Dịch thuật: Thi tiên Lí Bạch

THI TIÊN LÍ BẠCH

          Lí Bạch 李白 tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên Cư Sĩ 青莲居士, tổ tịch tại Thành Kỉ 成纪 Lũng Tây 陇西 (nay là vùng Thiên Thuỷ 天水 Cam Túc 甘肃). Sinh năm 701 (Đường Trường An nguyên niên 唐长安元年) tại thành Toái Diệp 碎叶 Tây Vực 西域  (nay là phụ cận thành phố Thác Khắc Mã Khắc 托克马克ở  Cát Nhĩ Cát Tư 吉尔吉斯)  (tức Kyrgyzstan - ND). Năm lên 5 tuổi, Lí Bạch theo phụ thân dời đến ở tại làng Thanh Liêm 清廉 huyện Chương Minh 彰明 thuộc Miên Châu 绵州Tứ Xuyên 四川. Từ nhỏ Lí Bạch đã đọc lục giáp, xem bách gia, chăm chỉ học tập, đọc rất nhiều sách, thông minh dĩnh ngộ. Do bởi ảnh hưởng hoàn cảnh địa lí, phong khí thời đại cùng sự giáo dục của gia đình, Lí Bạch lúc niên thiếu hào phóng, phong lưu, không câu nệ lễ tiết. Lí Bạch không những ham thi phú mà còn ưa làm việc nghĩa, rất thích kiếm thuật. Năm 26 tuổi, Lí Bạch mang kiếm rời quê nhà, từ biệt người thân lên đường đi xa, muốn:
Phấn kì trí năng, nguyện vi phụ bật
奋其智能, 愿为辅弼
(Phát huy trí tuệ tài năng, nguyện làm bề tôi lương đống)
Sử hoàn khu đại định, hải huyện thanh nhất
使寰区大定, 海县清一
(Khiến thiên hạ yên định, đất nước thống nhất) (1)
          Khi 27 tuổi, Lí Bạch đến An Lục 安陆 Hồ Bắc 湖北 và đã lập gia đình ở nơi đây. Vợ ông là con gái của một vị Tể tướng đã thoái chức, cũng rất có tài khí. Trong khoảng thời gian 10 năm này, đại thể Lí Bạch lấy An Lục làm trung tâm, du lãm lưỡng Hồ, Giang Triết, Sơn Đông, Sơn Tây các nơi, thưởng thức rất nhiều danh sơn đại xuyên, kết giao không ít bạn bè. Do đó mà “danh bá hải nội” 名播海内 (danh tiếng vang trong nước), tiếng khen khắp kinh thành.
          Năm 742 (niên hiệu Thiên Bảo 天宝nguyên niên), nhân được đạo sĩ Ngô Quân 吴筠tiến cử, Đường Huyền Tông 唐玄宗 hạ chiếu triệu Lí Bạch vào kinh, thi nhân vô cùng hoan hỉ, cho rằng cơ hội thực hiện hoài bão đã đến, thế là vào mùa thu năm đó ông đi đến thủ đô Trường An 长安:
Ngưỡng thiên đại tiếu xuất môn khứ,
Ngã bối khởi thị bồng hao nhân. (2)
仰天大笑出门去
我辈岂是蓬蒿人
(Ngửa mặt lên trời cười lớn ra đi
Ta há cam chịu làm người tầm thường chốn dân gian)
          Ba năm ở Trường An là thời kì đắc ý nhất và cũng là thống khổ nhất trong cuộc đời của thi nhân. Lúc mới đến Trường An, một thi nhân nổi tiếng và cũng là Thái tử tân khách Hạ Tri Chương mới gặp mặt Lí Bạch đã thốt lên rằng:
Đây là trích tiên trên trời!
          Đường Huyền Tông cũng coi trọng Lí Bạch, ban cho ông sự đãi ngộ đặc biệt. Đường Huyền Tông sủng ái Lí Bạch, chỉ là nhìn thấy tài năng văn học của ông, hi vọng ông sẽ là một từ khách ngự dụng, ca tụng công đức cho mình, điểm xuyết thăng bình. Hàn lâm cung phụng 翰林供奉mà Huyền Tông phong cho Lí Bạch là hư hàm, không có thực quyền, điều này khiến Lí Bạch khó mà dung nhận, bởi nó cách xa mười vạn tám ngàn dặm đối với lí tưởng “nguyện vi phụ bật” của ông. Lí Bạch không phải là anh tài về chính trị, nhưng lại là một thi nhân lãng mạn vô cùng cao ngạo. Lí Bạch yêu cầu giải phóng cá tính, phản đối bất kì sự trói buộc lễ pháp nào. Tính cách cô cao ngạo ngạn này về căn bản là sự quay lưng lại với lễ giáo phong kiến. Tác phong cuồng phóng:
Thiên tử hô lai bất thướng thuyền
Tự xưng thần tử tửu trung tiên (3)
天子呼来不上船
自称臣子酒中仙
(Thiên tử gọi đến nhưng không lên thuyền
Tự xưng là thần tử “tửu trung tiên”)

Du dương cửu trùng vạn thặng chủ,
Hước lãng xích trì thanh toả hiền. (4)
扬九重万乘主
谑浪赤墀青琐贤
(Tán dương quân chủ chốn cửu trùng,
Trào lộng đại thần nơi điện ngọc)
Nhất định không bao giờ được trật tự phong kiến tiếp nhận. Chưa đến 3 năm, Lí Bạch cũng không cách nào hoà chung vào phong khí quanh mình, nên đã chủ động dâng sớ xin về. Đường Huyền Tông cũng “dĩ kì phi lang miếu khí, ưu chiếu bãi khiển chi” 以其非廊庙器, 优诏罢遣之 (cho không phải là người có tài để trọng dụng, đã hạ chiếu bãi miễn), ban cho vàng bạc cho về. Và như thế, thi nhân lại được giải phóng.
          Mùa xuân năm 744 (niên hiệu Thiên Bảo 天宝thứ 3), Lí Bạch đến Lạc Dương 洛阳, tại nơi đây, Lí Bạch đã gặp Đỗ Phủ 杜甫, thi nhân nhỏ hơn ông 11 tuổi. “Thi tiên” và “Thi thánh” vừa gặp đã ngưỡng mộ nhau, kết làm bạn thân trước sau không thay đổi. Hai người cùng uống rượu, luận thơ, đi săn, đồng thời hẹn cùng du lịch đến Khai Phong 开封, Tế Nam 济南, Khúc Phụ 曲阜...
          Năm 755 (năm Thiên Bảo 天宝thứ 14), loạn An Sử 安史 bạo phát, vương triều Đường từ thịnh chuyển suy, tình thế nguy cấp. Đường Huyền Tông trên đường chạy nạn đến đất Thục, mệnh lệnh cho Vĩnh Vương Lí Lân 永王李璘tại Giang Lăng 江陵 tổ chức đội quân cần vương, nhưng Lí Lân lại tự ý thống lĩnh thuỷ quân xuống Giang Đông 江东, nhằm với lực lượng lớn mạnh của mình đoạt lấy vương vị. Khi đến Đương Dương 当阳 (nay là thành phố Cửu Giang 九江), vì hâm mộ tài danh Lí Bạch đã mời Lí bạch đến để mưu xuất kế sách cho mình. Lúc này thi nhân tuy tuổi đã xế chiều, nhưng hùng uy không giảm, chính khí hãy còn. Đương thời, dã tâm tranh đoạt vương vị của Lí Lân hãy còn ẩn tàng, vì thế Lí Bạch hân hoan tiếp nhận lời mời, làm mạc binh trong trướng của Vĩnh Vương. Đáng tiếc là thi nhân bị người ta lợi dụng mà không biết. Vĩnh Vương bị trấn áp, Lí Bạch cũng bị bắt giam vào ngục với tội “tùng nghịch” 从逆. May nhờ Quách Tử Nghi 郭子仪đứng giữa hoà giải mới thoát khỏi tội chết, bị đày đến Dạ Lang 夜郎 (nay là vùng Đồng Tử 桐梓 Quý Châu 贵州), lúc này thi nhân đã là một ông lão gần 60 tuổi. Trên đường lưu đày, đi đến vùng Vu Sơn 巫山ở Tứ Xuyên 四川 may gặp được triều đình đại xá thiên hạ mới khỏi bị đi đày. Bài thơ
Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lí Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san. (5)
朝辞白帝彩云间
千里江陵一日还
两岸猿声啼不住
轻舟已过万重山
(Sáng sớm từ biệt thành Bạch Đế trong khoảng không đầy mây
Giang Lăng cách xa ngàn dăm, trong một ngày đã về đến.
Hai bên bờ sông tiếng vượn kêu không dứt,
 Thuyền con đã vượt qua muôn trùng núi)
được sáng tác trên đường trở về. Năm 761, Lí Bạch tại Đương Đồ当涂An Huy 安徽, nghe nói Thái uý Lí Quang Bật 李光弼 thống lĩnh bách vạn binh sĩ vây đánh phản quân An Sử tại Lâm Hoài 临淮, trái tim báo quốc của thi nhân lại đập dồn dập không thôi, ông quyết định đầu quân tham chiến. Nhưng chỉ đi đến Kim Lăng 金陵thì mắc bệnh phải quay về. Năm sau khi du ngoạn ở Đương Đồ 当涂, Lí Bạch đã bị chết chìm.

Chú của người dịch
1- Hai câu này trong Đại Thọ Sơn đáp Mạnh Thiếu Phủ di văn thư 代寿山答孟少府移文书 của Lí Bạch.
2- Hai câu này trong bài Nam Lăng biệt nhi đồng nhập kinh 南陵别儿童入京của Lí Bạch.
3- Hai câu này trong bài Ẩm trung bát tiên ca 饮中八仙歌 của Đỗ Phủ.
4- Hai câu này trong bài Ngọc hồ ngâm 玉壶吟 của Lí Bạch.
5- Bài thơ này nhan đề là Tảo phát Bạch Đế thành 早发白帝城.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 26/12/2018

Nguồn
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post