Dịch thuật: Minh Thế Tông vì sao tự đặt hiệu là "Tử Cực Tiên Ông"

MINH THẾ TÔNG VÌ SAO TỰ ĐẶT HIỆU LÀ “TỬ CỰC TIÊN ÔNG”

          Minh Thế Tông Chu Hậu Thông 明世宗朱厚熜sùng tín Đạo giáo, tự xưng là “Tử Cực Tiên Ông” 紫极仙翁, thường liên hệ đại sự triều đình với tín ngưỡng Đạo giáo của ông, biến cung đình thành đạo trường của mình.
          Thuở nhỏ, Chu Hậu Thông theo cha mẹ sống tại vùng Hồ Bắc 湖北, mà Hồ Bắc đương thời rất thịnh hành Đạo giáo, Minh Thế Tông từ nhỏ đã tiêm nhiễm, cảm thấy rất hứng thú với Đạo giáo, lại thêm thiên sinh thể chất của ông yếu đuối nhiều bệnh, nên đem hi vọng trừ được bệnh tật kéo dài tuổi thọ gởi gắm vào Đạo giáo. Nhân vì Đạo giáo cho rằng: lập đàn cúng tế có thể trừ tai tiêu ách. Thế Tông bắt đầu từ năm Gia Tĩnh 嘉靖thứ 2 (năm 1523), hàng ngày lập đàn cúng tế trong cung. Sau năm Gia Tĩnh thứ 15 (năm 1523) cho xây bí điện trai cung, công trường đạt đến mấy chục nơi, số thợ lên đến mấy vạn người, hàng năm phí dụng cả mấy trăm vạn lượng bạc, chỉ riêng cơm chay đã tiêu tốn 1 vạn 8 lượng bạc. Sau khi trai cung hoàn thành,, biển đối ở môn đàn phải dùng vàng để viết, mỗi lần lập trai đàn cúng tế tốn đến mấy ngàn lượng vàng. Quan viên chấp bút chiếm lấy vàng ròng làm của riêng, không ít người nhân đó là phất lên giàu có. Đàn miếu tu sửa xong, hàng năm cần đến hơn 30 vạn cân bạch lạp thơm. Loại trân quý đương thời gọi là “long diên hương” 龙涎香, trong số quan viên có người nhân tiến dâng long diên hương mà được gia quan tấn tước, cũng có người do vì tiến dâng không kịp thời mà bị cách chức. Trong triều ngoài nội đều biết long diên hương là vật phẩm mà Minh Thế Tông cần nhất. năm Gia Tĩnh thứ 34 (năm 1555), có một người ở Ma Thành 麻城Hồ Quảng 湖广 (1) tên Ngô Thượng Nghiêu 吴尚尧, mạo sung chữ của Đào Trọng Văn 陶仲文 (2), mệnh lệnh cho huyện Định Biên 定边 ở Vân Nam 云南 tiến dâng long diên hương lên triều đình. Viên huyện lệnh nơi đó sai người đi tìm khắp nơi, từ trong khe hở của thạch nhũ lấy ra được 3 khối vật, nói đó là long diên hương, đưa cho Ngô Thượng Nghiêu. Ngô Thượng Nghiêu lại đem bán cho một số  thương nhân, bảo họ dâng lên Minh Thế Tông để kiếm chác tiền lời. Để lập đàn cúng tế, Minh Thế Tông đã khiến cho dân thì cùng tài thì tận, đương thời trong dân gian lưu truyền câu ngạn ngữ:
Gia Tĩnh Gia Tĩnh tựu thị gia cùng tịnh quang tịnh. (3)
嘉靖嘉靖就是家穷净光净
(Gia Tĩnh Gia Tĩnh là nhà nghèo đến nỗi không còn gì)
          Năm Gia Tĩnh thứ 18 (năm 1539), một ngày nọ Thế Tông tuần thị Hồ Bắc 湖北, trên đường đi ngang qua Vệ Huy 卫辉 Nam 河南, đột nhiên một trận cuồng phong thổi đến, cờ trước xe quay vòng, ngựa hí vang. Thế Tông lập tức triệu kiến Đào Trọng Văn, hỏi trận gió đó có điềm gì. Đào Trọng Văn đáp rằng:
          - Thần đã tính, tối nay có thể có hoả tai.
          Đến khi đêm tối, phía sau hành cung quả nhiên phát sinh hoả tai, ngọn lửa cháy rừng rực, nhanh chóng đã thiêu rụi hành cung, cung nhân tử thương quá nửa. Sau sự kiện đó, Thế Tông vô cùng tin tưởng Đào Trọng Văn, ban cho ông ta hiệu “Thần Tiêu Bảo Quốc Tuyên Giáo Cao Sĩ” 神霄保国宣教高士. Tình hình thực tế là, để Thế Tông tin tưởng những lời dự báo của mình, Đào Trọng Văn đã lệnh cho thủ hạ phóng hoả thiêu đốt hành cung. Chính là Đào Trọng Văn đã dùng thủ đoạn lừa bịp làm tổn hại cho người mà nhằm có lợi cho mình, để giành lấy sự tín nhiệm của Thế Tông.
          Lần đi Hà Nam đó, khiến Thế Tông càng tăng lòng tin đối với Đạo giáo, nảy sinh ra tư tưởng thoái triều ẩn cư. Năm Gia Tĩnh thứ 21 (năm 1542), hậu cung phát sinh “Nhâm Dần cung biến” 壬寅宫变, nhân lúc Thế Tông ngủ say cung nữ đã dùng dây siết cổ Thế Tông. Thế Tông đại nạn không chết cho rằng là do quỷ thần bảo hộ, nên càng dốc lòng tin Đạo giáo, từ đó dọn đến cung cũ ở Tây uyển 西苑, đem đại sự triều chính giao cho Đại học sĩ Nghiêm Tung 严嵩 nắm giữ.
          Ngoài tu luyện đạo pháp ra, Thế Tông còn thường tự phong đạo hiệu. Năm Gia Tĩnh thứ 35 (năm 1556), trước sau ông phong cho mình là:
          Linh Tiêu Thượng Thanh Thống Lôi Nguyên Dương Diệu Nhất Phi Thiên Chân Quân
          灵霄上清统雷元阳妙一飞天真君
          Cửu Thiên Hoành Giáo Phổ Tế Sinh Linh Chưởng Âm Dương Công Quá Đại Đạo Ân Nhân Tử Cực Tiên Ông Nhất Dương Chân Nhân Nguyên Hư Huyền Ứng Khai Hoá Phục Ma Trung Hiếu Đế Quân      
          九天宏教普济生灵掌阴阳功过大道恩仁紫极仙翁一阳真人元虚玄应开化伏魔忠孝帝君
          Thái Thượng Đại La Thiên Tiên Tử Cực Trường Sinh Thánh Trí Chiêu Linh Thống Tam Nguyên Chứng Ứng Vương Hư Tổng Chưởng Ngũ Lôi Đại Chân Nhân Huyền Đô Cảnh Vạn Thọ Đế Quân.
          太上大罗天仙紫极长生圣智昭灵统三元证应王虚总掌五雷大真人玄都境万寿帝君
          Dân gian bách tính gọi ông là “Tử Cực Tiên Ông”
          Vị hoàng đế đạo sĩ xưng là “Tử Cực Tiên Ông” này, trường kì uống tiên đan, huyễn tưởng có một ngày sẽ thành tiên thành thần, không ngờ tiên đan chưa làm cho ông ta trường sinh, mà ngược lại đã mất mạng chốn suối vàng. Mùa đông năm Gia Tĩnh thứ 45 (năm 1566), vị “Tiên Ông” khất cầu trường sinh này đã nhắm đôi mắt mà không chịu nhắm lại, đi đối thoại với thiên thần.

Chú của người dịch
1- Hồ Quảng 湖广: địa danh, thời Minh Thanh và sau này chỉ lưỡng Hồ tức Hồ Nam 湖南 và Hồ Bắc 湖北.
2- Đào Trọng Văn 陶仲文 (1475 – 1560): vốn tên Điển Chân 典真, người Hoàng Cương 黄冈 Hồ Bắc 湖北 thời Minh, đạo sĩ nổi tiếng, rất được Minh Thế Tông tin dùng.
3- Liên quan đến câu này còn có câu của Hải Thuỵ 海瑞 (1514 – 1587) mắng hoàng đế. Hải Thuỵ được coi là nhân vật tương đối nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông tính tình cương trực, không xu nịnh, lại còn dám mắng cả hoàng đế:
Gia Tĩnh Gia Tĩnh, gia gia can tịnh.
嘉靖嘉靖, 家家干净
(Gia Tĩnh Gia Tĩnh là nhà nghèo, nghèo đến mức trong nhà sạch trơn.)

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 21/01/2019

Nguyên tác Trung văn
MINH THẾ TÔNG VỊ HÀ TỰ HIỆU “TỬ CỰC TIÊN ÔNG”
明世宗为何自号紫极仙翁
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post