MINH TƯ TÔNG CHU
DO KIỂM
Chu Do
Kiểm 朱由检là con thứ 5 của Minh Quang Tông Chu Thường Lạc 明光宗朱常洛, mẫu thân là Lưu thị 刘氏,
Lưu thị mất sớm.
Chu Do
Kiểm sinh vào tháng 12 năm Vạn Lịch 万历 thứ 38 đời Minh Thần Tông 明神宗
(năm 1610). 12 tuổi phong Tín Vương 信王.
Tháng 7
năm Vạn Lịch thứ 48, Thần Tông qua đời, con trưởng là Thường Lạc kế vị, tức
Minh Quang Tông. Quang Tông lên ngôi chẳng bao lâu, bị bệnh lị. Nội thị của Trịnh
quý phi 郑贵妃là Thôi Văn Thăng 崔文升
dâng thuốc đại hoàng. Quang Tông sau khi uống, bệnh tình càng trở nên nguy kịch,
trong một ngày một đêm mà đi tiêu đến 34 lần. Quan Hồng lô tự là Lí Khả Chước 李可灼dâng 2 viên hồng hoàn, xưng là tiên đan. Quang Tông
sau khi uống đã qua đời, sử xưng là “Hồng hoàn án” 红丸案.
Quang
Tông tại vị 29 ngày, lúc mất chỉ mới 39 tuổi.
Quang
Tông mất, con trưởng là Chu Do Hiệu 朱由校tức vị, đó là Minh
Hi Tông 明熹宗.
Hi Tông
tại vị 8 năm, mất vào tháng 8 năm Thiên Khải 天启thứ
7 tại cung Càn Thanh 乾清, hưởng niên 23 tuổi.
Chu Do Kiểm nhận di mệnh của Hi Tông, lên ngôi hoàng đế tức Minh Tư Tông.
Chu Do
Kiểm tức vị, lấy niên hiệu Sùng Trinh 崇祯. Hoàng đế Sùng
Trinh sau khi lên ngôi, việc đầu tiên là thanh trừ lãnh tụ Yêm đảng 阉党gây hoạ cho đất nước và nhân dân là Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤, lệnh cho ông ta tự sát, bình đình nghịch đảng, chia
Yêm đảng ra làm 6 cấp, nặng thì xử tử, nhẹ thì chung thân bất dụng. Đồng thời
huỷ bỏ “tam triều yếu điển” 三朝要典 vu tội người của đảng Đông Lâm 东林, ra sức cứu vãn tình thế rối loạn, hăng hái dốc chí,
để triều Minh được trung hưng. Nhưng vương triều Đại Minh lúc bấy giờ khí số đã
tận, như bệnh đã nhiễm vào xương cốt, nội ưu ngoại hoạn, nguy cơ bốn phía. Tháng 4 năm Sùng Trinh nguyên niên (năm 1628), Hậu
Kim 后金khởi binh tại đông bắc, chuẩn bị đánh Cẩm Châu 锦州, lấy đó đánh thông đường đến Sơn Hải quan 山海关. Sùng Trinh khởi dụng Đại tướng Viên Sùng Hoán 袁崇焕 đã
bãi chức về quê xuất nhậm Binh bộ Thượng thư, thúc quân Kế 蓟, Liêu 辽 dẹp phản loạn Hậu
Kim. Quân Hậu Kim vượt qua Thanh Thành 青城,
chia đường từ Hỉ Phong khẩu 喜峰口, Long Tỉnh quan 龙井关, Đại An khẩu 大安口,
Hồng Sơn khẩu 洪山口tiến vào biên giới, công hãm Tuân Hoá 遵化, cả kinh sư chấn động.
Viên
Sùng Hoán đem quân cứu viện, quân hai bên đại chiến tại Kế Châu 蓟州. Sau khi Hậu Kim chiến bại dẫn quân tiến về phía tây,
đánh thẳng vào kinh sư. Viên Sùng Hoán nghe tin, hành quân hai ngày đêm hơm 300
dặm, đồn binh ở phía ngoài kinh sư, đánh bại Hậu Kim một lần nữa. Chúa Hậu Kim
là Hoàng Thái Cực 皇太极 bèn
dùng kế phản gián, mưu sát Viên Sùng Hoán. Sùng Trinh đế đa nghi, trúng kế phản
gián, bắt Viên Sùng Hoán hạ ngục xử tử. Bộ tướng của Viên Sùng Hoán là Tổ Đại
Thọ 祖大寿nghe tin cả kinh, liền dẫn sở bộ của mình phá Sơn Hải
quan mà ra, chạy thẳng đến Cẩm Châu, đầu bôn Hậu Kim. Chiến cục nhanh chóng
chuyển hướng. Sùng Trinh vội mệnh cho quan Tổng binh Đại Đồng 大同là Mãn Quế 满桂làm kinh lược, thống
lĩnh quân cần vương các lộ. Hậu Kim ban đêm tập kích vào doanh trại Mãn Quế,
Mãn Quế chiến tử, kinh sư nguy trước mắt. Hậu Kim người ngựa đều mệt, bèn theo
đường Lãnh Khẩu quan 冷口关 quay về bắc. Năm Sùng Trinh thứ 4, Tuần phủ Khâu Hoà
Gia 邱禾嘉vi phạm mệnh lệnh của Binh bộ Thượng thư Tôn Thừa Tông
孙承宗, đi tu sửa 2 thành là Hữu Đồn 右屯và Đại Lăng Hà 大凌河.
Hoàng Thái Cực tấn công Đại Lăng Hà, vây khốn 2 tháng liền, trong thành hết
lương thực, ra hàng. Hoàng Thái Cực sau khi huỷ Đại Lăng Hà liền hồi sư về Thẩm
Dương 沈阳. Năm Sùng Trinh thứ 7, quân Hậu Kim chia làm 4 lộ tấn
công Đại Đồng 大同, Tuyên phủ 宣府 ... Năm thứ 9 (1),
Hậu Kim đổi quốc hiệu là Đại Thanh 大清, một lần nữa tiến
vào Trường thành. Năm thứ 11, xâm nhập Đại Minh, bắt đi 46 vạn người, lấy hơn trăm
vạn lượng vàng bạc. Hoàng Thái Cực biết rõ, nếu không được Sơn Hải quan, thì
không thể tiến vào làm chủ trung nguyên; còn nếu được Sơn Hải quan, đầu tiên là
công hạ Ninh Châu 宁州, Cẩm Châu 锦州. Mùa đông năm Sùng
Trinh thứ 13 (năm 1640), quân Thanh vây Cẩm Châu. Tháng 7 năm sau, hoàng đế
Sùng Trinh phái Tổng đốc Kế 蓟 Liêu 辽 là Hồng Thừa Trừ 洪承畴 thống lĩnh 8 tổng
binh (2) như Ngô Tam Quế 吴三桂, Vương Phác 王朴 ....., với 13 vạn quân đi cứu viện. Sùng Trinh nhiều
lần ra lệnh đốc thúc tốc chiến. Kết quả, quân Minh trước tiên bị bại ở Tùng Sơn
松山, sau đó bị bại ở Cẩm Châu 锦州,
chủ soái Hồng Thừa Trừ bị bắt, 8 tổng binh chỉ có Vương Phác, Ngô Tam Quế đào tẩu.
Nội loạn của vương triều Minh cũng nổi lên như
ong. Diên Tuy 延绥 giương cờ nghĩa, Sơn Tây 山西,
Hà Bắc 河北hưởng ứng, làn sóng lan ra cả nước. Quân khởi nghĩa
trước tiên mỗi nơi tự nắm chính quyền riêng, đến năm 1635, cử hành đại hội tại Huỳnh Dương 荥阳, cùng cử Cao Nghinh Tường 高迎祥làm
thủ lĩnh. Năm sau, họ Cao hi sinh, cử Lí Tự Thành 李自成làm
Sấm Vương 闯王. Năm Sùng Trinh thứ 14, quân khởi nghĩa công chiếm Lạc
Dương 洛阳, binh có đến cả trăm vạn.
Năm
Sùng Trinh thứ 15, quân Thanh vào quan trung, chiếm lĩnh Kế Châu 蓟州, thâm nhập Hà Bắc 河北,
Sơn Đông 山东东, phá 3 phủ, 18 châu, 88 thành, bắt hơn 26 vạn bách
tính, đoạt hơn 120 vạn lượng vàng bạc, cũng 55 vạn bò dê. Hoàng Thái Cực bệnh
và qua đời, binh Hậu Kim tạm thời hoà hoãn. Thế lực của quân khởi nghĩa như chẻ
tre. Hạ Đồng Quan 潼关, phá Tây An 西安, trực chỉ Bắc Kinh 北京. Tháng 2 năm Sùng Trinh thứ 17, quân khởi nghĩa sau
khi công phá Thái Nguyên 太原, chia quân làm 2 lộ.
Lí Tự Thành thống lĩnh quân chủ lực đi qua Đại Đồng 大同,
Tuyên Phủ 宣府, Cư Dung quan 居庸关,
ngày 12 tháng 3 đến Xương Bình 昌平ngoại ô kinh sư. 5
ngày sau, tấn công 9 cửa kinh sư (3). Hoàng Đế Sùng Trinh không còn
đường chạy, cuối cùng vào ngày 19 tháng 3 năm thứ 17 khi thành bị vây hãm, Sùng
Trinh đã tự tận tại Môi sơn 煤山 phía bắc hoàng
cung, tại vị chỉ 18 năm hưởng niên 35 tuổi. Đại Minh trải qua 16 chúa, tổng cộng
277 năm đến đây thì diệt vong.
Ngày 17
tháng 3 năm Sùng Trinh thứ 17 (năm 1644), quân khởi nghĩa tiến đến dưới thành,
tình thế kinh sư vô cùng nguy hiểm. Ngày 18, quân khởi nghĩa công phá ngoại
thành. Hoàng đế Sùng Trinh biết đại thế đã tận, sau khi cáo biệt hoàng hậu, tần
phi, đã lệnh bức Chu hoàng hậu 周皇后 tự sát, tại cung Ninh Thọ 宁寿
chém trưởng nữ công chúa An Lạc安乐, giết chết ấu nữ
công chúa Chiêu Nhân 昭仁. Trong đêm, Sùng
Trinh dẫn thái giám xông ra cung môn, bị thần liêu ngăn lại, quay về lại cung.
Sáng sớm ngày 19, hoàng thành bị công phá. Sùng Trinh không có sự lựa chọn nào
khác, đành leo lên Môi sơn 煤山, tức Vạn Thọ sơn 万寿山, treo cổ tự tận tại cây hoè bên cạnh đình Thọ Hoàng 寿皇.
Trước
khi chết, Sùng Trinh đã viết lên vạt áo: nhân vì mất giang sơn, không còn mặt
mũi nào gặp tổ tông dưới suối vàng, không dám chết nơi chính tẩm. Người chết
theo là thái giám Vương Thừa Ân 王承恩. Môi sơn 煤山tại phía bắc cung thành của Tử Cấm thành, nay là Cảnh
sơn 景山. Nơi Sùng Trinh tự tận đến nay vẫn được bảo tồn, chỉ
có điều là cây hoè đã chết.
Chú của người
dịch
1- Năm thứ 9 tức năm Sùng Trinh thứ 9 triều Minh (năm
1636), năm này Hoàng Thái Cực 皇太极xưng đế, đổi quốc
hiệu là là Đại Thanh 大清, sử xưng là “Thanh
triều”.
2- Tám Tổng binh gồm: Vương Phác 王朴, Đường Thông 唐通,
Tào Biến Giao 曹变蛟, Ngô Tam Quế 吴三桂,
Bạch Quảng Ân 白广恩, Mã Khoa 马科, Vương Đình Thần 王廷臣, Dương Quốc Trụ 杨国柱.
3- Chín cửa kinh sư tức kinh sư cửu môn 京师九门gồm:
Triều
Dương môn 朝阳门, Sùng Văn môn 崇文门,
Chính Dương môn 正阳门, Tuyên Vũ môn 宣武门,
Phụ Thành môn 阜成门, Đức Thắng môn 德胜门,
An Định môn 安定门, Đông Trực môn 东直门,
Tây Trực môn 西直门.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/01/2019
Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật