sáng truyền lại mãi cho các đời sau. Nhân đó, về thể chế chính trị sau khi thống nhất cùng vấn đề tương quan, Doanh Chính đã áp dụng một loạt những biện pháp.
          Về vấn đề thể chế chính trị sau khi thống nhất, nội bộ triều Tần tồn tại hai ý kiến đối lập. Đa số quan viên mà Thừa tướng Vương Oản 王绾 là đại biểu, chủ trương tại các khu vực Yên, Tề, Sở ... thiết lập phong quốc, lập các con của Tần Thuỷ Hoàng làm Vương, để tiện khống chế những vùng biên viễn này. Đối với việc này, Đình uý Lí Tư 李斯 bày tỏ dị nghị, cho rằng đầu thời Chu, con em được phong rất đông, kết quả hình thành cục diện chư hầu hỗn chiến, ngay cả Chu thiên tử cũng không có cách nào ngăn chận. Nay thiên hạ thống nhất, Lí Tư kiến nghị thực hiện rộng rãi chế độ quận huyện trong toàn quốc, dùng phú thuế ban thưởng cho chư tử công thần, không nên phân phong lại chư hầu, để đảm bảo sự an ninh thống nhất quốc gia. Tần Thuỷ Hoàng tiếp nhận ý kiến của Lí Tư, quyết định thực hiện toàn diện chế độ quận huyện, từ đó sáng lập nên chế độ trung ương tập quyền chuyên chế.
          Căn cứ vào thể chế chính trị này, triều Tần  thiếp lập 2 cấp cơ cấu thống trị trung ương và địa phương trong toàn quốc, hoàng đế là vị thống trị tối cao. Cơ cấu hành chính trung ương đặt Thừa tướng 丞相, Thái uý 太尉và Ngự sử đại phu 御史大夫, tức triều Tần thường xưng là quan lại cao cấp “tam công”. Kì thực chức quyền thực tế và quan giai của họ sai biệt rất lớn, cũng không giống như “tam công chế” của đời sau, còn triều Tần có thiết lập Thái Uý hay không là một nghi vấn. Chức quyền của họ và tình huống thiết lập như sau:
          Triều Tần thiết lập Tả, Hữu thừa tướng , 右丞相, lấy Tả làm tôn quý. Thừa tướng đứng đầu bách quan, tức vị trưởng quan hành chính tối cao. Họ thừa phụng chỉ ý của hoàng đế, phụ tá hoàng đế xử lí sự vụ trong cả nước. Hậu kì thời Tần Thuỷ Hoàng, Lí Tư từ Đình Uý 廷尉được cất nhắc lên làm Thừa tướng, tham dự nhiều quyết sách trọng yếu, chức vị Thừa tướng vinh hiển trọng yếu. Lí Tư được phong là Liệt Hầu 列侯, người đương thời gọi ông là “Quân Hầu” 君侯, địa vị chỉ sau hoàng đế. Lí Tư từng cảm thán nói rằng:
Đương kim nhân thần chi vị vô cư thần thượng giả, khả vị phú quý cực hĩ.
当今人臣之位无居臣上者, 可谓富贵极矣.
          (Như nay, chức vị của bề tôi không có ai cao hơn tôi, có thể nói là phú quý vinh hoa đến cực điểm)
                                         (Sử kí – Lí Tư liệt truyện 史记 - 李斯列传)
Đây là thời kì quyền thế Thừa tướng mạnh nhất từ lúc Tần thống nhất, nó đã chiết xạ sự tập trung quân quyền. Thời Tần Nhị Thế, Thừa tướng do hoạn quan Triệu Cao 赵高đảm nhiệm, lại gọi là Trung thừa tướng 中丞相.
         Theo Hán thư – Bách quan công khanh biểu 汉书 - 百官公卿表, Thái uý  nắm giữ “võ sự”, trợ giúp hoàng đế xử lí quân vụ, là chức quan do triều Tần thiết lập. Nhưng thấy ghi chép trong sử thư, trước lúc Tần thống nhất, chỉ có lập Quốc uý 国尉, Uý Liêu 尉缭 từng đảm nhiệm qua chức này. Sau khi triều Tần kiến lập, không chỉ chức hàm Quốc uý tiêu mất, mà cũng không thấy thiết đặt Thái uý. Sau này Thẩm Ước 沈约 biên soạn Tống thư – Bách quan chí 宋书 - 百官志cùng với Tấn thư – Chức quan chí 晋书 - 职官志được hoàn thành đầu thời Đường, khi nói về quá trình thiết lập chức Thái uý, đều không nhắc đến nước Tần hoặc triều Tần có đặt chức Thái Uý. Chức này có lẽ không thường đặt ra, cho nên sử sách rất ít ghi chép.
          Đầu triều Tần thiết lập Ngự sử đại phu , chức vụ như Phó thừa tướng. Phạm vi chức quyền quản hạt, bao gồm việc giám sát bách quan, chủ quản đồ tịch bí thư, đốc sát địa phương các quận, tiếp nhận tấu sự của công khanh, có tác dụng đặc thù trong triều đình. Một số quân quốc đại sự của triều Tần, thường do thuộc quan của Ngự sử đại phu giải quyết. Quân Tần nam chinh Lĩnh Nam 岭南, phụ trách việc đào mương vận chuyển quân lương chính là Giám quận Ngự sử lộc 监郡御史禄. Tần Thuỷ Hoàng chôn sống học trò, thẩm vấn chư sinh, biện lí án kiện, lại là Ngự sử. Thuộc quan  của Ngự sử đại phu, chủ yếu nhất có Ngự sử trung thừa 御史中丞. Chức quyền của Ngự sử đại phu trình bày ở trên, đa phần do Trung thừa cụ thể chấp hành... (còn tiếp)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 07/01/2019

Nguyên tác Trung văn
CHUYÊN CHẾ TẬP QUYỀN, THÔI HÀNH QUẬN HUYỆN
专制集权, 推行郡县
Trong quyển
TẦN HÁN SỬ THOẠI
秦汉史话
Tác giả: Phan Quốc Cơ 潘国基
Bắc Kinh: Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post